3 lần “phát cuồng” ở Viện Nhi Trung ương

Theo VietNamNet,
Chia sẻ

Sau 3 lần “dại dột” đưa con đến viện Nhi, tôi đã tự nhủ, thề chết cũng không bao giờ quay lại đây nữa…

"Con chị đã chết đâu mà chị cuống lên thế!"

Con gái tôi năm nay 2 tuổi, từ nhỏ đến lớn, ngoại trừ tiêm phòng và sốt mọc răng vặt vãnh, chưa bao giờ tôi phải đưa con gái đi viện. Ai cũng bảo, sữa mẹ tốt, mẹ chăm con giỏi. Một số bà mẹ kinh nghiệm hơn thì dặn dò “sau 2 tuổi sẽ hay ốm hơn, nhất là khi đi gửi trẻ, em phải đề phòng chú ý, làm quen dần với bác sĩ tư đi”. Nhưng tôi vô cùng tự tin vào khả năng chăm sóc con cái của mình. Cho đến một ngày…

Con gái tôi đi trẻ về lúc 4h, đến khoảng 8h tối thì con bắt đầu kêu đau bụng. Một đứa trẻ 2 tuổi, sao đã ý thức được đau bụng là thế nào? Tôi vội tra Google kiểm tra dấu hiệu của lồng ruột. Không phải. Con bắt đầu những cơn đau dữ dội hơn, rồi nôn mửa. 

Tôi nghĩ con bị cảm tả, vội pha nước đường gừng nóng ép con uống vài thìa. Không phải. Con vẫn tiếp tục nôn. 11h đêm. Người con gái oặt xuống, uống nước cũng nôn. Tôi gọi bà ngoại sang giúp đỡ. 11h30, cháu nôn ra máu. Cả nhà vừa khóc vừa bế con lao vào Viện Nhi.

3 lần “phát cuồng” ở Viện Nhi Trung ương	 1
Nằm chờ khám ở Viện Nhi. (Ảnh: Hải Bình)

Chưa bao giờ vào bệnh viện này, tôi còn không rõ phải đi cổng nào, lối nào trong đêm khuya. Bệnh viện không có chỗ đỗ ô tô, tôi cho xe vào một ngõ nhỏ, cắn răng trả cho mấy cậu choai choai đứng cạnh đó 150 nghìn tiền phí gửi ô tô ban đêm. Mặc kệ. Vì con, tiếc gì tiền. Lao vào viện mua phiếu khám cho con. 

12h đêm. Viện đông nghịt người. Ngập tiếng trẻ con khóc. Những khuôn mặt căng thẳng của bố mẹ, ông bà. Ở quầy mua phiếu khám bệnh, vài y tá mặc áo blouse trắng ngáp ngắn ngáp dài uể oải. Tôi lao đến “chị cho em mua phiếu khám cho con”. Một cô trẻ trung hất khuôn mặt xinh xinh lên phía bảng chữ dán thông báo phí khám bệnh. Tôi hiểu ý, chìa số tiền ra, cầm sổ, cầm số thứ tự khám, ôm con lao vào phòng chờ.

Tôi còn nhớ rõ, số thứ tự của con là 202. Lúc này, cháu bé đang khám trong phòng là 199. Con gái tôi vẫn tiếp tục nôn. Nhưng 1h sáng, vẫn chưa thấy số 199 mới nhảy lên số 200. Lí do vì sao ư? Vì trong lúc đó, hàng chục lượt cháu bé chen ngang vào giữa. Con gái tôi đã không thể bế đứng được nữa, phải cho cháu nằm ngang trên lòng bà. 

1h30, không thể chịu đựng thêm, tôi lao vào phòng khám, xin bác sĩ khám cho con tôi. Cô y tá hỗ trợ bác sĩ nói một câu gọn, nhanh và lạnh: “Chưa đến số thứ tự của chị, con chị đã chết đâu mà chị cuống lên thế”. Tôi bật khóc đi ra ngoài, bên cạnh, có bác đứng tuổi tỏ ra thông cảm: “Cháu đã phong bì chưa”…

Rút cục thì con tôi cũng được khám, phải đi siêu âm. Đến phòng siêu âm của viện, lúc này trời đã rất khuya và lạnh, con gái tôi gần như không tỉnh táo nữa ngoài việc nôn và khóc. Phòng siêu âm có 3 giường, 1 giường đang có cháu siêu âm, 2 giường còn lại có 2 bác sĩ nam đang ăn hoa quả. Một trong hai bác sĩ gắt lên: “Chị bảo con bé im mồm đi mới siêu âm được”. 

Con gái tôi vẫn khóc. Dỗ mãi không sao nín được vì cháu mệt quá, không thể tiếp nhận thêm lời mẹ nói. Có kinh nghiệm từ phòng khám bệnh, tôi xử lý được ngay. Và con được siêu âm. Lại xử lý theo cách cũ. Lại có kết quả ngay. Hùng hục quay lại phòng khám chờ đọc kết quả.

3h sáng. Có kết quả. Con gái tôi bị nhiễm khuẩn đường ruột, lây theo dịch, muốn nhập viện hay không thì tùy người nhà quyết định. Đến khu giường nằm điều trị, nhìn một giường 5, 6 cháu nằm kèm với 5, 6 bố mẹ phờ phạc bên cạnh. Ngoài hành lang, hàng chục em bé đang nằm chiếu lạnh với bố mẹ do không có đủ giường trong phòng, tôi ứa nước mắt bế con về xin được điều trị ở nhà…

“11h là bọn em nghỉ chị ạ"

Lần thứ 2, bạn bè trên Facebook đã khuyên tôi sau lần 1 là lần sau hãy vào khoa A, khoa tự nguyện của viện Nhi, sẽ được thăm khám chu đáo dù giá đắt. Ừ thì vì con, tiếc gì tiền. Mình khổ sao cũng được, nhưng con đã ốm thì mình chả tiếc gì. 

