“Búp bê giấy” và hành trình 14 năm theo đuổi ước mơ của cô gái 8X

Lê Minh ,
Chia sẻ

Từ ước mơ trở thành một nữ biên kịch, ý tưởng “búp bê giấy” đã đến với cô gái Phạm Tuyết Hường để thỏa niềm đam mê sau hành trình 14 năm dài đằng đẵng.


Phạm Tuyết Hường

Sinh năm 1985

Phóng viên kiêm biên kịch viên tại một công ty phim ở Sài Gòn

Những tác phẩm kịch đã lên sóng truyền hình (HTV2): Lươn ngắm trăng, Vụ án cô gái mù, Thám tử bị theo dõi, Lỗ thủng trên cầu… với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn như Hồng Vân, Thanh Thủy, Anh Vũ, Kim Xuân, Thúy Nga…

Kịch bản phim đầu tay: Búp bê giấy


14 năm theo đuổi niềm đam mê biên kịch

Vốn mê biên kịch từ năm học lớp 11, nhưng thời điểm ấy, chưa có nơi nào đào tạo nghề biên kịch ở đất Sài Gòn, nên Tuyết Hường chọn thi vào khoa Báo chí, trường ĐH KHXH & NV. Tốt nghiệp xong, Hường nhanh chóng trở thành một phóng viên năng động của một tờ báo teen nổi tiếng ở Sài Gòn. Suốt 5 năm làm báo, gặt hái nhiều thành tích trong nghề, nhưng niềm đam mê biên kịch vẫn âm thầm cháy sâu thẳm trong lòng Hường. Năm 2013, khi tuổi đời đã bước sang tuổi 28, Hường quyết định tạm dừng công việc làm báo để dấn thân vào nghề biên kịch. “Biên kịch phim là niềm đam mê lớn nhất của tôi, nếu không thực hiện được ước mơ này thì cả cuộc đời tôi sẽ ân hận lắm”, Hường tâm sự.

Cô đăng ký học một khóa biên kịch 3 tháng và tốt nghiệp loại giỏi. Thế nhưng, đó chỉ là khởi đầu của hành trình vào nghề biên kịch mà theo Hường là “đầy trần ai”. “Tôi quen một nhà biên kịch trẻ rất nhiệt tình, cô ấy khiến tôi tin rằng mình sắp có cơ hội tiền gần đến ước mơ của mình. Tôi say sưa viết kịch bản dựa trên những ý tưởng do cô ấy đề xuất, mà theo lời cô ấy đã được duyệt để làm phim. Có những ý tưởng ban đầu chỉ có 1 trang, tôi phải phát triển thành kịch bản dài 45 trang, Cũng có ý tưởng chỉ có 1 từ khóa, tôi phải phát triển thành một câu chuyện dài có nhân vật, có tích cách, tình tiết... Đó là cả một quá trình viết đầy khó khăn với tôi”, Hường kể. “Nào ngờ, sau khi viết xong gửi đi, chờ mãi chẳng thấy hồi âm gì, tôi sốt ruột hỏi thăm thì nhận câu trả lời rất phũ phàng “Em chỉ đang kiểm tra khả năng viết của chị thôi”.


Dù trải qua nhiều khó khăn, trắc trở, nhưng Tuyết Hường chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê biên kịch của mình

Buồn nhưng không tuyệt vọng, Hường tiếp tục gửi kịch bản cho rất nhiều đạo diễn mà cô có cơ hội tiếp xúc. “Khi tôi hỏi thăm họ để gửi kịch bản, họ tỏ ra rất nhiệt tình, thậm chí còn gửi kịch bản mẫu để tôi tham khảo. Nhưng sau khi họ nhận kịch bản xong thì không ai hồi âm một lời nào”, Hường kể. “Oái ăm thay, có lần tôi gặp một nhân vật chuyên tổng hợp và “săn” kịch bản hay, tôi cũng gửi một kịch bản ưng ý cho anh ấy thì nhận câu trả lời rất bất ngờ. “Ô, kịch bản này có người gửi rồi em ơi”. Tôi vô cùng hoang mang vì không rõ người gửi kịch bản ấy là ai trong số các đạo diễn mà tôi từng gặp”.

Không chỉ tiếp cận đạo diễn, nhà biên kịch, Hường còn nộp đơn vào tất cả những công ty nào có tuyển biên kịch. Có lần, trong tâm trạng háo hức, Hường đến một công ty hẹn tuyển biên kịch để phỏng vấn. Cùng hàng chục ứng viên khác, Hường đã chờ đợi mòn mỏi gần 4 giờ đồng hồ, ban tuyển dụng công ty mới bắt đầu xuất hiện. “Tôi cảm thấy thất vọng vì sao những công ty như vậy lại đối xử tệ với những người đam mê biên kịch như chúng tôi”, Hường bức xúc bày tỏ.

