Bà Obama - Ngôi sao thời trang mới?

,
Chia sẻ

Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelie Obama xuất hiện trên nhiều bìa báo và chiếm cảm tình của dư luận như ngày xưa duy nhất chỉ Jackie Kennedy đạt được.

Nhiều người thậm chí còn ngại rằng tân Tổng thống Mỹ kém nổi danh hơn vợ mình! Ít nhất thì sự kiên định của bà ở lĩnh vực thời trang cũng tạo một điểm sáng trong chu kỳ ảm đạm của xã hội Mỹ hiện tại.

Nếu buộc phải nhắc đến suy thoái kinh tế trong những ngày này thì Anna Wintour, chủ bút tạp chí thời trang nổi tiếng Vogue, có thể đưa ngay ra dẫn chứng hàng ngày vô cùng thời sự. Các doanh nghiệp làm ăn thất bát kéo theo tình trạng ế ẩm của công tác tiếp thị nói chung. Trong tháng Giêng, nguồn “dinh dưỡng” chính của Vogue là quảng cáo giảm đến 44%. Nhà xuất bản Conde Nast là nơi sinh ra những tạp chí nổi tiếng như Vanity Fair và The New Yorker sau khi phải khai tử một sản phẩm ăn theo, Men’s Vogue, vẫn thông báo rằng hàng loạt nhân viên nữa chuẩn bị ra đường vì cắt giảm ngân sách.



Thậm chí cái ghế vững như bàn thạch của bà Wintour nghe nói cũng lung lay dữ dội. “Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống những ngày khốn khó nhất”, bà Wintour than thở trong Thư gửi độc giả của số tháng Ba vừa ra sạp. Ánh hào quang của thế giới thời trang vốn nhắm đến những túi tiền rủng rỉnh ngày nào vẫn được coi là bộ mặt của Vogue nay đã nhường chỗ cho các dòng quảng cáo tương tự như cẩm nang tiêu dùng cho người lĩnh trợ cấp thất nghiệp. Nơi hôm qua còn là đất tung hoàng của Prada và Louis Vuitton thì bây giờ chợt xuất hiện các hình ảnh lạ mắt: áo khoác ka-ki của hãng “A” hoàn toàn có thể mặc qua mùa Hè đến tận lễ Giáng sinh tới, giày hiệu “B” được bảo hành hai năm ròng v.v... và v.v... Ôi, thời xa xỉ nay còn đâu!

Cứu tinh ngoài dự tính

Trong cơn vật vã đi tìm chiếc phao cứu sinh, bà Wintour tin rằng rốt cuộc mình đã thành công: một “người mẫu” sáng giá vừa làm chấn động làng báo in xuất hiện trên bìa tờ Vouge số tháng Ba trong chiếc áo dài giản dị màu đỏ của Jason Wu. Khán giả truyền hình Mỹ hẳn còn chưa quên đã từng chiêm ngưỡng “người mẫu” này khiêu vũ trong chiếc váy trắng đính pha lê tại buổi dạ tiệc nhậm chức của ông Obama cũng do nhà tạo mốt gốc Đài Loan nói trên thiết kế. Ngôi sao mát tay Jason Wu mới 26 tuổi nhưng đã nổi đình đám trên nền đất nóng bỏng của New York 3 năm nay, còn “người mẫu” nọ thực ra chưa có thâm niên: Michelle Obama - đệ nhất phu nhân mới của nước Mỹ.

Vinh dự lên trang bìa của Vogue là một phần thưởng mà có lẽ một người mẫu nghiệp dư không bao giờ dám mơ tới, trước bà Michelle chỉ có Hillary Clinton là tiền lệ. Nhưng, bỏ qua việc giúp Vogue tăng ấn bản phát hành trong những ngày khốn khó, bà Obama đã tỏa một ánh sáng lạc quan tới những ai đang than thở dưới gánh nặng khủng hoảng tài chính, với tinh thần “cái khó không bó cái đẹp”!

Trọng trách bên cạnh Tổng thống

Vị thế phu nhân của nguyên thủ quốc gia hùng mạnh nhất địa cầu đã vô hình trung đặt lên vai bà Obama gánh nặng phải mang phong thái đĩnh đạc. Mới cách đây vài hôm, báo chí Mỹ còn xôn xao vì bà mặc chiếc váy để tay trần trong buổi thuyết trình đầu tiên của chồng trước nghị viện Mỹ. Trước đó tờ New York Times đã đăng một tấm ảnh khác với chiếc áo tương tự của nhà tạo mốt Narciso Rodriguez và châm chọc: “Chúng tôi đã bầu ông Obama chứ không bầu cái áo này”.


Nhưng có lẽ bà Michelle Obama xuất hiện trên một giai tầng khác hẳn so với những người tiền nhiệm của mình. Những lời bà phát ngôn, đồ bà mặc trên người, cách bà giao thiệp - con người Michelle Obama kích động dân Mỹ trở nên mạnh mẽ. Cuộc trưng cầu ý kiến khán giả của kênh truyền hình NBC cho thấy bà được dân Mỹ đặc biệt chú ý: 63% (trong khi đức phu quân chỉ đạt 60%).

Giờ thì ai cũng biết đại diện phái yếu này là người phụ nữ mạnh mẽ bên cạnh Tổng thống, song hình như bà Michelle Obama đang thử nghiệm một vai trò nữa, nghe chừng còn quan trọng hơn: vạch ra xu thế mới và đi lên, trong khi mọi đồ thị phát triển đều mang hình mũi tên gục xuống và kéo theo người dân vào một tâm trạng bi quan.

