Dân mạng dậy sóng vì phát ngôn "ngoại tỉnh làm bẩn Hà Nội”

Tổng hợp,
Chia sẻ

Bài viết về một phụ nữ tự xưng là người gốc Hà Nội lên tiếng chê bai về “dân tỉnh ngoài làm bẩn Hà Nội”, đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận và cộng đồng mạng, nhất là với người ngoại tỉnh đang sống ở Thủ đô.

Phát ngôn gây sốc

Người phụ nữ tự nhận mình là gốc Hà Nội nhà ở khu Phúc Tân, bà đưa ra những lời nhận xét mọi mặt từ cách ăn ở, đi lại, nói năng, văn hóa sống của người ngoại tỉnh đã làm “bẩn” Hà Nội theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
 
Bà cũng lấy những dẫn chứng cụ thể như việc xung quanh khu nhà bà ở chỉ có mỗi mình nhà bà là Hà Nội gốc còn lại toàn người ngoại tỉnh về ‘xâm chiếm”. Họ vứt rác bừa bãi, ăn nói lốc cốc, bất lịch sự, ồn ào. Với bà những người ngoại tỉnh là những kẻ xâm chiếm và làm biến mất đi một Hà Nội cổ kính, sạch sẽ, thanh lịch.
 
Theo người phụ nữ này, cái mà người ngoại tỉnh làm “bẩn” Hà Nội nghiêm trọng nhất chính là các cô gái này hay ăn mặc hở hang, đầu nhuộm xanh đỏ, lếch thếch, nói cười hô hố. Rồi chuyện trò cãi thầy, học sinh đi nhà nghỉ… đều bắt nguồn từ dân tỉnh lẻ gây ra.
 
Bà tỏ ra lo ngại cho 2 cậu con trai quý tử được giáo dục nền nếp, “không biết đi chơi tối”, “đi học là về thẳng nhà, ăn cơm xong lại học bài rồi đi ngủ”. Con trai 24 tuổi nhưng bà vẫn mua quần áo cho mặc.
 
Cộng đồng mạng phẫn nộ, dân ngoại tỉnh lên tiếng
 
Những phát ngôn thuộc dạng gây sốc này đã tạo nên làn sóng phản ứng gay gắt trong cộng đồng mạng. Rất nhiều forum, diễn đàn, các trang facebook đã cop lại bài viết này và bình luận sôi nổi. Hầu hết, trong số đó đều tỏ ra bất bình trước những nhận xét của người phụ nữ kể trên.





Những ý kiến phản pháo trên Facebook (Ảnh chụp màn hình)

Nickname có tên Minh Nhi cho rằng người phụ nữ kể trên quá phiến diện, thiển cận khi nói những lời “cay độc” về người ngoại tỉnh: “Chúng ta cùng là người Việt Nam, cùng là con người sống trên trái đất này tại sao lại phân biệt và tốn thời gian vào những việc vô nghĩa như vậy. Cô Minh và các bạn ủng hộ cô thật đáng thương. Vì mọi người suy nghĩ thật chật hẹp trong 1 phạm vi địa lý nhỏ xíu là Hà Nội.

Nếu các bạn có cơ hội đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng cao của tổ quốc các bạn sẽ rơi nước mắt khi thấy đồng bào mình sống thật lam lũ, vất vả ... Các bạn sang châu Âu hoặc nước Mỹ các bạn sẽ thấy cộng đồng của họ sống văn minh và giầu có để cảm thấy thương cảm cho đất nước của mình đang trong thời kỳ phát triển.

Tôi chỉ muốn nói rằng: mọi người hãy sống vị tha và nhân ái hơn, nếu có điều kiện thì hãy giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình chứ đừng kỳ thị và phân biệt một cách thiển cận và nực cười như vậy.

Trên facebook, một bạn trẻ tên Quỳnh Nhi nhận xét: "Cách sống là do mỗi người. Sống ở đâu ảnh hưởng gì? Suy nghĩ của cô này quá lệch lạc, mà người Hà Nội thật cũng chẳng ai suy nghĩ như cô cả. Chắc gì cô đã là người Hà Nội gốc?"


Và trên các diễn đàn khác (Ảnh chụp màn hình)

Một số người ngoại tỉnh đang sống và làm việc tại Hà Nội đã tỏ ra bức xúc và "phản pháo" lại khi đọc những nhận xét của người phụ nữ này.
 
Chị Bùi Thanh Trang – người Thái Nguyên đã có 12 năm học tập và công tác tại Hà Nội bực dọc nói: “Đọc bài báo xong, tôi thấy người phụ nữ này quả là "ấu trĩ”, có lẽ vì bà đã ngoài 50 tuổi, cũng không đi đâu ra khỏi Hà Nội nhiều nên bà hoài niệm, tiếc thương một Hà Nội xưa “sạch sẽ và thanh lịch”.

Nhưng bà cũng phải hiểu, cuộc sống cần phải vận động để đi lên, Hà Nội cũng phải phát triển chứ. Nếu chỉ có những người ngồi tiếc Hà Nội như bà thì ai sẽ nuôi Hà Nội, ai sẽ xây dựng Hà Nội đây?”.
 
Còn cô Bùi Thu Thủy, 40 tuổi, người gốc Hải Dương, đã sống ở Hà Nội ngót nghét 20 năm ngao ngán với cách dạy con mà người phụ nữ gốc Hà Nội tự cho là “chuẩn mực”: “Tôi không hiểu bà ấy đang dạy con hay là hại con. Con trai lớn 24 tuổi mà không biết tự mua quần áo để mặc. Bà cho rằng con cái ngoan là đi học là về thẳng nhà, ăn cơm, học bài rồi ngủ. Ngày hôm sau lặp lại chu kỳ như thế, không cần phải giao lưu với xã hội, bạn bè. Tôi nghĩ dại chứ lúc này bà còn trẻ khỏe, còn có tiền, có sức bao bọc các con thế. Chứ tới lúc ốm đau, con bà khéo cũng ngồi… ăn vạ ra đó vì không biết làm gì…”
 
Tuy nhiên, bên cạnh đa số ý kiến tỏ ra bất bình và phẫn nộ, thì cũng có những ý kiến bình tĩnh hơn, cho rằng người phụ nữ này nói cũng không sai. Chị Trần Thu Hằng, người gốc Thái Bình tỏ ra thông cảm: “Mình lấy chồng là người Hà Nội gốc đây, ban đầu cũng mệt mỏi về sự tự hào hơi thái quá của nhà chồng về gốc gác Thủ đô.
 
Nhưng sống lâu mình mới biết họ quá yêu Hà Nội, yêu sự cổ kính, nền nếp một thời của Thủ đô nghìn năm. Rồi xã hội phát triển, họ lại gặp phải nhiều người ngoại tỉnh “xấu” quá, như kiểu trọc phú bán đất ở quê mua nhà thành phố, rồi dân làm ăn buôn bán, ít học, ý thức kém…, nên bị ấn tượng không tốt, thành thử họ sợ và nhìn nhận như thế. Mình nghĩ cái này cần phải có thời gian và thay đổi cả về hai phía”.
Chia sẻ