Các bà mẹ tẩy chay quần áo có xuất xứ Trung Quốc

,
Chia sẻ

Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến xuất xứ của hàng hóa hơn trước. Đặc biệt, khách hàng có con nhỏ từ sơ sinh đến 3 tuổi rất kỹ tính trước khi chọn đồ.

Chị Vân, chủ cửa hàng quần áo trẻ em trên đường Tây Sơn (Hà Nội) cho hay, ba hôm nay, doanh số từ đồ Trung Quốc giảm đến 50%. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến xuất xứ của hàng hóa hơn trước. Đặc biệt, khách hàng có con nhỏ từ sơ sinh đến 3 tuổi rất kỹ tính trước khi chọn đồ.

Trung bình 7 người mua, thì có tới 4 hỏi rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chị Vân kể, có khách hàng đã ưng ý mua đồ nhưng đến khi biết nguồn gốc "made in China" lập tức "bỏ của chạy lấy người". Trước kia, hàng Trung Quốc vẫn bán chạy, nay nhiều khách hàng chuyển sang hàng "Made in Vietnam" như dệt kim Đông Xuân, Hanosimex...

Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến xuất xứ hàng hóa hơn trước đây. Ảnh: Hoàng Hà.

Chị Ngọc Quỳnh, một bà mẹ trẻ làm nghề kế toán cho hay, chị rất lo lắng khi nghe tin quần áo trẻ em Trung Quốc có thể gây ung thư da. Nhà có hai con nhỏ, cháu lớn đang học lớp 3, da cứng cáp nên cũng đỡ lo, còn cháu nhỏ chưa đầy 1 tuổi. "Cháu nhà tôi mới được 8 tháng tuổi, da còn quá nhạy cảm, nếu mặc phải đùng đồ có chứa chất độc hại thì không biết chuyện gì xảy ra", chị lo lắng. Nghe nói hàng Trung Quốc có ở khắp nơi, chị chỉ dám mua quần áo ở những hàng quen và các cửa hàng lớn.

Một số cửa hàng khi nghe tin quần áo trẻ em Trung Quốc có chất độc hại, đã thay đổi hoặc vứt bỏ nhãn mác để che mắt người tiêu dùng. Tại một cửa hàng ở phố Khâm Thiên (Hà Nội), trên đống dây treo, nhiều bộ váy trẻ em không nhãn mác được lồng khéo léo lẫn với hàng Việt Nam. Chị bán hàng cho hay, bỏ nhãn mác chỉ làm khách hàng yêu tâm khi mua.

Theo chị, nhiều cửa hàng lớn thường lấy vải từ chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội) về may, vì giá rẻ hơn so với chợ Đồng Xuân (chuyên cất buôn). Ngoại trừ các cửa hàng lớn có tên tuổi, còn lại vải trên chợ Ninh Hiệp chủ yếu nhập từ Trung Quốc. "Nhiều cửa hàng lấy vải giá rẻ sau đó đem may lại để lấy lãi. Xét cho cùng, vẫn là hàng Trung Quốc hết", chị tiết lộ.

Một số cửa hàng đã chuyển đổi từ nhãn "Made in China" sang Cambodia, ThaiLand, Singapore... và đẩy giá lên cao gấp đôi, gấp ba. Tuy nhiên, nếu khách hàng "sành" để ý kỹ mã vạch, mã số trên các sản phẩm sẽ thấy ghi rõ hàng có mã số 690 là xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Bảo Ngọc, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, quần áo Trung Quốc nói chung và quần áo trẻ em nói riêng nhập chủ yếu từ Nam Ninh hoặc Quảng Châu vào Việt Nam. Tuy nhiên, rất khó xác định xuất xứ cụ thể của sản phầm. Hồ sơ xuất khẩu chỉ ghi rõ công ty xuất khẩu mà không ghi nhà sản xuất. Ông Ngọc khuyên khách hàng nên nhìn mã vạch để biết xuất xứ hàng hóa.

Quần áo trẻ em Trung Quốc có nhiễm chất độc hại là một vấn đề nổi cộm mới phát sinh. Ông Ngọc cho hay, hiện chi cục vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ cơ quan chức năng. "Phía chi cục hải quan sẽ chú trọng về chất lượng, nhãn mác, thành phần và đặc biệt lưu tâm đến quần áo trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi có văn bản chính thức từ phía tổng cục, chúng tôi sẽ điều tra xử lý cụ thể", ông Ngọc nói.

Trao đổi với báo giới, ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho hay, chi cục đã đã nhận được thông tin phản ánh về quần áo trẻ em xuất xứa từ Trung Quốc có chứa chất gây nguy hại cho da. Hiện Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đang phối hợp với thanh tra Y tế và Cục Đo lường Chất lượng kiểm tra một số mẫu quần áo và đồ chơi trẻ em ở một số tuyến phố trọng điểm. "Chúng tôi đã lấy mẫu hàng hóa lưu thông từ Lạng Sơn và kiểm tra các hàng quần áo trẻ em ở tuyến phố trọng điểm thuộc quận Hoàn Kiếm. Tất cả các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật", ông Ngọc nói.

Theo Hoàng Lan
Vnexpress
Chia sẻ