Cháy “hàng hiệu” Obama

Và quả thật, những gì bắt đầu nhẹ nhàng như đùa và tôn vẻ độc lập nơi một phụ nữ không chịu làm nô lệ của mốt, nay đã bắt đầu mang hình dáng một xu thế. Vừa tuần trước thôi, khi xuất hiện trong chương trình dạy nấu ăn với món cơm sốt cà và súp lơ xanh, bà Michelle Obama mặc một chiếc áo len màu ổi chín và làm phóng viên thời trang DeNeen Brown của tờ Washington Post bất ngờ. Người ta buộc phải nhớ lại nữ ứng viên phó tổng thống Sarah Palin ném 150.000 USD mua quần áo đi vận động tranh cử, trong khi bà Michelle Obama vận bộ đồ có giá 148 USD lên chương trình phỏng vấn của Jay Leno và tiết lộ: “Tôi đã đặt mua nhiều đồ đẹp qua mạng”. Chiếc váy mà bà mặc hôm đó là sản phẩm của chuỗi siêu thị J. Crew, hiện sản xuất không kịp đáp ứng đơn đặt hàng. Thông điệp của bà khá rõ ràng: “Tôi muốn các con gái mình và bạn chúng tranh luận về cái đẹp, trí thông minh, và điều gì là quan trọng hơn”. Ngôi sao truyền hình Oprah Winfrey gọi bà là “người phụ nữ hiện đại của thế kỷ 21”.

Cũng nên ôn lại lịch sử còn tươi rói để thấy sàn diễn váy áo không phải là đất lành cho các đệ nhất phu nhân Mỹ. Bà Hillary Clinton cũng từng muốn bứt phá về thời trang nhưng bị Nhà Trắng “tuýt còi” ngay. Vậy mà bà Michelle Obama vẫn chụp ảnh chính thức trong chiếc váy để lộ cánh tay trần rất thể thao. Tờ Chicago Tribune (ở quê của bà Obama) nhận được hàng trăm thư phản đối. “Chính trường không phải là buổi tiệc cocktail”, độc giả Janice Elges phẫn nộ, “nhất là bây giờ đang mùa đông”.

“Hiệu ứng Obama”

Nhưng dường như bà Obama vẫn lộ vai và tay đi đến các buổi gặp gỡ khác: buổi thăm thú đầu tiên tại bếp của dinh tổng thống, tiệc đón các thống đốc bang, đêm hòa nhạc tôn vinh Stevie Wonder, và thậm chí trên trang bìa của People là một tờ được tiếng ưa gây sự.

“Michelle Obama có nên ăn mặc kín đáo hơn?”, phóng viên xã luân nổi tiếng của New York Times là Maureen Dowd lo lắng đặt câu hỏi, sau khi một số độc giả la ó rằng “một biểu tượng quốc gia bị mất thiêng”. Kể cũng lạ, khi các cây bút chính trị lột xác thành nhà phản biện thời trang để công kích lẫn nhau, nhưng tại sao không! Wendy Donahue của tờ Chicago Tribune gọi bắp tay săn chắc của Đệ nhất phu nhân là “đồ trang sức hoàn hảo thời nay”: “Chẳng tốn kém gì, ngoài lệ phí ở câu lạc bộ thể thao”. Sẽ thú vị hơn nữa khi ta săm soi những người tiền nhiệm của bà Obama, chẳng hạn như Mamie Eisenhower hồi những năm 1950 cổ hủ - chiếc áo dài tay trần của bà chẳng hề gây phản ứng nào. Hay Dolley Madison ưa mặc áo xẻ cổ rất rộng. Còn Hillary Clinton vì thay đổi kiểu tóc liên tục mà bị đàn bà Mỹ lườm nguýt...

Khác với họ, đương kim Đệ nhất phu nhân Mỹ không chỉ gây sóng gió vì vẻ ngoài, mà còn tạo ra một dư luận được kính cẩn gọi là “hiệu ứng Obama” bằng chính tính cách của mình. “Tôi thích gì mặc nấy” là câu cửa miệng của bà. Tại cuộc thăm viếng ở các bộ, bà luôn được “nhận dạng” bởi trang phục khá bình dân và được liên hệ ngay với chính sách vãn hồi tài lực Mỹ của chồng. Dù có chủ ý hay không, khó phủ nhận là bà rất bàng quan với những nhà tạo mốt ở hạng “5 sao”. Oscar De La Renta, “thợ may triều đình” của Laura Bush, không được hỏi mà vẫn tự nguyện gửi cho bà Obama 12 mẫu trang phục cho lễ nhậm chức của chồng bà - nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm. Số phận tương tự đến với một siêu sao váy vó khác là Carolina Herrera. “Bà Obama có thị hiếu siêu thị”, Arnold Scaasi tung lời báng bổ trên tờ New York Times. Không có gì lạ, ông đã từng thiết kế trang phục cho Đệ nhất phu nhân Eisenhower, nhưng chưa góp được bộ trang phục nào vào tủ quần áo của nhà Obama.

Ai theo dõi các show thời trang gần đây ở Mỹ cũng nhận thấy người mẫu da màu ngày càng đông lên. Âu cũng là một khía cạnh nhỏ nhưng quan trọng trong “hiệu ứng Obama”.
 
Theo Đức Lê
TTVH/các báo nước ngoài
Chia sẻ