Bi kịch của những nàng gái ế bị coi là "bom nổ chậm" ở Trung Quốc

Anh Đào,
Chia sẻ

Gia đình và xã hội luôn tỏ thái độ kinh miệt, coi thường những phụ nữ không kết hôn này, thậm chí họ còn bị ghẻ lạnh và xem như... "quái vật".

Trung Quốc, những cô gái "tuổi băm" mà vẫn chưa chồng sẽ bị coi thường dù cho sự nghiệp có vươn lên mức đỉnh cao như thế nào đi chăng nữa. Họ thậm chí sẽ bị gia đình không nhìn mặt và không dành cho bất kỳ sự ưu ái nào.

Bố 10 năm không nhìn mặt con chỉ vì chưa có con rể

Là giảng viên đại học và đã sống ở Bắc Kinh 11 năm, Zhang Lin, 38 tuổi hiện vẫn sống độc thân. Sự cô độc này đã bủa vây lấy cô từ hơn 10 năm nay bởi trong gia đình 4 người con thì Lin là trường hợp duy nhất không kết hôn.

Bố Lin trong khoảng thời gian ấy chưa từng một lần đến thăm con gái chỉ vì cô không chịu lấy chồng. Còn mẹ của cô cũng ghé thăm lần gần nhất là 3 năm trước nhưng cũng chỉ vội vã một chút rồi đi ngay. “Bố mẹ của tôi rất lo lắng về tôi. Họ đã dành cả cuộc đời để hi sinh cho con, vậy mà lại bị thất vọng khi tôi vẫn chưa lấy chồng. Gia đình tôi truyền thống lắm nên mọi chuyện lại càng trở nên bị kịch hơn", Lin chia sẻ.

trung quốc
Mặc dù là giảng viên đại học nhưng Lin vẫn cô đơn lẻ bóng ở tuổi 38.

Lin không phải là trường hợp duy nhất khiến các ông bố bà mẹ ở Trung Quốc phải đau đầu mà cùng với rất nhiều người khác, họ đã trở thành vấn nạn. Ở đất nước này, thuật ngữ “gái ế” đã lần đầu tiên được đưa ra trong một báo cáo của Liên đoàn Phụ nữ vào năm 2007 để mô tả những nữ thanh niên ở độ tuổi trên dưới 30 nhưng chưa lập gia đình. Từ đó, hàng loạt những từ khác cũng được thai nghén và ra đời để ám chỉ tình trạng “bom nổ chậm” này.

Mặc dù xã hội Trung Quốc ngày nay đã tiến bộ và hiện đại hơn rất nhiều nhưng giáo lý vẫn là giáo lý, và người phụ nữ cho dù có nắm giữ cả bầu trời vẫn không thể nào thoát khỏi bản án khắc nghiệt "sao nhiều tuổi mà vẫn chưa có chồng?". Điều này khiến cho các cô gái luôn mang trong mình cảm giác bất lực và chán nản với gia đình.

Nỗi cô đơn âm ỉ 

Áp lực phải lấy chồng không chỉ được áp lên đầu bởi bố mẹ và xã hội mà ngay trong thâm tâm những người phụ nữ ấy cũng có những luồng suy nghĩ đau đáu về cuộc đời và lựa chọn của mình.

Cô gái 27 tuổi Li Yuan sinh ra từ vùng nông thôn và rất mong muốn được đổi đời ở thành phố. Cô đồng thời cũng là đứa con bị đẻ chui bởi chính sách một con tàn khốc của Trung Quốc. Vì lẽ đó, bố mẹ cô đã phải mang cô tới nơi nghèo đói để có thể trốn tránh mà nuôi con.

Yuan từng hẹn hò với một người lính đẹp trai, tài giỏi được 3 năm khi học đại học nhưng sau đó gia đình cô lại không đồng ý cho họ đến với nhau chỉ vì chàng trai kia không tốt nghiệp đại học. Vậy là họ chia tay và từ đó Yuan không yêu thêm một ai nữa nên cô bỏ lên Bắc Kinh kiếm sống. Một năm sau, Li phát hiện người cũ đã cưới một cô gái cùng làng do cha mẹ mai mối và đã làm cha một bé trai.

Nhưng rồi cuộc sống cũng cứ thế cuốn Yuan đi cho đến một ngày bố mẹ luôn tức giận và mắng mỏ cô vì không chịu lấy chồng. Yuan đã tuyệt vọng đến nỗi từng nhịn ăn vì cái nhãn "gái ế". "Tôi muốn như mọi người bình thường, được kết hôn và có con. Tôi nghĩ ngay cả khi bạn cực kỳ xinh đẹp và chưa lấy chồng thì bạn vẫn chẳng là gì bởi điều đó có nghĩa đàn ông không đoái hoài gì đến bạn", Li nói.

trung quốc
Có vẻ ngoài ưa nhìn nhưng Yuan chưa lập gia đình vì nhiều lý do.

Trong những năm một mình sống ở thủ đô, Yuan cũng từng quen một anh chàng khi tham gia nhóm chạy thể dục. Cô đã gọi về cho bố mẹ và đề cập đến chuyện sẽ lấy anh ấy. Nhưng rồi cuối cùng Yuan lại phát hiện ra anh chàng đang bắt cá hai tay và mọi chuyện lại tan thành mây khói.