Thật sự dấn thân vào môi trường của nghề biên kịch, Hường mới ngộ ra để phát triển trong nghề này nhiều người phải nhờ những mối quan hệ với người trong giới mới có thể tiến thân. “Để trở thành nhà biên kịch đối với những người mới như tôi quả thật là quá khó”, Hường buồn bã tâm sự.

Duyên may rồi cũng đến với Hường khi một công ty phim truyền hình tuyển kịch bản phim. Cô gửi kịch bản và được phỏng vấn trực tiếp bởi nhà biên kịch Châu Thổ, một tác giả có nhiều kịch bản phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng ở Sài Gòn. “Tôi đã hâm mộ cô Châu Thổ từ rất lâu và cảm thấy rất may mắn khi được trò chuyện cùng cô. Sau khi nghe tôi kể câu chuyện của mình, cô Châu Thổ nói rằng tôi giống hình ảnh của cô ngày trước. Cô từng là một nhà báo rất giỏi nghề nhưng đã rẽ ngang sang niềm đam mê biên kịch năm 30 tuổi. Cô khen kịch bản của tôi gần gũi với đời sống hiện thực, điều mà nhiều biên kịch trẻ hiện nay còn yếu do thiếu trải nghiệm thực tế. Đáp lại nỗi trăn trở của tôi về cơ hội dành cho những người mới theo nghề biên kịch, cô bảo cô sẽ là người cho tôi cơ hội này”, Hường kể.

Đó là câu chuyện bắt đầu cơ duyên của Hường với cô Châu Thổ. Sau những ngày tháng gian nan theo đuổi đam mê, giờ đây Hường đã trở thành biên kịch viên trong công ty phim do cô Châu Thổ đứng đầu.

“Búp bê giấy” – Từ ý tưởng phim thành sản phẩm thật

“Búp bê giấy - tên kịch bản phim đầu tay của Hường – là một ý tưởng nảy ra trong quá trình cô tìm một đề tài gần gũi với đời sống giới trẻ Việt. “Ở nhiều quốc gia đều có riêng một loại búp bê nào đó, như búp bê Nga, búp bê Barbie... tại sao Việt Nam không có một loại búp bê nào đó đặc trưng? Thế nên tôi nghĩ nếu mình có thể làm một sản phẩm búp bê giấy đặc trưng cho Việt Nam kết hợp cùng ý tưởng phim của tôi thì sẽ rất tuyệt”, Hường chia sẻ.

Ý tưởng “Búp bê giấy” của Hường nhận được sự ủng hộ từ cô Châu Thổ và cô nàng bắt tay ngay vào khâu viết kịch bản. Khi viết xong những tập đầu tiên của kịch bản phim “Búp bê giấy”, Hường bắt đầu đi tìm người làm ra búp bê giấy thật để phục vụ cho quá trình quay phim sau này. Dù vận dụng mọi mối quan hệ bạn bè từ Nam ra Bắc, nhưng cô nàng vẫn không thể tìm được ai thực hiện sản phẩm này. “Không có búp bê, không có phim”, chính suy nghĩ này đã là động lực khiến Tuyết Hường tự tay đem những con búp bê giấy từ kịch bản ra đời thực.


Sản phẩm búp bê giấy đầu tiên của Hường: cô dâu, chú rể và chiếc bánh cưới, tất cả đều bằng giấy nhưng sắc sảo và sống động đến từng chi tiết.

Những ngày đầu, cùng sự động viên và giúp đỡ của chị gái, Hường đã mày mò tạo ra mô hình búp bê giấy và sau đó là sản phẩm đầu tiên: cô dâu, chú rể đang nắm tay hạnh phúc trên chiếc bánh cưới. Sản phẩm đầy công phu, cũng là món quà tặng Hường dành tặng đám cưới chị ruột, đã nhận được lời khen ngợi của tất cả quan khách tham dự đám cưới ngày hôm ấy. Đó là khởi đầu cho hơn 50 sản phẩm búp bê giấy đẹp lung linh của Hường với mỗi sản phẩm đều có nét riêng độc đáo.


Để hoàn thành một con búp bê giấy, Hường phải đảm nhiệm nhiều vai trò, từ thiết kế mẫu, tạo hình nhân vật, chọn trang phục cho đến tạo kiểu tóc, vẽ mặt nhân vật


Cô chăm chút từng chi tiết trên sản phẩm của mình.


Hường bên cạnh bộ sưu tập búp bê giấy của mình.

Để hoàn thành một con búp bê giấy, Hường phải đảm nhiệm nhiều vai trò, từ thiết kế mẫu, tạo hình nhân vật, chọn trang phục cho đến tạo kiểu tóc, vẽ mặt nhân vật. “Khó nhất là tạo mẫu tóc cho nhân vật. Làm thế nào để tạo những lọn tóc uốn, hay làm kiểu tóc xoăn, thắt bím bằng giấy là cả một thử thách với tôi”, Hường cho biết. Thế nhưng, vốn khéo tay, có khiếu vẽ, cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm làm đồ handmade, Hường đã lần lượt chinh phục những chi tiết khó nhất trên từng sản phẩm búp bê giấy của mình.


