8X Trung Quốc trải lòng

,
Chia sẻ

Một bạn đọc Trung Quốc đang sống và học tập tại Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về cuộc sống và sự khác biệt của thế hệ mình, một thế hệ kết nối giữa cổ và kim.

Đôi vợ chồng 8X ở Trung Quốc dù đã “tam thập nhi lập” nhưng anh chồng vẫn mê chơi game - Ảnh: CNSPhoto

Tôi sinh năm 1980, trải qua tuổi thơ trong những năm 1980. Tôi nhìn thấy quả cầu lửa của tàu con thoi Challenger vào một ngày đầu năm 1986. Tôi nghe tiếng súng vang lên từ quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6-1989. Tôi là một người thuộc thế hệ 8X đích thực, một thế hệ khá đặc biệt.

Nếu muốn biết tại sao thế hệ 8X Trung Quốc là một thế hệ đặc biệt, chúng ta phải xét từ những người sinh ra họ. Ba mẹ của thế hệ 8X đều ra đời vào những năm 1950, bước vào thời thanh xuân năm 1966, khi cuộc Cách mạng văn hóa bắt đầu lan tràn trên cả nước.

Lứa thanh niên này bị cuốn hút bởi lời kêu gọi của Chủ tịch Mao Trạch Đông, kết quả là hàng triệu thanh niên đã hưởng ứng và xung phong đi đến vùng biên, vùng xa để “cải tạo tư tưởng” của mình. Mẹ tôi đến đồng cỏ của vùng biên Nội Mông giáp Mông Cổ và sống ở đó tám năm, ba tôi đến miền đông bắc mênh mông hoang vu và cũng sống ở đó tám năm. Những năm đẹp nhất trong cuộc đời cứ thế trôi qua cùng với tương lai của họ. Họ đã đánh mất cơ hội học tập, làm việc, phát triển sự nghiệp của mình. Thật trớ trêu, ở Trung Quốc lứa thanh niên này được gọi là “thanh niên trí thức”.

Năm 1976, cuộc Cách mạng văn hóa kết thúc, những “thanh niên trí thức” trở lại thành phố và bắt đầu thích ứng lối sống đô thị. Họ làm việc, lập gia đình. Mấy năm sau, đến lúc họ bắt đầu sinh con và định gửi hi vọng vào con mình, chính phủ lại đưa ra chính sách kế hoạch hóa sinh sản, quy định mỗi đôi vợ chồng chỉ được sinh một con.

Cả thế hệ 8X Trung Quốc đã trở thành thế hệ con một. Ba mẹ của họ, những người không có điều kiện phát triển sự nghiệp, mơ ước của mình, trút hết mọi hi vọng vào đứa con duy nhất. Họ muốn thực hiện mơ ước của mình thông qua con cái. Nếu mơ ước của họ là trở thành nghệ sĩ dương cầm thì họ sẽ mua một chiếc đàn piano và bắt con mình luyện tập mỗi ngày năm giờ.

Nếu họ muốn trở thành người giàu có, mỗi ngày họ sẽ kể cho con mình nghe những câu chuyện của người thành đạt và mong rằng một ngày nào đó đứa con duy nhất sẽ mang về một đống tiền và một chiếc xe hơi - biểu tượng của tầng lớp thượng lưu đối với nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ “thanh niên trí thức”.

Họ phớt lờ ý muốn của con cái, họ tin tưởng một cách chân thành rằng họ làm tất cả những việc này nhằm tạo hạnh phúc cho con. Điều đáng buồn nhất là những bậc cha mẹ đó không tự thực hiện mơ ước của mình, mặc dù họ chưa già đến mức không còn cơ hội. Họ luôn có cớ và đổ thừa cho Cách mạng văn hóa.

Dưới áp lực này, nhiều trẻ con của thế hệ 8X gặp một số vấn đề trong quá trình trưởng thành. Có đứa tự chặt ngón tay để được miễn nghĩa vụ tập chơi piano, có đứa tự tử vì cha mẹ không cho thi vào chuyên ngành đại học mà nó thích. Trừ những trường hợp cực đoan, những mâu thuẫn sâu sắc giữa cha mẹ và thanh niên thuộc thế hệ 8X khá phổ biến trong xã hội Trung Quốc hiện nay.

Có thể nói một phần mơ ước và tương lai của thế hệ 8X Trung Quốc cũng bị phá hoại như cha mẹ của họ. Trong mắt người khác, thế hệ 8X là những thanh niên được cha mẹ chiều chuộng, là đối tượng khiến nhiều người ganh tị. Đồng thời thế hệ 8X bị gắn nhiều tội danh như ích kỷ, thiếu tinh thần làm việc theo nhóm. Khi nào họ làm trái ý ba mẹ và đi theo con đường của mình thì sẽ bị chỉ trích là bất hiếu, không biết ơn cha mẹ...

Đến lúc họ sắp bước vào tuổi 30, khi mà họ đã có thể tháo gỡ được cái vòng kim cô của cha mẹ, muốn đi theo con đường của mình và thực hiện lý tưởng của mình, họ lại bị cho là “tam thập nhi bất lập”.

Cái gì mới được gọi là “lập”? Là đi theo con đường đuổi theo vật chất như nhiều người trong xã hội, hay là dám nói không với những gì được phần lớn xã hội cho là đạo đức mà bản thân mình coi là phi lý? Tôi muốn biết Khổng Tử, người đã đưa ra quan niệm “tam thập nhi lập”, sẽ giải thích như thế nào nếu ông sống ở thời đại hiện nay!
 
Theo Chuc Xin 
Tuổi trẻ
Chia sẻ