Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp

Huyền Trang - Chí Toàn,
Chia sẻ

“Cả thời tuổi trẻ đã xa cách nhau, giờ có tuổi rồi mới có thời gian riêng tư, phải tranh thủ để ở cạnh nhau, nên tôi đi đạp xe cùng bà ấy” – bác Đinh Xuân Toàn (Đào Tấn, Hà Nội) kể về lý do cùng vợ rong ruổi đạp xe vòng quanh đất nước nhiều năm qua.

Cặp vợ chồng mê "xê dịch" bằng xe đạp

Ở cái tuổi “ngấp nghé” về già, bác Đinh Xuân Toàn (72 tuổi) và bác Lê Thị Xuân (66 tuổi) vẫn còn ham mê xê dịch. Hỏi về chuyện sắp già mà vẫn ham đi, ham học hỏi như đám thanh niên, bác Toàn chỉnh ngay: “Đừng dùng từ già. Cái chữ già nó không chuẩn, nó làm cho người ta nghĩ đến sự yếu ớt, trì trệ. Khi người ta nghĩ mình già, lúc ấy mình già thật, còn chúng tôi, thân thì cao tuổi, nhưng tâm trí vẫn còn thanh niên lắm!” 

Mà bác Toàn, bác Xuân “thanh niên” thật! Từ năm 2005, sau gần một năm tham gia vào đội đạp xe, bác Xuân đã cùng Hội người cao tuổi Unesco đi cả trăm chuyến, khi thì xuyên Việt, khi thì là những chặng vài trăm km, đi Lào, Campuchia. Đến năm 2010, bác Toàn  tham gia cùng vợ.

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 1
Đôi vợ chồng này đã từng đạp xe vòng quanh đất nước bằng xe đạp.

Vừa giục chồng mở đĩa video do trưởng đoàn tự quay bằng máy cá nhân để lưu niệm những chuyến đi, bác Xuân vừa thủng thẳng kể: “Hầu như chuyến nào chúng tôi đi cũng dài, ít thì một tháng, dài hơn thì hai, ba tháng. Nguyên tắc của đoàn là đạp xe “nghiêm túc”, nghĩa là không có chuyện di chuyển bằng phương tiện khác trong suốt chuyến đi, trừ trường hợp ai đó bị ốm nặng, không thể đạp xe nổi nữa, đoàn sẽ để người đó về nhà, nhưng cả chục năm nay, tôi chưa thấy trường hợp nào như thế cả. Trung bình mỗi ngày chúng tôi đạp khoảng 70 – 80 km, có lần “hăng” nhất là đi một mạch 186 km mới nghỉ chặng. Đi đến các địa phương, chúng tôi cũng có chút quà tặng một số gia đình chính sách, trẻ em mồ côi…

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 2
Bác Xuân đã đi hàng trăm chuyến vòng quanh đất nước từ 2005 đến nay.

Bác Xuân kể, sau khi về hưu (năm 1992), bác tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, làm tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư, tham gia vào hội phụ nữ, vận động cai nghiện ma túy, bảo vệ môi trường... Năm 2004, được giới thiệu gia nhập câu lạc bộ người cao tuổi đạp xe xuyên Việt, bác hào hứng lắm, tưởng được đi Điện Biên cùng đoàn, nhưng chưa được “cấp phép”. 

Bác nhớ lại: “Các cụ bảo phải tập luyện, rèn luyện thể lực, sức chịu đựng, tinh thần bền bỉ đã chứ chưa cho đi ngay. Thế là ngày nào tôi cũng đạp xe từ nhà ra Linh Đàm rồi đạp về. Tập luyện thì thấy nhẹ nhàng, đơn giản, tôi cứ nghĩ đi vòng quanh đất nước cũng dễ vậy thôi, nhưng đến 2005, khi được đi chuyến đầu tiên mới thấy mình còn bỡ ngỡ lắm. 

