"Áo mưa" nữ bị ế vì bất tiện

,
Chia sẻ

Dù được phát miễn phí nhưng nhiều chị em không dùng bao cao su, với lý do mất thẩm mỹ, khó khăn trong di chuyển hay “quá ồn ào” khi sử dụng.

Theo số liệu của Uỷ ban phòng chống AIDS TP HCM, năm 2009 đã phát miễn phí gần một triệu bao cao su cho đối tượng là gái mại dâm đường phố và hơn 1,2 triệu bao cao su cho các tiếp viên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Tuy nhiên, hầu hết người nhận đều không dùng.

70% phụ nữ chưa sử dụng “áo mưa”

Khảo sát tại các cửa hàng chuyên bán về các sản phẩm bao cao su (áo mưa) hay các cửa hiệu thuốc tây trên địa bàn TP HCM cho thấy, rất hiếm có khách hàng nữ mua sử dụng. Ghé vào cửa hàng “chuyên dụng” trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hỏi “áo mưa nữ”, ông chủ niềm nở: “Có tất, tha hồ chọn, mềm nhất là 25.000 đồng”.

Thế nhưng, khi đề nghị hướng dẫn sử dụng, ông chủ cửa hàng thật thà: “Chịu. Hiếm khi thấy nữ mua cho mình, toàn chọn hàng cho nam không hà!”. Tại điểm bán thuốc tây ở đường số 5 (khu phố 1, P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) chúng tôi cũng nhận ngay câu trả lời cộc lốc: “Không, chỉ bán bao nam” khi hỏi mua “áo mưa” nữ. Lý do không bán thật đơn giản: “Đâu có ai mua!”

Đối với nữ giới nói chung, khi đề cập đến “áo mưa”, hầu hết đều thừa nhận: “ít nghe nói tới”, thậm chí có người còn cắc cớ: “Nữ cũng có hàng à?”. Kết quả khảo sát bỏ túi thực tế tại phường 15, quận Gò Vấp với quy mô mẫu đại diện là 50 nữ (ĐH Mở TP HCM thực hiện) cho thấy: chỉ 10% cho rằng họ có quyền đề nghị sử dụng bao cao su nếu như người chồng không chung thuỷ và có HIV; có đến 70% nữ giới chưa hề biết và sử dụng bao cao su nữ.

Cùng đó, tại hội thảo “Đào tạo nhân viên xã hội trong lĩnh vực HIV/AIDS”, bà Nguyễn Thị Nhận (giảng viên khoa Xã hội học và Công tác xã hội, ĐH Mở TP HCM) cho biết: “Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, trong những người có hoạt động tình dục không an toàn thì tỷ lệ nữ bị nhiễm HIV cao hơn nam giới từ 2-4 lần. Tuy nhiên, việc sử dụng bao cao su nữ lại chưa được phổ biến rộng rãi”.

Áo mưa” dành cho nữ vẫn chưa trở nên thông dụng vì nhiều lý do. Ảnh: T.Tâm


Cho không cũng ít người xài

Biết chủ động dùng “áo mưa” sẽ an toàn hơn nhưng cũng chủ động từ chối dùng, một gái mại dâm hoàn lương lý giải: “Ba cái áo mưa nam chỉ mất 1.000 đồng trong khi “áo” của mình rẻ nhất cũng vài chục ngàn. Chỉ phục vụ bình dân mà đeo nó thì làm sao đủ sở hụi, khách chịu dùng là ngon rồi”.

Tuy nhiên, thực tế đó không phải là yếu tố quyết định việc các đối tượng có nguy cơ cao không muốn hay từ chối sử dụng “áo mưa”. Theo phản ánh của người trong cuộc, việc sử dụng này gây cho họ nhiều “trở ngại” như mất thẩm mỹ, khó khăn trong di chuyển hay “quá ồn ào” khi sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Huệ (Trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại, Uỷ ban Phòng chống AIDS TP HCM) cho biết: “Từ những năm 2002 - 2004 đã có thử nghiệm chương trình phát bao cao su nữ miễn phí do Tổ chức dịch vụ Dân số quốc tế (PSI) tài trợ song chương trình phải dừng do những lý do hết sức tế nhị mà đối tượng gái mại dâm chỉ sau một lần sử dụng là quay lưng. Họ không nhận thì làm sao ép được”.

Đến nay tại TP HCM, dù việc phát bao cao su miễn phí cho nhóm đối tượng mại dâm đường phố (phát theo nhu cầu) vẫn tiếp tục được triển khai nhưng không nhận được sự ủng hộ từ các đối tượng chính.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