Bức ảnh giản dị mà cảm động về tình yêu PGS. Văn Như Cương dành cho vợ

Theo Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Ngày 25/7, PGS. Văn Như Cương chia sẻ bức ảnh ông đang chỉnh lại vạt áo dài cho vợ mình trên facebook cá nhân. Bức ảnh với dòng chú thích ngắn gọn "Chuẩn bị đến trường" nhưng cũng đã thay cho vạn lời nói, khiến người xem đều cảm động và ngưỡng mộ tình cảm của vợ chồng nhà giáo già đáng kính.

Trong ảnh, cô Oanh (vợ PGS. Văn Như Cương) trong bộ áo dài chuẩn bị đến trường dạy học. Cô đưa tay vịn vào vai thầy Cương trong lúc thầy đang chỉnh lại vạt áo dài cho cô. Bức ảnh đời thường giản dị nhưng người xem có thể cảm nhận rất rõ tình cảm của vợ chồng PGS. Dù hai vợ chồng đã gần 80 tuổi nhưng những cử chỉ chăm sóc của thầy Cương dành cho vợ khiến nhiều người cảm động xen lẫn ngưỡng mộ.

1-2086b
Bức ảnh "ngọt ngào" này đã gây xúc động với nhiều bạn trẻ. Các bạn đã gửi lời chúc đến vợ chồng thầy Cương. "Cô thực sự hạnh phúc, thầy ạ" - một bạn bình luận.

Chị Minh Tâm thì gửi lời chúc đến thầy Cương và chia sẻ cảm xúc sau khi xem bức ảnh: "Tình yêu của ông dành cho bà từ những việc làm rất lớn lao đến những điều vô cùng giản dị trong cuộc sống hàng ngày khiến cho ai nhìn thấy tấm hình này cũng phải rưng rưng xúc động và cảm phục. Tấm gương của thầy chính là động lực để chúng con tin vào sức mạnh của tình yêu, cho con thêm sự lạc quan để tin vào tình yêu bất diệt là có thật trên đời này. Con xin cảm ơn Thầy".

Được biết, vợ của PGS cũng chính là mối tình đầu của thầy, cô là một tiểu thư Hà thành gốc và là con nhà giáo. Chuyện kể rằng, ngày ấy, thầy học năm cuối Đại học Sư Phạm - khoa Toán và chọn thực tập ở trường nữ sinh Trưng Vương. Tại đó, thầy cảm mến cô nữ sinh Hà thành này, còn cô cũng bị hớp hồn bởi thầy giáo trẻ vừa đẹp trai lại vừa có cách truyền thụ bài giảng hấp dẫn.

Tình cảm thầy trò càng trở nên thắm thiết qua các buổi giao lưu giữa giáo viên thực tập và nữ sinh. Những buổi giao lưu ngày càng thưa dần, đám học trò cũng vậy. Lâu dần, chỉ còn lại một cô nữ sinh ham học thường mang vở tới nhờ thầy giảng. Cứ như thế, chẳng biết từ lúc nào, thứ bảy, chủ nhật vắng bóng cô nữ sinh là thầy nhớ ra mặt.

Năm 1961, sau khi cô nhận tấm bằng tốt nghiệp cũng là lúc thầy cô nên duyên vợ chồng. Cưới nhau không được bao lâu, thầy cô lại phải xa cách vì chiến tranh. Thầy và cô mỗi người dẫn dắt học trò của mình đi một hướng khác nhau. Thầy không biết làm thế nào cho vơi bớt nỗi nhớ vợ ở phương xa, đành dùng những vần thơ đong đầy tình cảm gửi tới cô:

“Anh và em, ta yêu nhau mà chẳng được sống gần nhau

Giữa hai chúng mình hố bom dày chi chít

Trên con đường ta đi, cây trồng những năm xưa nay đều chết hết

Những nhịp cầu đau như những vết thương sâu.”

Có lẽ, chính tình yêu trong mưa bom, bão đạn ấy đã tạo nên một sức mạnh vô hình, tạo cho con người ta thêm sức mạnh để sống, để hy sinh. Chính vì vậy, dù cuộc sống khó khăn vất vả thế nào, thầy cô vẫn chưa một lần chùn bước, thậm chí, luôn tìm cách nhìn đời với con mắt hóm hỉnh và cùng sống chết với nghề. Giờ, cô và ba con gái đã là những cánh tay vững chắc giúp thầy ngày một thành công trong sự nghiệp trồng người.


PGS - Nhà giáo Văn Như Cương.

PGS Văn Như Cương (sinh 1937) là một nhà giáo Việt Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam.

Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề dạy học chữ Hán (đồ Nho) tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa toán. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường.

Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.

Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh.

Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới.

Ông chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam. Ông là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam và đ ược Chính phủ công nhận chức danh Phó giáo sư.

Ông được đánh giá cao với năng lực sư phạm. Ông cũng nổi tiếng là người thẳng tính và rất thương yêu học trò.


Chia sẻ