Trung Quốc:

Bê bối rúng động vụ bán thịt quá hạn cho KFC

Theo Vietnamnet,
Chia sẻ

Cơ quan an toàn thực phẩm Trung Quốc tuyên bố mở cuộc điều tra toàn quốc về các nhà máy chế biến và cung ứng thịt liên quan đến công ty bị cáo buộc bán thịt bò và thịt gà quá hạn cho McDonald và KFC.

Phóng sự cuối tuần qua của Đài Truyền hình Thượng Hải, rằng Tập đoàn Thực phẩm Husi vẫn sử dụng thịt quá hạn đóng gói để cung cấp cho các chuỗi nhà hãng nổi tiếng, đã làm rúng động dư luận ở Trung Quốc.

McDonald's, KFC và chuỗi nhà hàng Dicos của Đài Loan thông báo họ đã ngay lập tức ngừng sử dụng thịt do Husi cung cấp.

Bê bối rúng động vụ bán thịt quá hạn cho KFC 1
Những quan ngại về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc gần đây ảnh hưởng mạnh đến doanh số của Yum. (Ảnh: BBC)

AP dẫn thông tin từ Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc cho biết, ngoài cơ sở của Husi ở Thượng Hải, các nhà điều tra sẽ rà soát mọi cơ sở chế biến và nguồn cung thịt tại 5 tỉnh ở trung, đông và nam Trung Quốc.

Hôm 21/7, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã niêm phong nhà máy của Husi ở Thượng Hải, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng giữ lại các sản phẩm đáng nghi để kiểm nghiệm. Mọi vi phạm sẽ "bị trừng phạt nghiêm minh", cơ quan này khẳng định trên trang web chính thức.

Đài Dragon TV đưa tin hôm 20/7 rằng Husi - thuộc tập đoàn OSI ở Aurora, Illinois - đã đóng gói lại thịt bò và thịt gà quá hạn rồi dán thời hạn sử dụng mới. Số hàng này sau đó được bán cho các nhà hàng của McDonald's, KFC and Pizza Hut.

Trong một thông báo, Husi mô tả hãng này bị chấn động sau bản tin và sẽ hợp tác điều tra, đồng thời cam kết sẽ công khai kết quả cho dân chúng.

"Ban quản lý công ty chúng tôi tin đây là một sự kiện cá biệt song sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm và sẽ có những hành động thích hợp một cách nhanh chóng và toàn diện", AP trích dẫn thông điệp của Husi.

An toàn thực phẩm và dược phẩm là một chủ đề vô cùng nhạy cảm ở Trung Quốc sau hàng loạt bê bối đình đám trong thập niên vừa qua, trong đó nhiều trẻ nhỏ, bệnh nhân và người bình thường tử vong hoặc bệnh tật do dùng phải sữa, hàng hóa và thuốc nhiễm bẩn.

Tập đoàn McDonald's trụ sở ở Oak Brook, Illinois và Yum Brands Inc. ở Louisville, Kentucky (sở hữu KFC và Pizza Hut) cho biết họ sẽ tự tiến hành điều tra.

"Nếu chuyện này được chứng minh thì những gì được nêu trong bản tin là hoàn toàn không thể chấp nhận được với McDonald's", phát ngôn viên của hãng nói với Reuters.

KFC của Yum hiện là chuỗi nhà hàng lớn nhất tại Trung Quốc, với hơn 4.000 đại lý và hãng còn dự kiến mở thêm 700 cơ sở nữa trong năm nay.

Chia sẻ