9 trẻ bỏ mạng, Bộ Y tế mới quyết định ngừng sử dụng văc-xin Quinvaxem

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Chiều 4/5, Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố khẩn cấp yêu cầu tạm ngừng sử dụng vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem để “đảm bảo an toàn cho người sử dụng”. Quyết định này được đưa ra khi trong vòng sáu tháng (tính từ tháng 11/2012), đã có chín trẻ tử vong sau tiêm văc-xin Quinvaxem.

Ngừng ngay việc sử dụng vắc – xin "5 trong 1" Quinvaxem

Các trường hợp tử vong gồm ba trường hợp ở Nghệ An, một ở Kiên Giang, một ở Thanh Hóa, một ở Hà Nội, hai ở Lâm Đồng và một ở Hải Dương.

Theo văn bản khẩn Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành, Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng và các Trung tâm y tế dự phòng... phải tạm ngừng ngay việc sử dụng vắc-xin Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng (vắc-xin phối hợp 5 thành phần DTwP-HepB-Hib dạng lỏng), SĐK: QLVX-0604-12 do Công ty Berna Biotech Korea Corporation (BBKC) sản xuất.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Việt Hùng cho biết yêu cầu khẩn cấp này nhằm “đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.

9 trẻ bỏ mạng, Bộ Y tế mới quyết định ngừng sử dụng văc-xin Quinvaxem 1
Việc ngừng tiêm vắc - xin được cho là đảm bảo an toàn cho người sử dụng

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu đại diện Công ty BBKC phải gửi thông báo tạm ngừng sử dụng tới những nơi phân phối, sử dụng vắc-xin Quinvaxem. Đồng thời, phải báo cáo về tình hình nhập khẩu, quá trình phân phối và sử dụng vắc xin Quinvaxem về Cục Quản lý Dược và Cục Y tế dự phòng trước ngày 15-5-2013.

Quyết định trên của Cục Quản lý Dược dựa trên “kết luận của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế” đưa ra từ cuối tháng 4/2013.

Vắc-xin Quinvaxem hiện đang sử dụng ở 90 quốc gia. Đây là vắc-xin có giá thành thấp (gần 100.000 đồng/liều) song có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên có thể gây phản ứng tại chỗ sau tiêm, thường là sốt, sưng đỏ chỗ tiêm và nặng hơn là sốc phản vệ, trong khi các vắc-xin phối hợp mới chứa thành phần ho gà vô bào nên ít gây phản ứng.

Tại Việt Nam, sau những vụ tai biến cuối năm 2012, mới đây, lại có thêm nhiều trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem.

Vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem được đưa vào chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng từ tháng 6-2010, tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Vắc-xin này do Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam đến hết năm 2015. Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam nhập về gần 15 triệu liều và đã sử dụng hơn 11 triệu liều.

Có trẻ chết mới tăng cường giám sát

Trước đó chỉ trong vòng nửa tháng (từ ngày 20/12/2012 đến 5/1/2013) đã xảy ra 5 trường hợp trẻ (từ 1-3 tháng tuổi) tử vong do phản ứng sau tiêm chủng tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội.

Khi đó Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các vắc - xin dùng trong tiêm chủng được phép lưu hành tại Việt Nam đều đạt yêu cầu về tính an toàn và công hiệu. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng vắc - xin vẫn có thể xảy ra các trường hợp phản ứng. Thế nhưng đến hơn 1 tháng sau Bộ Y tế mới đưa ra văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát phản ứng sau tiêm chủng để phát hiện sớm và xử trí các tai biến xảy ra sẽ góp phần làm giảm diễn biến nặng các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Đồng thời thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế.

9 trẻ bỏ mạng, Bộ Y tế mới quyết định ngừng sử dụng văc-xin Quinvaxem 2
Vắc xin Quinvaxem được tăng cường giám sát sau khi hây hại chết 5 trẻ nhỏ

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các Sở Y tế phải chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các hoạt động về tiêm chủng an toàn trên địa bàn: Bảo đảm việc thực hiện sử dụng, bảo quản, phân phối vắc-xin, sinh phẩm y tế sử dụng trong tiêm chủng theo đúng quy định.

Quyết định đó đã được đánh giá là chậm chạp. Khi đó TS Trần Hữu Thăng, Phó Chủ tịch Tổng hội y tế Việt Nam bức xúc: “Chúng tôi cũng muốn Bộ Y tế, Sở Y tế phải quyết liệt đáp ứng ngay sự thắc mắc của người dân. Mỗi động tác chần chừ sẽ làm cho người dân hoang mang, mất lòng tin và có hại cho ngành y tế”.

Đây quả là một điều đáng tiếc. TS Thăng lý giải: “Tiêm chủng mở rộng là thành tựu vĩ đại nhất để nước Việt Nam tự hào được với thế giới. Cũng không có một nước nào phải bỏ nhiều tiền như vậy để cứu mấy chục thế hệ không còn ai mặt rỗ…Thành tựu vĩ đại của cả nền y tế là tiêm chủng mở rộng”, TS Thăng nói.

Để bảo vệ thành quả này, TS Thăng cũng như nhiều chuyên gia y tế khác bày tỏ sự tiếc nuối về sự phản ứng chậm chạp của Bộ Y tế trong thời gian qua.

Theo TS Thăng, mọi động tác chần chừ của Bộ Y tế sẽ làm dân hoang mang và có thể dẫn đến nguy cơ cho sự nghiệp tiêm chủng hiện nay.

Chia sẻ