Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội

Chí Toàn - Phong Linh,
Chia sẻ

Không bày biện quá xa hoa, không vàng mã cầu kỳ, lễ cúng ông Công, ông Táo của một gia đình Hà Nội vẫn trang trọng mà ấm cúng.

Nghi lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời và cũng được xem như ngày đầu tiên của dịp Tết Nguyên đán. Theo quan niệm xưa, Táo quân (ông Táo) là các vị thần trông coi việc bếp núc trong gia đình, gồm hai ông và một bà, được tượng trưng là 3 vị “đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” trong nhà bếp. Còn ông Công (Thổ Công) là vị thần cai quản đất đai trong nhà.

Người Việt xưa quan niệm, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo về trời, tổng kết với Ngọc Hoàng mọi việc gia chủ đã làm trong năm cũng như những sự kiện xảy ra dưới trần gian suốt năm qua. Các gia đình Việt rất chú trọng đến ngày lễ này, nhiều nhà làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, còn những điều không may mắn hoặc không tốt xảy ra trong năm sẽ được báo cáo nhẹ đi.

Vào mỗi dịp 23 tháng Chạp, gia đình bà Đỗ Thị Phúc (phố Yết Kiêu, Hà Nội) lại tập trung anh chị em, họ hàng làm cỗ, thắp hương tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 1
Cũng như nhiều gia đình Việt, ngày cúng ông Công, ông Táo được gia đình bà Phúc (trái) rất coi trọng.

Đa phần trong lễ cúng ông Công, ông Táo, các gia đình thường sắp lễ mặn với các món ăn truyền thống như xôi, gà luộc, chân giò luộc, canh măng, món xào…, nhưng gia đình bà Phúc lại làm cỗ chay. Từ sớm, chị Thủy, các anh chị em họ hàng cũng như bạn bè thân thiết của gia đình bà Phúc đã tề tựu để cùng nhau làm cỗ cúng. Phụ giúp bà Phúc, chị Thủy còn có cả cánh đàn ông, người khéo tay thì hỗ trợ việc bếp núc, người giúp một tay dọn nhà, bê mâm cơm cúng.

 Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 2
Chị Thủy có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cỗ.


Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 3
Cánh đàn ông cũng sẵn sàng “lăn” vào bếp hỗ trợ chị nấu nướng.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 4
Với gia đình bà Phúc, ngày 23 tháng Chạp cũng là ngày tất niên, nên ngoài họ hàng, những bạn bè thân thiết của gia đình cũng đến giúp làm cơm.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 5
Phải dậy sớm hơn mọi khi, bé Nguyên Bình (cháu nội bà Phúc) vẫn còn ngái ngủ.

Cỗ chay gia đình bà Phúc sửa soạn dâng ông Công, ông Táo và tổ tiên cũng đầy đủ các món: nem rán, nộm, xôi chè, giò chả, món xào, canh… được chuẩn bị kỹ lưỡng từ cách chế biến cho đến bày trí món ăn, sao cho trang trọng nhất.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 6
Gia đình bà Phúc chỉ làm cỗ chay trong ngày lễ này.

Với nhiều gia đình, cùng với mâm cơm, lễ vật cúng ông Công, ông Táo luôn đi kèm với những trang phục vàng mã như quần áo, mũ mão, hia. Tuy nhiên, gia đình bà Phúc lại không quá câu nệ những lễ vật này, bởi theo gia chủ, việc lạm dụng đốt nhiều vàng mã rồi đem thả ở các sông, hồ vừa lãng phí tiền bạc, vừa làm hại cho môi trường. Không đốt vàng mã cũng không có nghĩa cái tâm hướng thiện của mình bị lu mờ, bị mất đi.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 7
Để đem chút không khí xuân về nhà, từ hôm trước, bà đã sắm một cành bích đào thật đẹp về trang trí ban thờ.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 8
Gia chủ quan niệm, lễ cúng ông Công, ông Táo không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, ê hề thịt cá, chỉ cần thành tâm là được.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 9
Anh Sơn (một người bạn của gia đình) giúp bà Phúc bê mâm cơm.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 10
Bên cạnh bàn thờ tổ tiên, nhà bà Phúc còn có ban thờ Cụ Hồ.

Mâm cỗ ngày 23 tháng Chạp cũng trở nên sinh động với những chú cá chép đỏ nhỏ xinh. Cùng cháu nội Khánh Minh (11 tuổi) thành kính làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, khấn tiễn ông Công, ông Táo, bà Phúc giảng giải cho cậu bé về sự tích ông Công, ông Táo, về lý do phải cúng cá chép trong ngày lễ này.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 11
Những chú cá chép đỏ không thể thiếu trong mâm cỗ ông Công, ông Táo.


Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 12
Bà Phúc và bé Khánh Minh làm lễ trước ban thờ gia tiên.

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 13
Được bà giảng giải về ý nghĩa ngày lễ, cậu bé tỏ ra rất thành kính.

Sau khi biết cá chép sẽ là “xe” đưa các thần về chầu trời, cậu bé hào hứng “xí” nhiệm vụ thả cá xuống sông. Cậu bé cứ nhấp nhổm xem giờ vì lo nếu không thả cá trước 12 giờ chưa, ông Công, ông Táo sẽ… không kịp giờ lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo các sự việc trong năm. Được bà giảng giải, cá chép làm lễ xong phải đem thả xuống nước để có thể biến thành rồng đưa ông Táo về trời, lúc thả cá xuống, Minh cứ nhìn theo mãi rồi tiếc rẻ: “Bọn cá bơi đi nhanh quá, cháu không kịp thấy chúng hóa rồng rồi!

Cận cảnh lễ cúng ông Công, ông Táo chay của một gia đình Hà Nội 14
Những chú cá chép được thả xuống sông, mang theo cả những lời gửi gắm, cầu chúc năm mới bình an, thịnh vượng của gia chủ.
Chia sẻ