Bão Nari: Giữ nguyên sức gió giật cấp 15, 16, bão tiến sát bờ

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

Từ nửa đêm 14-10 đến 4, 5g sáng 15-10, bão Nari chếch lên phía trên vĩ tuyến 16, tâm bão đi vào giữa Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Cấp bão đổ bộ vào đất liền vẫn duy trì cấp 11, cấp 12, gió giật cấp 13, 14.

Bão Nari: Giữ nguyên sức gió giật cấp 15, 16, bão tiến sát bờ 1
Xe thiết giáp túc trực trước Ban chỉ huy tiền phương cơn bão số 11 tại TP. Đà Nẵng - Ảnh: Thuận Thắng

Dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, từ nửa đêm 14/10 đến 4, 5g sáng 15-10, bão Nari sẽ chếch lên phía trên vĩ tuyến 16 một chút, tâm bão sẽ nằm giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Cấp bão đổ bộ vào đất liền vẫn duy trì cấp 11, cấp 12, gió giật cấp 13, 14, vùng bị ảnh hưởng là Quảng Trị, Quảng Nam gió cấp 9, cấp 10.

Do lượng mưa trong và hoàn lưu bão rất lớn kéo dài từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi cùng các tỉnh Kon Tum, lượng mưa lớn có nơi từ 400-600mm nên mực nước dâng cùng thủy triều lên ở các tỉnh thành rất lớn. Vì thế các tỉnh sẽ xảy ra tình trạng lũ quét, lũ ống, sạt lở…

Văn phòng Ban PCLB trung ương cho biết, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam từ đêm nay sẽ lên nhanh, có nơi đạt trên mức báo động 3.

Ông Cao Đức Phát, trưởng Ban chỉ đạo PCLB trung ương chỉ đạo các địa phương tiếp tục di dời dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Đồng thời Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương cấm xe cộ trên Quốc lộ 1A đoạn từ Huế đến Quảng Nam để bảo đảm an toàn.

Vào lúc 22h20, dọc đê biển ở khu xóm Cồn Đâu (thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Thủy Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhiều đoạn đã bị sóng đánh tan nát khiến nước biển tràn thẳng qua phá Tam Giang. Con đường bê tông về xóm bị sạt và xói mòn nhiều đoạn. Từng cơn sóng dồn dập đã tràn qua phá Tam Giang, nước biển tràn ngang qua đường, nhiều đoạn sâu quá đầu gối và nước chảy xiết.

Tại xóm Cồn Đâu, nước đầm phá dâng cao ngập các con đường ven phá và gió mạnh cấp 5, cấp 6. Tại đây vẫn có điện, các hộ dân vẫn theo dõi diễn biến bão qua ti-vi. Mặc dù đã di dời đến nơi an toàn nhưng mỗi gia đình vẫn có từ 1 đến 2 người ở lại trông coi nhà cửa. Có khoảng 7 cán bộ địa phương túc trực để đảm bảo an ninh và tài sản của bà con.

Đà Nẵng hiện đã chủ động cúp điện toàn thành phố, bảo đảm an toàn cho người dân khi bão đi qua.

Vào 22h25, toàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức bị ngắt điện. Khu vực thị trấn Lăng Cô gió rất mạnh, có một số cây cổ thị trốc gốc. Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Phú Lộc vắng ngắt.

Theo dự báo mới nhất của Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, khu vực thị trấn Lăng Cô và toàn bộ huyện Phú Lộc sẽ là vùng tâm bão dự kiến trong khoảng 3-4 giờ nữa.

22h30, tao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Dũng, phó Chủ tịch UBND TP Hội An, trưởng ban PCLB TP Hội An, cho biết: “Tại Hội An đã xuất hiện gió bão giật mạnh cấp 9, cấp 10. Gió ngày càng mạnh dần kèm theo mưa to đến rất to. Mực nước tại hạ lưu sông Thu Bồn, đặc biệt sông Hoài gần báo động 2, nhấn chìm các khu dân cư tại các vùng trũng thấp như phường Minh An, kể cả một số tuyến đường ở khu phố cổ”.

Để đảm bảo an toàn tính mạng về người, Ban chỉ huy PCBL Hội An đã điều động hàng trăm chiến sĩ công an, bộ đội kết hợp với dân quân phường Minh An túc trực tại các tuyến đường ngập lụt nhằm ngăn chặn du khách hiếu kỳ lội nước lũ chụp ảnh phố cổ ngập lụt, đồng thời sẵn sàn giúp người dân chèn chống nhà cổ xuống cấp nếu xảy ra tình huống xấu.

Ngoài ra, các chiến sĩ của 2 đơn vị là Ban chỉ huy quân sự TP Hội An và Biên phòng Cửa Đại túc trực chốt chặn các tuyến đường xuống biển Cẩm An và Cửa Đại để vừa bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản người dân và ngăn chặn du khách đi xuống vùng nguy hiểm.

Hầu như toàn TP Hội An đã bị cúp điện. Gió càng ngày càng thổi mạnh hơn. Trời tiếp tục trút xuống trận mưa lớn.

Chia sẻ