A-Z về bầu Đức: Ông trùm, ông bầu, ông... nông dân

Theo Trí Thức Trẻ,
Chia sẻ

Xét theo giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán đến ngày 26/02/2014, bầu Đức là người giàu thứ 2 trên thị trường với khối tài sản trị giá hơn 7.600 tỷ đồng.

A-Z về bầu Đức: Ông trùm, ông bầu, ông... nông dân 1

Bầu Đức tên thật là Đoàn Nguyên Đức. Hiện ông là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Mới đây khu phức hợp HAGL Myanmar Centre của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được tập đoàn lớn của Singapore cam kết sẽ đầu tư 275 triệu USD, tương đương gần 5.900 tỷ đồng.

Q: Bầu Đức giàu cỡ nào?

A: Bầu Đức là người giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán với khối tài trị giá hơn 7.600 tỷ đồng (tính đến 25/2/2015). Ông hiện là chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, một trong những tập đoàn lớn tại Việt Nam với xuất phát điểm là ngành sản xuất đồ gỗ, sau đó gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực bất động sản, thủy điện, cao su.

Q: Giàu như thế, chắc ông ấy có nhiều thú vui xa xỉ lắm?

A: Ông Đức chơi "sang" nhưng không phải để khoe giàu. Ông là doanh nhân Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng từ năm 2008 với trị giá tới hơn 7 triệu USD (bao gồm chi phí bến bãi, đào tạo phi công, môi giới). Phi công lái máy bay cho ông Đức là nguyên phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Thành Trung và một phi công người Mỹ. Mới đây, có thông tin cho rằng, ông Đức đã đổi chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 sang phản lực Legaxy 600 với 13 chỗ.

Q: Nói vậy thì bầu Đức quan niệm thế nào về tiền bạc?

Về tiền bạc, ông bầu phố núi cho rằng: “Tôi không thiếu tiền. Tôi rất nhiều tiền, thậm chí tiền của tôi có thể nói tiêu cả 3 đời, 4 đời, đến 5 đời cũng không thể hết được tiền. Tôi làm việc vì đam mê. Niềm đam mê với cái đích phải đến của mình.” Với bầu Đức, tiền không phải là mục tiêu theo đuổi.

Đối với một số doanh nhân trẻ tuổi chơi “trội”, trong mắt bầu Đức, họ chỉ là những doanh nhân đang trên đường thành đạt chứ chưa thể nói là thành đạt. Theo ông biết thì những người trẻ tuổi thành đạt thật sự giờ rất ít. Bầu Đức cho rằng: “Cái kiểu chưa thể hiện được tài năng đã thể hiện đẳng cấp thì không phải là những người thành đạt thật sự.”

Q: Có phải đó là lý do không bao giờ người ta thấy bầu Đức mặc comple?

A: Không phải là chủ tịch HAGL không bao giờ mặc comple đâu. Đúng ra là ông ấy ít mặc thôi. Ông Đức từng trả lời phỏng vấn giải thích rằng: "Tôi có tính cách đơn giản, thoải mái, tôi không nặng nề, cầu kỳ bề ngoài. Tôi không mặc comple vì cảm thấy vướng víu, bất tiện. Nhưng có phải vì thế mà bất lịch sự, thiếu tôn trọng người khác? Mà cả công ty tôi từ Bắc chí Nam, trong nước cũng như ngoài nước, gần 10 ngàn con người, không ai comple, cà vạt. Với chúng tôi, xe cộ, máy bay cũng chỉ là phương tiện làm việc mà thôi".

Q: Danh xưng ông "bầu" gắn liền mật thiết với vị chủ tịch HAGL. Hẳn là ông bầu này mê bóng lắm?

A: Đúng vậy, ông Đức thích thể thao, đặc biệt rất mê bóng đá và là một ông bầu tiếng tăm trong làng bóng Việt Nam. Ông bầu này từng chia sẻ nhờ bóng đá mới có như ngày hôm nay nên ông không bao giờ bỏ bóng đá. Hình ảnh bầu Đức ngồi trên khán đài chăm chú từng đường bóng lăn trên sân cỏ đã quá quen thuộc với người hâm mộ cả nước nhiều năm nay.

Q: Việc mua máy bay mới gần đây của bầu Đức có phải để chở cầu thủ đi thi đấu nước ngoài không?