Lần này, con gái tôi sốt 40 độ. Hạ sốt bằng cách dùng thuốc uống lẫn đặt hậu môn đều không ăn thua. Tôi chuẩn bị tiền rồi bế con vào khoa A, viện Nhi. Lúc này, đến viện, con tôi đã sốt 40,5 độ. Cháu bắt đầu mê sảng. Tôi mạnh tay nhét 2 viên thuốc hạ sốt vào hậu môn của con vẫn không thấy có dấu hiệu giảm.

Chạy dọc hành lang bệnh viện đang sửa chữa với loằng ngoằng dây điện, bê tông, xi măng, tôi lao vào phòng khám khoa A. Phòng khám tự nguyện có khác, sạch đẹp, đèn sáng choang, khác hẳn cái hành lang bẩn bẩn, ẩm thấp bên ngoài. Duy chỉ có mấy cô y tá ngồi trực là vẫn uể oải như cũ. Các cô ngồi trong phòng xịn nên cô nào cũng xinh lung linh, son môi đỏ chót. Tôi chọn cô trẻ nhất để đăng ký khám (đề phòng bị cáu gắt như lần trước nên cứ chọn cô trẻ để xưng chị cho đỡ bị bắt nạt). 

Cô trẻ nhất đủng đỉnh chỉ đồng hồ: “Chị ơi, giờ cấp cứu của bên em kết thúc lúc 6h tối, sau giờ này bọn em không tiếp nhận nữa”. Tôi năn nỉ chỉ rõ mới 18h05, xin cô linh động cho con được khám vì cháu đã bị mê sảng rồi, tình hình rất nguy hiểm, dấu hiệu co giật cũng bắt đầu. Nhưng không, cô kiên quyết không nhận. 

Tôi lủi thủi đưa con về, chạy bộ trên đường Chùa Láng, đi tìm phòng khám tư ngay vệ đường, xin bác sĩ một loại thuốc nào đó cho con đỡ mê sảng và không co giật, tạm an toàn rồi đưa con về, mời bác sĩ đến khám và điều trị tại nhà, lòng tự nhủ sẽ không bao giờ quay lại nơi đó nữa…

Nhưng rồi, vẫn có lần thứ 3 tôi phải quay lại viện Nhi. Lần này, con gái tôi bị tay chân miệng. Đọc báo nhiều, xem ti vi lắm, tôi ý thức rõ đây là bệnh nguy hiểm với trẻ con. Quan trọng nhất là cháu có dấu hiệu nguy hiểm là khó thở. 

Vì là bệnh nguy hiểm, lại có triệu chứng bất ổn quá rõ, tôi không dám cho đến phòng khám hay các bệnh viện khác, nhất định phải vào Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi người ta nói rằng, những chuyên gia hàng đầu về chữa Nhi đang ở đây. Và tôi vẫn mạnh dạn vào khoa A, tự tin lắm vì mới 11h15 buổi trưa, chắc chắn còn lâu mới hết giờ tiếp bệnh nhân.

Lại 4, 5 cô y tá xinh đẹp tiếp tôi. Và lần này, câu trả lời xanh rờn hơn cả lần trước, vượt quá sức tưởng tượng của tôi: “11h là bọn em nghỉ chị ạ. Sau đó 12h30 mới có bác sĩ khám lại. Mà chỉ có một bác sĩ vào giờ đó thôi, chủ yếu là đọc kết quả khám buổi sáng, sau đó mới đến con chị, nhanh thì 1 tiếng, lâu thì 1 tiếng rưỡi”. 

Tôi gào lên: “Nhưng con chị đang khó thở”. Cô ấy và tất nhiên cả những cô còn lại im lặng, dửng dưng. Bất lực, tôi bế con chạy sang một viện khác. Và lần này, chính thức thề không bao giờ quay lại viện Nhi nữa.

Ra đến cổng viện, anh lái taxi Mai Linh rất thông cảm: “Chị có tiền vào khoa A thì thà cầm số tiền đó sang Việt Pháp hoặc đến mấy viện khác, vào khoa Nhi rồi phong bì thì nhanh hơn, lại tận tình với con mình. Ở đây, chị cũng phong bì đấy, nhưng vẫn coi mình là cỏ rác mà thôi”.

Và tôi đã làm đúng những lời anh taxi kinh nghiệm kia chỉ dẫn. Và đúng như thế. Kể lại chuyện cho mấy chị em ở cơ quan, ai cũng cười tôi vì sự ngây thơ với Viện Nhi. Hóa ra, nhiều năm nay, trẻ em ở Viện Nhi vẫn bị đối xử như thế. Bố mẹ các cháu đều có chung cảm giác giống tôi. Mỗi người sẽ lựa chọn một cách xử sự khác tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.

 Có cô bạn ở cơ quan, cùng tuổi tôi, cho con nằm khoa A viện Nhi 1 tháng điều trị ho, còn tốn 100 triệu tiền phí dịch vụ. Ai cũng chúc mừng tôi vì mấy lần cấp cứu cho con, đều không đúng giờ mà nhập viện. Nhập viện xong, chắc bán nhà, bán xe đi để trả viện phí. Còn tôi, hay vì tôi mới 26 tuổi, nên một câu hỏi cứ ám ảnh tôi mãi đến giờ phút này “Y đức của những bác sĩ tại Viện Nhi của cả nước ở đâu”? Và như con gái tôi, hàng nghìn, hàng trăm nghìn em bé đang phải chịu cảnh như vậy sao?
Chia sẻ