Băng đĩa nhạc cho thiếu nhi: Của hiếm!

,
Chia sẻ

Đã khá lâu rồi, thị trường âm nhạc Việt Nam không có album toàn những ca khúc mới sáng tác dành riêng cho thiếu nhi. Những sản phẩm âm nhạc hầu hết đều của hơn chục năm về trước.

Thị trường âm nhạc thiếu nhi: “Đói” album mới

Dạo quanh một số cửa hàng bán băng đĩa lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội như Hồ Gươm Audio, băng đĩa Thăng Long, băng đĩa Hà Nội, nhà sách Tràng Tiền, Tiền Phong…có thể nhận thấy các đĩa nhạc dành cho thiếu nhi khá nhiều. Nhưng điều đáng nói là những sản phẩm âm nhạc này đều được tái bản lại từ hơn chục năm về trước.

Những đĩa CD như “Cả nhà thương nhau”, “Con cò bé bé”, “Đàn gà trong sân 1, 2, 3”, “Ca nhạc thiếu nhi đặc biệt”…đều là những album cũ gắn liền với những tên tuổi ca sĩ nhí nổi danh một thời.
Chương trình Đồ Rê Mí được các bé rất yêu thích
 
Album nhạc thiếu nhi mới cho bé không có nhiều

Chị Nguyễn Thị Nga (Đống Đa, Hà Nội) dẫn theo cô con gái mới 4 tuổi đến cửa hàng băng đĩa Hồ Gươm Audio để bé tự chọn. Nhưng băn khoăn mãi hai mẹ con không biết chọn đĩa nhạc nào. Lí do rất đơn giản:“Từ hồi bé mới một tuổi, cả nhà thường xuyên mua cho bé xem những băng đĩa nhạc thiếu nhi. Chỉ riêng mình bé cũng có một hộp đĩa nhạc riêng. Hai mẹ con xem mãi nhưng cũng toàn đĩa cũ, bé đã xem rất nhiều lần rồi. Chưa chọn được album nào mới hoặc có khác biệt một chút cả”.

Trong kệ đĩa nhà anh Trần Văn Hùng (Nguyễn Tuân, Hà Nội) cũng đựng toàn những đĩa nhạc thiếu nhi cho cô con gái nhỏ. Nhưng đã khá lâu rồi cháu không xem đến. “Mỗi lần bật lên hai bố con xem cho đỡ buồn, cháu lại bảo ngay: “Con thuộc hết mấy bài này rồi, con hát hết được rồi”. Thế là đành tắt đi, chuyễn đĩa khác”. Anh Hùng thở dài bảo.

Những album toàn các ca khúc mới dành cho thiếu nhi không có, trong khi âm nhạc thị trường dành cho tuổi teen lại sôi động. Vợ chồng anh Minh Hoàng (Giảng Võ, Hà Nội) giật mình khi nghe cậu con trai mới ba tuổi vừa được mẹ tắm vừa hát“Sao em bắt anh phải yêu em”, “Đừng nói lời cay đắng”, “Tâm sự của hai người đàn ông”….

Lí do cũng chỉ vì cu Bin không thích mấy đĩa hát thiếu nhi vì bé đã nghe và thuộc lòng từ hơn 2 năm nay. Nhắc đến bài nào bé cũng biết, đĩa nào có cảnh nào bé cũng nhớ. Vì thế, việc cu Bin cũng như các bạn cùng lớp mẫu giáo học rất nhanh các bài hát thị trường không có gì lạ. Chỉ bởi nó là những ca khúc bé thường được nghe và là những ca khúc mới.

Dạo qua thị trường băng đĩa mới thấy, hầu hết các đĩa nhạc dành cho thiếu nhi bán rất nhiều nhưng đều là đĩa lậu in sao từ những đĩa nhạc cách đây từ 6-10 năm. Chất lượng không tốt, mỗi đĩa nhạc giá chỉ từ 5.000-7.000 đồng, nhưng chỉ nghe đi nghe lại 4, 5 lần là đĩa đã bị trày xước. Nội dung của những đĩa hát này lặp đi lặp lại, có những đĩa giống nhau đến 98% vì chỉ có 2 bài hát khác được thêm vào. Sự chắp nối khiến các đĩa nhạc có độ dài kỷ lục, có đĩa lên đến 30 bài hát.

Cần lắm những bài học tinh thần cho con trẻ

Chị Nga (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ nguyện vọng: “Tôi thấy các chương trình như Đồ rê mí, Tuổi thần tiên…cũng rất hay. Con gái tôi cũng thích xem và thường hay nhún nhảy hát theo các bạn. Tuy ca khúc có cũ nhưng các làm mới vẫn hấp dẫn được các cháu nhỏ. Mong rằng sẽ sớm có những album mới cho các cháu nghe”.

Cùng chia sẻ quan điểm với chị Nga, anh Hùng nói: “Nhu cầu âm nhạc của trẻ em là rất lớn nếu không đáp ứng được nhu cầu của các em thì rất dễ những bài hát của dòng nhạc thị trường được các bé dung nạp”.
 
 
 
Những đĩa nhạc của ca sĩ nhí Xuân Mai vẫn được sao chép lại nhiều lần

Sẽ khó tìm được một gia đình nào có trẻ em mà lại không có dăm bảy CD, VCD, DVD của cô bé Xuân Mai khi mới chỉ có 2, 3 tuổi đến khi 7 tuổi. Đó là những chiếc đĩa được sang in từ những chương trình, những băng đĩa của cô bé khi còn rất nhỏ, trước khi cùng gia đình sang Mỹ định cư. Và dù cho giờ đây, Xuân Mai đã thành một thiếu nữ 14 tuổi, hát những bài của tuổi mới lớn thì trong đầu óc non nớt của trẻ em và cũng như rất nhiều người lớn khác, bé Xuân Mai mới chỉ 3, 4 tuổi.

Nguồn ca khúc dành cho thiếu nhi hiện nay chủ yếu vẫn dùng lại và tận dụng tối đa những sáng tác cũ, lâu lâu mới có một cuộc vận động sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi nhưng những ca khúc này được tập hợp lại vẫn chỉ lưu hành nội bộ.

Nhu cầu ca hát cũng như được thưởng thức văn hoá văn nghệ của trẻ em không hề nhỏ, nhưng gần như không có sự đầu tư thực sự cho lĩnh vực này. Và cũng như các loại hình nghệ thuật khác dành cho trẻ em đang ngày càng khan hiếm thì băng đĩa nhạc, một món ăn tinh thần dễ sản xuất nhất hiện nay cũng rơi vào tình trạng dùng lại của 10 năm về trước.
 
Đinh Liên

 

Chia sẻ