Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư "Việt - Nam - Hạnh - Phúc"

Mạnh Khang,
Chia sẻ

4 bé gái trong ca sinh tư hiếm gặp ở Đồng Tháp bây giờ đã 2 tuổi, giống nhau như đúc, được bố mẹ đặt tên là: Việt, Nam, Hạnh, Phúc.

Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư

Ca sinh tư ngày ấy và bây giờ: Trần Thị Minh Việt, Trần Thị Minh Nam,Trần Thị Minh Hạnh, Trần Thị Minh Phúc. Lúc nhỏ ba mẹ phân biệt  các bé dựa vào vòng đeo ở chân. Hiện tại nhờ vào việc quen mặt và trang phục khác nhau của các bé.

Tỉ lệ sinh tư tự nhiên là 1/700.000 trường hợp

Lần sinh thứ ba của chị Trần Thị Tình (SN 1981) rơi đúng vào con số hiếm gặp ấy - 1/700.000 trường hợp . Chiều ngày 20/6/2012, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã tiếp nhận trường hợp sản phụ mang tứ thai 32 tuần được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Do sản phụ có dấu hiệu tiền sản giật, dọa sinh non nên các bác sĩ chỉ định mổ bắt con. Đến tối cùng ngày, anh Đồng, chị Tình đã rớt nước mắt khi nghe được tiếng khóc chào đời của bốn bé gái.

Do sinh thiếu tháng nên bốn bé chỉ nặng lần lượt là 1,5kg; 1,2kg; 1,6kg và 1,7kg, sức khỏe rất yếu. Sau khi ra đời, cả bốn được chăm sóc đặc biệt tại khu hồi sức sơ sinh để xông ôxi mũi và chiếu đèn photobed chống vàng da. Anh Trần Hữu Đồng nhớ lại: “Tưởng đâu mọi thứ đã ổn định nhưng không may là bốn chị em đều bị bệnh ở hai mắt. Hằng tuần phải lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) điều trị laser”. Bệnh mà anh Đồng nhắc tới là bệnh lý võng mạc thường gặp ở những trẻ sinh non. Anh Đồng cho biết thêm, mỗi lần như thế, gia đình phải mướn hẳn một xe ôtô 7 chỗ để chở 4 bé, anh chị và 2 người thân khác. “Đi như vậy suốt hơn 20 tuần mới xong. Tốn kém dữ lắm nhưng cũng mừng vì cuối cùng mấy đứa nhỏ đã khỏi bệnh” – anh Đồng thở dài.


Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư
Bốn bé gái bên cha mẹ và chị hai.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Chị Trần Thị Tình kể: “Ban đầu, siêu âm ở bệnh viện huyện, bác sĩ nói sinh đôi. Một tháng rưỡi sau, siêu âm lại thì nói sinh tư. Hoảng quá nên hai vợ chồng tôi ra Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (một trong hai bệnh viện trung tâm của tỉnh – PV) thì là bác sĩ lại nói sinh... ba, có trai có gái”. Kết quả siêu âm mỗi nơi, mỗi lúc một khác làm anh chị thêm hoang mang.

Bồng hai đứa con gái “lộc trời” ở hai bên, chị Tình nghẹn ngào: “Hồi trước do trầm cảm khi mang thai, tôi có lúc đã nghĩ: sinh nhiều làm sao nuôi nổi. Thậm chí, tôi còn nghĩ đến chuyện phá thai”. May nhờ anh Đồng khuyên và hai bên nội ngoại động viên sẽ giúp đỡ chăm sóc, chị Tình đã vững tin hơn. Thế nhưng, gia đình nội ngoại đều khó khăn và đông con nên cũng không giúp được gì nhiều cho anh chị lúc sinh nở cũng như khi xuất viện về nhà.

Nhà không có ruộng đất, hai vợ chồng chỉ biết làm mướn, ai kêu gì làm nấy, dạo thì cắt cỏ cho bò, khi thì đi tận miệt Lấp Vò (Đồng Tháp) cắt lúa, làm thuê. Nay lại sinh bốn con cùng lúc, gia đình rơi vào cảnh “đói khát chực chờ”. Những ngày tháng vợ con nằm viện, những lúc phải thuê xe đi kiểm tra, điều trị mắt cho con, anh Đồng phải chạy đôn chạy đáo khắp xóm để vay mượn. Không những vậy, do sinh bốn nên chị Tình không đủ sữa cho tất cả các con. Tiền mua sữa cho trẻ sơ sinh lại đè nặng lên vai anh chị.