Li cũng kể chuyện về một người bạn của đồng nghiệp rằng chị này 36 tuổi và chưa lấy chồng, cũng xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó. Khi mới đến, chị ấy dành tất cả thời gian để nghiên cứu, kiếm tiền và gửi tiền về nhà. Lúc bước sang tuổi 30, chị ấy vẫn chưa có mối tình nào, không biết trang điểm hay làm đẹp. Gần đây, chị ấy không còn về nhà nữa vì gia đình, mọi người nhìn chị như thể một con quái vật.

Một người phụ nữ khác tên Lu năm nay đã ngoài 50 nhưng vẫn không kết hôn mà chỉ sống cùng bạn trai. Bà có học thức cao khi có bằng cử nhân tài chính đồng thời trở thành một trong những người bán hàng giỏi nhất ở công ty may mặc khi mới 25 tuổi. Tuy nhiên, bà độc thân.

Bà Lu kể rằng hầu hết bạn bè đều lập gia đình trước tuổi 24 và bà bị coi là “ế”. Sau đó bà được mọi người cố gắng mai mối nhưng vẫn không ưng ý. Vào thời điểm gặp người bạn trai đầu tiên và dọn về sống thử, bà run rẩy khi bắt đầu chuyện nam nữ. Nhưng cho đến khi quen rồi thì gã trai kia lại có người phụ nữ khác và họ chia tay trong đau khổ.

trung quốc
Thời trẻ, bà Lu là cô gái rất xinh xắn.

trung quốc
Nhưng bà lại không lập gia đình một phần vì bị người tình phụ bạc, một phần khác vì sự nghiệp quá thành công.

Mặc dù những năm sau này, chuyện tình yêu không có bước tiến nào, sự nghiệp của bà lại lên như diều gặp gió. Bà là người phụ nữ duy nhất trong nhóm 10 người ở vị trí cao nhất trong công ty. Cuối cùng, ở tuổi ngũ tuần, bà chuyển tới Mỹ và sống cùng bạn trai. Bà kiên quyết nói lên quan điểm của mình rằng: “Tôi không nghĩ phụ nữ chỉ có hoặc gia đình hoặc sự nghiệp. Các cô gái ế ngày nay cũng đừng vội bỏ việc đi tìm tình yêu mà hãy sống là chính mình thì tốt hơn”.

Những giải pháp không bao giờ phát huy tác dụng

Mẹ của Lin đã đọc được một bài báo nói về "chợ hôn nhân" ở Bắc Kinh - nơi các phụ huynh có con độc thân tập hợp lại tại một công viên với hy vọng mai mối con mình với con cháu của những ông bố bà mẹ tuyệt vọng khác. Chợ này mở theo phiên cứ 2 lần một tuần, nhóm khoảng 30-60 bố mẹ gặp nhau tại một địa điểm, mỗi người mang theo một tờ giấy ghi các thông tin về con mình - công việc, trình độ học vấn và mức lương cũng như tình trạng thể chất.

Ban đầu, chợ này chỉ dành cho các bố mẹ nhưng sau dần, nhiều người con độc thân cũng đi cùng cha mẹ tới đó. Trong chợ hầu hết là những cô gái bị gắn mác gái “ế”.

Lin cũng đã miễn cưỡng đi cùng mẹ tới "chợ" hai lần một tuần, đứng lặng thinh bên bà hơn một tiếng mỗi lần. "Tôi thấy mình không thể từ chối mẹ nhưng làm việc này khiến tôi cảm giác thật tệ, bị bẽ mặt, trầm cảm, ức chế. Tôi thấy mình như kẻ thua cuộc, đứng đây để bán thân", cô bộc bạch.

trung quốc
Rất nhiều phụ huynh đi chợ tình thay con để mong con gái có được tấm chồng cho người đời khỏi gièm pha.

Còn Yuan, mặc dù ít hơn Lin cả chục tuổi nhưng vẫn bị người nhà giục sốt sắng. Vì lẽ đó, cô đã tham gia những buổi hẹn hò do các công ty môi giới sắp xếp mà người ta gọi là “blind date” (hẹn hò giấu mặt). Tại đây, các cặp nam nữ sẽ không biết nhau trước và cùng đến một điểm hẹn đã được định trước để tiến hành tìm hiểu.

Tuy nhiên, những biện pháp nói trên vẫn không thể phát huy tác dụng và những cô gái đó dường như vẫn chưa chọn cho mình được một ý trung nhân để thoát khỏi mác “gái ế” do gia đình và xã hội đặt cho.

Phải thừa nhận rằng, những người phụ nữ can đảm và dám sống cho bản thân như bà Lu đã đề cập ở trên không phải nhiều. Áp lực kinh tế và nỗi lo mưu sinh cùng quan điểm xã hội vẫn hàng ngày đè nặng lên vai những cô gái khiến họ luôn đau đáu nỗi niềm phải tìm được người đàn ông có thể cùng mình trang trải cuộc sống. Và khi chưa làm được điều đó thì chính bản thân họ cũng thấy áp lực chứ không riêng gì cha mẹ và gia đình họ.

Nguồn: Aljazeera

Chia sẻ