A: Ồ, không phải vậy đâu. Ông Đức đã khẳng định rồi: "Làm gì có chuyện HAGL bỏ ra mấy chục triệu USD mua máy bay chỉ để chở cầu thủ đi đá bóng. Tôi luôn có những quyết định táo bạo, khác người, nhưng quyết định nào cũng dựa trên lợi ích chung của tập đoàn và phải hợp tình hợp lý.

Ngay cả các CLB danh tiếng, giàu có trên thế giới cũng không dại gì mua máy bay để chở cầu thủ đi thi đấu vì rất tốn kém và không hợp lý. Nếu quyết định mua máy bay mới, thì tôi mua để đi lại thuận tiện hơn, phục vụ việc kinh doanh của tập đoàn HAGL đang ngày càng mở rộng sang các nước trong khu vực như Myanmar, Lào, Campuchia…"

Q: Bầu Đức đã làm gì cho nền bóng đá Việt Nam?

A: Ông Đức đầu tư vào bóng đá từ rất sớm và có tầm nhìn rất xa. Từ 14 năm trước, năm 2001, ông là người đầu tiên trong xu hướng ký kết đưa cầu thủ ngoại về Việt Nam với việc đưa được chân sút số một Đông Nam Á  Kiatisak Senamun về đội bóng của mình.

Tới năm 2007, bầu Đức đã san bằng cả mấy rừng cao su ở phố núi Hàm Rồng Pleiku để xây dựng Học Viện HAGL ARSENAL JMG tuyển sinh và đào tạo cầu thủ trẻ theo mô hình của Học viện cầu thủ trẻ Arsenal. Bầu Đức cũng là người đưa câu lạc bộ Arsenal tới Việt Nam cách đây không lâu. Sau 8 năm, học việc của HAGL đã đem lại hy vọng cho người hâm mộ Việt Nam với lứa cầu thủ trẻ đầy tiềm năng như Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Hữu Đông,…

Bầu Đức cũng là người có nhiều tâm huyết phục hưng bóng đá Việt Nam với những phát biểu hùng hồn như: “Bóng đá Việt Nam đã xuống cấp trầm trọng, vấn đề là VFF có dám nhìn thẳng vào sự thật hay không. Các tập đoàn kinh tế làm ăn không hiệu quả phải tái cấu trúc lại và tập đoàn HAGL đã hai lần phải tái cấu trúc. Thậm chí Chính phủ còn tái cấu trúc nền kinh tế. Vậy thì tại sao không tái cấu trúc bóng đá Việt Nam khi nó đã bộc lộ sự yếu kém rõ ràng”.

Q: Nghe nói, bầu Đức từng thi trượt đại học?

A: Đúng vậy. Thậm chí ông thi rớt đến... 4 lần.

Lần đầu là năm 1982, sau khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm, ông Đức trượt đại học khi khăn gói vào Tp. HCM. Thế nhưng ông tâm sự: “Chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ.”

Q: Ông Đức có danh hiệu nào khác vượt ra ngoài biên giới Việt Nam chưa?

A: Có đấy. Ngoài những thành tựu trong nước, các dấu ấn mà ông Đức và HAGL để lại ở Lào, Campuchia hay Myanmar là không nhỏ. Ông Đức là doanh nhân nước ngoài duy nhất được vinh dự nhận Huân chương Công trạng hạng nhất của Campuchia do đích thân Thủ tướng Hunsen trao tặng năm 2013. Còn HAGL trở thành doanh nghiệp nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Campuchia.

Đầu năm 2012, ông cũng được tạp chí Wall Street Journal bình chọn là doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên bầu Đức cho biết ông không hài lòng lắm với 2 chữ “quyền lực”, theo ông hai từ này chỉ thích hợp với những người làm chính trị. Bầu Đức chọn cho mình từ thích hợp với mình hơn là “ảnh hưởng”.

Q: Nổi tiếng thường đi kèm scandal. Không biết với ông Đức điều này có đúng?

A: Thực ra cũng có. Cụ thể là vào năm 2013, tổ chức Nhân chứng toàn cầu Global Witness từng cáo buộc HAGL “phá rừng” khi đầu tư tại Lào và Campuchia. Tuy nhiên, phía HAGL và lãnh đạo 2 nước này đã bác bỏ cáo buộc trên.

Chia sẻ