Búp bê tái hiện hình ảnh cô gái Việt mặc áo yếm.


Búp bê trong trang phục áo cưới.


Búp bê trong trang phục dạ hội


Từng bông hoa trên búp bê giấy được Hường thực hiện rất tỉ mỉ

Sau khi hoàn thành bộ sản phẩm phục vụ cho bộ phim và chia sẻ một ít thành quả trên Facebook, Hường bất ngờ nhận được những đơn đặt hàng búp bê giấy làm quà tặng. Đó là thời điểm những con búp bê chân dung Cẩm Ly, Mỹ Tâm… ra đời. Không chỉ nhận nhiều lời đặt hàng, nhiều bạn trẻ yêu thích handmade còn muốn học hỏi kỹ thuật làm búp bê giấy, nhưng Hường đều từ chối và cho biết hiện cô chỉ muốn tập trung vào niềm đam mê biên kịch.


Búp bê mô phỏng hình ảnh ca sĩ Cẩm Ly trong chiếc áo tứ thân


Búp bê mô phỏng ca sĩ Mỹ Tâm


Đặc biệt yêu thích Mỹ Tâm, Hường đã dành rất nhiều thời gian để tạo ra mái tóc dài xoắn đặc trưng của cô ca sĩ này.


Bất kỳ ai khi lần đầu nhìn thấy những sản phẩm búp bê giấy xinh đẹp này đều trầm trồ khen ngợi. Trong ảnh Hường đang giải thích cho một bạn sinh viên qui trình làm búp bê giấy.

Thành công ngay từ quyển sách đầu tiên – “Búp bê giấy”

Ngoài công việc hiện tại là làm biên kịch tại công ty phim, Tuyết Hường vẫn tiếp tục viết báo, viết bài PR để kiếm thêm thu nhập. Thế rồi, sau một thời gian viết bài PR sách, Hường đọc vài quyển truyện dài, cô nhận thấy truyện dài cũng giống như kịch bản phim và “Búp bê giấy” cũng có thể trở thành một quyển sách hay. Cô đánh liều thử gửi ý tưởng cho một biên tập viên ở NXB Kim Đồng. “Tôi không ngờ ý tưởng được duyệt ngay, chị ấy đề nghị tôi viết ngay và nhanh. Tôi đã phải thức đêm suốt 3 tuần viết quyển sách này để kịp tiến độ phát hành vì “nếu em không viết xong thì chị sẽ phát hành quyển của bạn khác”. Tôi có nhiều bạn bè là tác giả trẻ nên biết để xuất bản một quyển sách đôi khi phải chờ từ 6 tháng đến 1 năm nên tôi quyết không thể để vuột mất cơ hội này”, Hường kể.


Quyển sách “Búp bê giấy” với hình ảnh cô dâu chú rể ở trang bìa lấy cảm hứng từ sản phẩm búp bê đầu tiên của Hường

Quyển sách “Búp bê giấy” nhỏ nhắn ra đời được sự đón nhận nhiệt tình của đông đảo bạn đọc trẻ. Nhiều tác giả trẻ cũng rất ngạc nhiên trước khả năng của Hường vì ngay từ quyển sách đầu tay đã là thể loại truyện dài, không giống như tiến trình của nhiều tác giả khác thường bắt đầu từ tạp văn, truyện ngắn rồi mới chinh phục truyện dài. Hường chỉ cười xòa “Vì họ không biết là tôi không có khả năng viết truyện ngắn đấy thôi”.


Cô bé sinh viên trầm trồ ngạc nhiên khi biết Hường ra quyển sách có tên “Búp bê giấy” cùng với cả sản phẩm thật

Thế là, từ một ý tưởng “Búp bê giấy”, cô nàng đa tài Phạm Tuyết Hường đã cho ra đời ba sản phẩm: kịch bản phim, sách và những con búp bê giấy handmade đẹp lung linh. Hiện cô nàng đang ráo riết hoàn thành 30 tập của kịch bản phim “Búp bê giấy” để có thể ra mắt khán giả truyền hình dự kiến trong năm nay.


"Dù gì tuổi trẻ rồi cũng sẽ trôi qua rất nhanh, đó là thứ không thể để dành. Tốt nhất vẫn nên tận dụng tuổi trẻ để làm những điều tưởng như điên rồ"

Có lẽ còn quá sớm để nói về những tác phẩm biên kịch của Phạm Tuyết Hường, nhưng câu chuyện về hành trình 14 năm không mệt mỏi theo đuổi niềm đam mê của cô nàng 8X đa tài này chắc rằng sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Giống như thông điệp Hường muốn truyền tải xuyên suốt trong tác phẩm sách và phim “Búp bê giấy”: “Ai cũng có nhiều lựa chọn cho cuộc đời mình. Mỗi người chúng ta đều có quyền lựa chọn nhiều lần, miễn là trên đoạn đường mình đi, bất cứ lúc nào quay đầu nhìn lại, bạn cũng thấy cuộc đời mình chẳng còn gì để hối tiếc".

Chia sẻ