Chưa đầy 3 tháng tuổi, bé gái thứ ba trong 4 chị em phát bệnh. Dấu hiệu ban đầu làm anh chị ngỡ là cảm cúm thông thường. Thế nhưng, bệnh ngày càng trở nặng. Nhìn con bỏ bú, hay quấy khóc và bụng phình to, anh chị quyết định đưa bé lên thẳng Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ cho biết bé bị loét ruột, cần phẫu thuật ngay lập tức. Vậy là một lần nữa, anh Đồng phải vay mượn bạn bè, hàng xóm. Đứng chờ trước cửa phòng phẫu thuật, anh chị như chết ngất khi nghe bác sĩ thông báo ca phẫu thuật đã thành công.

Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư
 Anh Tình và bé gái thứ hai - Minh Nam.

Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư
 Hai bé lớn luôn đeo theo mẹ.


Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư
 Em gái út thích chơi với chị hai hơn. Chắc rằng 4 bé khi lớn lên cũng sẽ xinh đẹp như chị gái vậy.

Nỗi lo phía trước

Những ngày đầu, đã có nhiều nhà hảo tâm đến tiếp sức cho anh chị. Cùng với sự giúp đỡ của địa phương, anh chị tìm mua được một mảnh đất nhỏ để xây ngôi nhà mới cao ráo và chắc chắn hơn mái nhà cũ xây nhờ, liêu xiêu. Nhà cũ gần ao hồ, ẩm thấp rất nguy hiểm cho việc chăm trẻ. Anh Đồng bộc bạch: “Nhà cũ là nhà đất và hay bị dột, bị ngập. Lo cho mấy đứa nhỏ nên tôi cũng ráng xây cái nhà cao ráo hơn. Ít gì lớn lên 4 chị em nó cũng bò lăn được. Chứ để nhà lụp xụp vầy thì bồng bế suốt ngày, không làm ăn gì được, tiền đâu nuôi con”. Tuy nhiên, hiện tại anh chị vẫn còn nợ vật tư xây dựng hơn 30 triệu đồng.

Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư
 Ngôi nhà đất khi xưa ẩm thấp, mùa lũ thường bị ngập (Ảnh: Dân trí)

Bà Dương Thị Mật (mẹ ruột anh Đồng) tâm sự: “Ông bà nội ngoại vẫn thường qua nhà trông cháu. Nhưng tuổi cũng lớn, nay đau mai ốm, không thể phụ vợ chồng nó được hoài”.

Được biết, sau khi hay tin trường hợp sinh tư hiếm gặp của chị Tình, có công ty đã tài trợ 1 năm uống sữa miễn phí hay dùng tã hai năm. Đến nay, mọi nguồn tài trợ không còn nữa, anh chị phải tự lo tất cả từ tiền sữa, tiền thuốc thang, quần áo cho 4 bé. Thêm nữa, chăm con đâu chỉ là con bú hoặc mặc tả cho con là đủ. Việc chăm sóc các con cũng chiếm hết thời gian nên công việc làm thuê không còn được như trước.

Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư
 Hằng ngày, chỉ mỗi việc chăm sóc cho 4 bé cũng đã làm chị Tình mệt đứt hơi

Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư
 Dù cố gắng cách mấy, mỗi khi dỗ ngủ, chị chỉ lo được cho 3 bé. Bé còn lại anh Đồng lo.

Cảm động câu chuyện các bé gái sinh tư
 So với 3 chị em, bé gái thứ ba sau khi phẫu thuật thường hay quấy khóc. Vết sẹo dài còn in rõ trên bụng

Cuộc sống hiện nay của anh chị là thế. Nghe tiếng khóc của 4 cô con gái nhỏ mỗi khi đói và nhìn ánh mắt buồn của 2 đứa con lớn vì gần ngày tựu trường vẫn chưa có tập sách, đồng phục như bạn bè, cặp vợ chồng “Đồng - Tình” chỉ biết bấm bụng buồn lo.

Mọi sự giúp đỡ cho gia đình sinh tư xin gửi về địa chỉ:

Anh Trần Hữu Đồng

Số nhà 650/6, ấp Tân Phú, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Số điện thoại: 0120 8944 980

Số tài khoản : 0600 515 97578 - Ngân hàng Sacombank, phòng giao dịch Minh Khai – TP.HCM.

Chia sẻ