Buồn như tiểu thương chợ Hàng Da

Hoàng Đan, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Gần một năm được ngồi bán trong một trung tâm thương mại khang trang nhưng những tiểu thương ở chợ Hàng Da không mấy ai được vui vì cảnh vắng khách diễn ra triền miên.

Tháng 9.2010 khi chợ hàng Da được khánh thành và đi vào hoạt động với đầy đủ tiêu chí của chợ loại I, gian hàng khang trang, sạch sẽ, hệ thống điều hòa, quạt thông gió thoáng mát thay cho khu chợ cũ nát trước đây đã làm nhiều hộ tiểu thương đang phải vật lộn tại khu chợ tạm Phùng Hưng mơ tưởng tới sự đổi đời.
 
Nhưng sau gần 1 năm hưởng thụ cái mát mẻ, sạch sẽ nơi tầng hầm, tầng một đầy tiện nghi nhiều tiểu thương lại luôn phải lo lắng, băn khoăn vì một lẽ không có khách vào mua.

Đường xuống khu chợ "hầm" dân sinh.

9 giờ sáng một ngày thứ 7, khi chúng tôi có mặt tại đây, trái với không khí ồn ã bên ngoài, bên trong tầng một khá vắng lặng. Hàng hóa chưng đầy nhưng không có khách nên các tiểu thương chỉ còn biết túm tụm ngồi tán gẫu.
 
Theo quan sát của chúng tôi, từ sáng đến đầu giờ chiều ngày 6.8, chỉ có khoảng 2/3 số ki - ốt trong tầng một mở cửa bán hàng còn lại vẫn đóng cửa im ỉm. Nhiều dãy chỉ có một vài ki - ốt trong tổng số hơn chục ki - ốt mở cửa.

Theo các tiểu thương chủ ki - ốt này mới mở hàng đúng 2 lần trong vòng
 gần 1 năm qua còn lại chỉ để biển và bán ở bên ngoài.

Chị Yến, một tiểu thương ở đây tâm sự: “Ngày còn chợ cũ bán chơi mỗi ngày cũng được lãi vài trăm nghìn còn gần năm nay vào chợ mới bán kém hẳn, khách không có mấy nên mong ngày kiếm lấy dăm chục cũng là một vấn đề khó khăn. Nhiều ngày từ sáng đến tối mịt còn chẳng bán được gì.”

Cũng theo chị Yến, do không có khách nên đã có một số tiểu thương căng biển cho thuê lại ki - ốt.

Có rất nhiều tấm giấy thế này tại khu chợ tầng 1.

Ki - ốt bán mỹ phẩm của chị Trang cũng trong tình cảnh tương tự. Từ đầu tháng đến nay chị mới bán được chưa đầy 300.000 đồng tiền hàng. “Hàng lấy về cả mấy chục triệu đọng vào đây, lại còn tiền thuế, tiền điện, dịch vụ trong chợ cả tháng gần 2 triệu thế mà cả tuần trời bán chưa được nổi 300.000 đồng thì ăn thua gì” - chị Trang buồn bã nói. 

Khách vắng, hàng không bán được nên cảnh mang cơm hộp từ nhà đi thay cho cơm suất, phở ăn vào buổi trưa đã quá quen với các tiểu thương ở đây. “Bán ngày không được nổi mấy chục bạc, lại còn tiền chợ nữa nên giờ ăn cơm suất, phở như trước thì hết lãi”, cô Thanh, một tiểu thương, bảo.

Những tưởng chỉ hàng rượu, quần áo, mỹ phẩm ở tầng 1 là ế nhưng khu chợ dân sinh phía dưới tầng hầm dù chủ yếu là các mặt hàng rau củ, thịt cá nhưng cũng trong cảnh vắng khách không kém. Chị Loan, một tiểu thương bán thịt cho hay: “Cứ nói là rau thịt là thứ hàng ngày ai cũng phải mua nhưng em cứ nhìn xem có khách mua mấy không. Trước ở chợ cũ còn bán được 9 – 10 thì bây giờ may ra lắm được 4 – 5.”

Khách vắng bóng là cảnh quá quen với các tiểu thương tại đây.

Cũng theo các tiểu thương ở đây, ế nhất có lẽ là những ki - ốt bày bán hàng gốm sứ ở phía trong các ki - ốt thực phẩm. “Trước ở chợ cũ dù cũ nhưng bọn chị bán rất chạy hàng, đặc biệt là các khách nước ngoài vào mua nhưng từ ngày vào chợ mới đến nay bán ế ẩm lắm. Như nhà chị đây đến 10 ngày mở hàng rồi vẫn chưa có ai vào hỏi mua lấy một thứ.”, chị Hồng Anh, bán sành sứ chia sẻ.

Chị Hồng Anh cũng cho biết, để được bán ở đây, mỗi hộ đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ, đó là chưa kể hàng tháng còn mất gần 2 triệu đồng trả cho tiền điện, nước, dịch vụ...

Nhiều ki - ốt luôn trong tình trạng căng bạt đóng im ỉm nhiều ngày.

Lý giải về tình trạng ế ẩm này, chủ ki - ốt Đức Yến cho rằng, do chỗ ngồi sâu tít dưới tầng hầm, đi lên, đi xuống khó khăn và việc gửi xe lại bất tiện nên nhiều khách hàng cũ không còn muốn vào đây.

Còn chủ ki - ốt Sơn Sắn lại đưa ra hai lý do: “khi mà các chợ cóc bên ngoài chợ vẫn còn hoạt động thì trong này rất khó bán vì người dân mua ở đấy tiện hơn còn vào đây phải gửi xe, phải xuống hầm, thêm nữa cửa kính đóng kín mít, ngột ngạt trong mùi điều hòa lẫn với đủ các thứ mùi làm không ít người đến phát sợ không dám quay lại.”

Nhiều tiểu thương cho rằng việc chợ tạm Phùng Hưng còn
 hoạt động cũng đã gây khó cho việc buôn bán trong chợ hàng Da.

 Bà Hồng, một người đã có hơn 40 năm mua hàng ở chợ hàng Da cũ thì cho rằng: “Tôi giờ có tuổi rồi mà lại phải đi lại ở cầu thang lên xuống thì rất bất tiện thêm nữa mấy cái cửa kính cũng nặng mà sức mình yếu đẩy không được nên nhiều khi muốn vào cũng ngại, đành mua luôn ở ngoài cho tiện”.

Dù buôn bán ế nhưng khi được hỏi các tiểu thương ở đây cho biết họ vẫn cố gắng “bám trụ” để giữ lấy chỗ bán và mong chờ thời gian tới tình hình sẽ có những cải thiện.

"Về nhà giờ cũng chẳng biết sẽ chuyển sang nghề gì nữa nên dù ế tôi vẫn cứ ngồi đây bán, được đồng nào hay đồng ý, mà nhỡ đâu 2, 3 năm nữa tình hình nó cải thiện, hàng lại bán chạy như trước thì sao, cứ phải cố gắng cái vượt qua giai đoạn này đã.", cô Hồng, chủ ki - ốt bàn sành sứ khẳng định.

Những tiểu thương ở đây đã bỏ ra không ít tiền bạc, công sức và họ vẫn đang từng ngày, từng giờ mong muốn sẽ có được một kết quả kinh doanh xứng đáng.

Chia sẻ