Trong chặng đầu đi từ Hà Nội lên Lạng Sơn, cả đoàn đều đi xe mini bình thường, không ai có xe địa hình, xe leo núi gì cả, tôi lại trẻ nhất đoàn, thế mà chẳng hiểu sao cứ lẹt đẹt, tụt lại so với các cụ, bị các cụ trêu: con bé này thế mà yếu. Hóa ra, nguyên nhân là xe của tôi có vành bé. Đến Lạng Sơn, tôi và mấy anh trong đoàn đi lùng mua xe đạp vành to để thay nhưng chẳng có, cuối cùng, tôi phải gọi về nhà nhờ chồng mua xe khác. May có bác hàng xóm nhiệt tình, cũng trong đoàn đạp xe nhưng chuyến ấy không đi xuyên Việt được, bác ấy đạp hộ xe mới của tôi lên Sơn Tây đón đoàn, rồi lại đạp xe cũ của tôi về nhà. Từ khi có xe khác, tôi cứ đi băng băng thôi”.

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 3
Sau khi nghỉ hưu, bác Toàn cũng cùng vợ rong ruổi "xê dịch" bằng xe đạp.

Rồi bác Xuân kể chuyện năm 2007 đi Lào trong 2 tháng, chuyện sinh hoạt thiếu thốn, chuyện người Lào tình cảm, nhiệt tình, đất nước sạch sẽ, văn minh, chuyện có những người Việt sang Lào làm giàu, trở thành triệu phú… 

Vợ đang say sưa kể, bác Toàn trêu: “Sao em không kể luôn chuyện bị lạc đường, khóc nhè ở trong Nam ấy”, rồi cười to, bác tiếp lời: “Đó là lần đầu tiên bà ấy đi xuyên Việt, xa nhà hơn 3 tháng. Hồi đó đã làm gì có di động. Các con mua cho bà ấy mấy cái thẻ điện thoại, đi ven đường thấy chỗ nào có cột thì cắm thẻ vào gọi về nhà. Một tối bà ấy gọi về, khóc như trẻ con, kể chuyện bị lạc đường mà tôi vừa lo, vừa buồn cười, không nghĩ vợ mình… nhát thế!” Bác Xuân ngượng nghịu đáp lại: “Sợ chứ! Lần ấy là lạc ở Tiền Giang, đi qua mấy cái cầu tre, thấy đoạn nào cũng giống nhau, hỏi thăm mới biết tôi đi ngược đường. May trong tất cả chuyến đi, trưởng đoàn đều phổ biến lịch trình, các điểm dừng chân, nên đến trưa là tôi tìm được đoàn”. 

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 4
Không nhiều người cao tuổi có thể ngao du đất nước như các bác.

Cho đến năm 2009, khi chính thức nghỉ hưu, bác Toàn cũng chia sẻ niềm say mẹ đạp xe xuyên Việt với bác Xuân. Từ đó đến nay, chuyến đi nào của hội cũng có sự xuất hiện của cả hai bác, như chuyến đi vòng quanh đất nước trong 115 ngày năm 2010 với vài chục người hay chuyến đi Điện Biên Phủ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên (2014), chỉ có hai bác và hai người nữa rong ruổi trên 4 con “ngựa sắt”.

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 5
Có chuyến vắng nhà tận 3 tháng, nhưng bù lại, hai bác được song hành bên nhau.

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 6
Kỷ niệm tại một điểm dừng chân ở Tây Nguyên.

Đi để có thêm thời gian gần nhau

Đạp xe cùng vợ, hộ tống vợ trong những chuyến xê dịch hàng tháng trời, bác Toàn luôn đi sau xe vợ, đẩy xe giúp vợ lúc lên dốc, bóp chân tay cho vợ mỗi chặng dừng chân. Bác kể, đến những chặng nghỉ có điều kiện ngủ phòng riêng, đoàn đều bố trí “ưu tiên” cho hai bác ở cùng phòng, vì hai bác là đôi vợ chồng duy nhất cùng tham gia hội đạp xe. 

Cười khúc khích, bác Xuân bảo: “Từ hồi có ông Toàn nhà tôi đi cùng, các anh, các cụ trong đoàn cứ trêu, nhưng tôi bảo, đấy là ông ấy “giảm tải” cho các cụ, chứ đi đường xa xôi, nhỡ xảy ra chuyện gì với tôi đã có ông ấy lo, không thì phải “ăn vạ” các cụ à? Đùa vậy thôi, chứ ngần ấy năm, tôi đi cả trăm chuyến mà đoàn tôi chưa bao giờ gặp một trận mưa, chuyến nào đi về cũng tròn trĩnh cả”.
 
Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 7
Bức ảnh cưới được phóng lại và hai tấm huy hiệu 40 năm, 30 năm tuổi Đảng ghi dấu tuổi trẻ của bác Toàn, bác Xuân.

Bác Toàn lý giải, đi cùng vợ là để có thêm thời gian ở gần nhau. Ngày xưa, bác Toàn công tác trong ngành quân đội, là sĩ quan trong Binh chủng rada, còn bác Xuân làm kế toán ở Bộ Ngoại thương. Lấy nhau hơn 44 năm thì hơn một nửa thời gian, bác Toàn biền biệt xa nhà đi công tác. 

Bác Xuân ngậm ngùi kể lại: “Mỗi năm, ông ấy được nghỉ phép 3 ngày, đường xá mất gần 2 ngày, chỉ còn 1 ngày 1 đêm ở lại với vợ, với con. Gặp nhau lần nào cũng vội vã, chưa kịp hàn huyên tâm sự hết câu chuyện thì đã đến sáng rồi. Lần nào nghỉ phép mà ông ấy về thăm các cụ thì chỉ kịp tạt về nhìn mặt vợ, ôm con một cái là phải đi luôn. Mãi đến sau này cả nhà mới đoàn tụ ở Hà Nội”.

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 8
"Tuổi trẻ đã cách xa nhau, giờ phải tranh thủ ở gần nhau" - bác Toàn hóm hỉnh nói.

Có lẽ cả thời tuổi trẻ cách xa nhau, nên đến tuổi xế chiều, hai bác dành nhiều thời gian ở cạnh nhau hơn. Những ngày rong ruổi trên xe đạp đã đành, ở nhà, hai bác cũng quấn quýt với nhau. Họ vẫn gọi nhau bằng anh, xưng em, cùng nhau dậy sớm, đạp xe một vòng 28km quanh hồ Tây, về nhà chăm vườn rau, ăn sáng rồi tập khí công. Buổi chiều, họ đi dạo, đi thăm bạn bè, con cái rồi lại ra chăm chút vườn rau.

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 9
Ngoài đạp xe, tập khí công, trồng rau cũng là đam mê của hai bác. 

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 10
"Tuần này là có nồi chè ngon rồi đây!"- bác Toàn hào hứng khoe sản phẩm nhà trồng.

Mọi khoảng trống trên ban công, sân thượng của ngôi nhà bốn tầng đều được hai bác tận dụng để trồng rau xanh. Bác Xuân khoe, suốt mấy năm nay, cả bốn gia đình (gia đình bác và ba gia đình các con) không phải ăn một cọng rau nào ở chợ, kể cả rau gia vị. Bác Xuân chuyên việc gieo rau, bắt sâu, còn bác Toàn lo việc tưới tắm. Để tiện cho việc xê dịch dài ngày, bác Toàn còn sáng chế ra một hệ thống tưới nước, “nhả” vít cho nước chảy từng giọt xuống các ô trồng cây, đảm bảo rau củ trong nhà vẫn đủ nước tưới. Đôi vợ chồng già ngày nào cũng cùng nhau chăm sóc vườn rau của mình, cùng hàn huyên tâm sự.

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 11
Các ô rau đều có ống dẫn nước đến tận nơi, đảm bảo vẫn đủ nước khi chủ nhân vắng nhà.

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 12
"Có việc gì đó yêu thích để làm, người ta sẽ chậm già" - bác Xuân chia sẻ. 

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 13
Bác Xuân có thể đọc báo mà không cần kính, còn bác Toàn dùng máy tính nhanh không kém thanh niên.

Hỏi hai bác có bị con phản đối chuyện... ham đi không, bác Toàn cười lớn: Mới đầu chúng nó cũng lo, cản suốt đấy chứ, nhưng mỗi người một đam mê, nên chúng tôi kệ. Càng đi mình càng thấy khỏe ra, tinh thần sảng khoái hơn, nên lâu rồi cũng không thấy ý kiến gì nữa, chỉ cần dặn trước để chúng nó sắp xếp thời gian về ngó nhà và thu hoạch rau thôi”.
 

Cặp vợ chồng già mê rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp 14
Bí quyết giữ "lửa" tình yêu, theo bác Xuân, đơn giản chỉ là tôn trọng nhau, luôn đối thoại và ủng hộ đam mê của nhau.
Chia sẻ