16 năm cạn nước mắt tìm con

Theo Phunutoday,
Chia sẻ

Một nông dân lập trang web để tìm đứa con gái bị bắt cóc cách đây 16 năm, khi bé mới 5 tuổi.

Buổi chiều định mệnh

Người cha tội nghiệp tên Nguyễn Minh Châu (Sáu Châu), năm nay 45 tuổi, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Từ TP.HCM về nhà anh phải băng qua tỉnh Long An, về Tiền Giang rồi theo những con đường ngoằn nghèo ở vùng quê hẻo lánh. Sau hơn 3 giờ đi bằng xe gắn máy, chúng tôi cũng tìm được tới nhà anh Châu ở một con đường làng trồng đầy dừa gần con sông nhỏ.

Theo lời kể của anh Châu, đứa con bị bắt cóc của anh tên Nguyễn Thị Trường An, sinh ngày 26/3/1990. Từ nhỏ, Trường An đã rất thông minh và lém lỉnh.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Châu kể lại rành mạch từng chi tiết ngày bé An mất tích. Đó là ngày 9/1/1996, anh Châu và nhóm thợ hồ ra con sông nhỏ gần nhà để vận chuyển vật liệu xây dựng sửa lại ngôi nhà. Bé An lúp xúp chạy theo chân cha, xem mấy chú vác cát, đá từ dưới ghe lên bờ. Xế trưa, anh Châu còn sai bé Trường An xách phích nước đi lấy nước đá. Tính nghịch ngợm, An chỉ cầm ra bên ghe mỗi lần một cục nước đá nhỏ xíu. Anh Châu còn nhớ rõ câu nói cuối cùng mà mình nói với con: “Sao con không lấy nhiều? Cha đét vài roi bây giờ!”.

Anh Nguyễn Minh Châu.

Bé An giả vờ phụng phịu rồi xin anh Châu chạy đi chơi với bé Phan Thị Diễm My (sinh năm 1991). Bé My là con của chị Phan Thị Phê, chị bà con của anh Châu. “Tôi không ngờ, đó là lần cuối cùng còn nhìn thấy con mình”, anh Châu nói mà mắt rơm rớm nước mắt.

Đến giờ cơm chiều, cả bé An và bé My đều không về nhà. Bình thường, các bé chỉ chơi loanh quanh gần nhà, ít khi đi đâu xa. Hơn nữa, cái xóm chừng chục căn nhà, thời điểm đó cũng chỉ có mấy con đường đất nhỏ xíu, muốn đi đâu xa cũng chẳng có chỗ để đi. Cả hai gia đình anh Châu và chị Phê nháo nhác đi tìm khắp xóm nhưng không ra tung tích 2 đứa bé. Lực lượng công an xã, huyện, tỉnh cũng có mặt tại địa phương để truy tìm. Nghi 2 cháu bị té sông, hàng trăm người được huy động, dùng lưới cá rà hết cả khúc sông nhỏ. Cứ mỗi lần kéo trúng rong rêu làm nặng lưới, tim anh Châu như thắt lại vì sợ nằm trong lưới là thi thể con mình. Dù thất vọng nhưng anh Châu vẫn nuôi hy vọng sẽ tìm được con gái.

Mọi người cứ kéo đến nửa đêm, cả đoạn sông bị quần đục ngầu mà chẳng có tung tích gì. Sáng hôm sau, mọi người lại tập trung kéo lưới gần cả ngày mà không có kết quả gì. Suốt mấy ngày hôm sau, vợ anh Châu là chị Mạch Thị Mỹ Bình khóc sinh bệnh, nằm mẹp một chỗ. Nhiều ngày liền, công an vào cuộc, lấy lời khai một số người nhưng không có kết quả. Nhiều người trong xóm xót xa khi thấy anh Châu cứ như người vô hồn, lang thang hết đầu trên xóm dưới tìm con. Có lúc, đi dọc theo bờ sông, có khi ngồi bệch xuống đất nhìn dòng nước hàng giờ liền bằng đôi mắt sầu thảm.

Những cuộc tìm kiếm bất thành

Một tuần trôi qua, giả thiết 2 bé té sông chết đuối không còn nữa. Mọi người xác định cả hai bé bị bắt cóc. Hai gia đình anh Châu và chị Phê sau đó bắt đầu đi tìm ở những nơi xa hơn, ban đầu là trong huyện, rồi trong tỉnh, ra miền Đông Nam bộ, về miền Tây để tìm. “Cứ nghe ở đâu tìm được trẻ lạc, chúng tôi cũng tìm tới xem có phải con mình không”, anh Châu kể. Cứ gom góp được ít tiền, hai gia đình mất con lại chia nhau đi tìm con. Thông tin tìm trẻ lạc cũng đăng liên tục trên báo và đài truyền hình nhưng cả hai đứa bé vẫn bặt vô âm tín. Nhiều lúc hết tiền mà nghe có manh mối, anh Châu và chị Phê lại vay mượn khắp nơi để có tiền làm lộ phí.

Bé An chụp chung với gia đình.

Theo lời kể của anh Châu, chuyến đi tốn kém nhất là sang tận Campuchia để tìm con. “Lúc đó chúng tôi cũng chẳng còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ được gì. Nghe người ta bày qua đó tìm, chúng tôi lấy ảnh các bé phóng lớn ra hàng trăm tấm, cứ vậy rồi thuê người dò la. Nhiều ngày ở Campuchia cũng chẳng có kết quả gì, mọi người đành khăn gói về nước”, anh Châu nhớ lại.

Sau chuyến đi đó, cứ lúc nào trong nhà gom được chút tiền, có khi người thân cho mượn là anh Châu cứ lang thang xách chiếc xe gắn máy và mấy bộ đồ đi tìm con. Cùng hoàn cảnh, người chị của anh cũng một thân một mình đi tìm bé My. Sau gần một năm tìm kiếm không có kết quả, họ giật mình khi tổng kết số tiền chi ra để đi tìm lên đến gần 50 triệu đồng – lúc đó là cả một gia tài. Đến lúc này, cả anh Châu và chị Phê đành phải từ bỏ ý định đi tìm con, mỗi người lại phải lo làm lụng để trả nợ. Thỉnh thoảng, họ lại đăng tin trên báo, gửi thông tin cho đài truyền hình và các viện mồ côi nhưng không có kết quả…

Bé An lúc 5 tuổi.

Kể lại câu chuyện, giọng anh Châu đượm buồn: “Từ ngày bé An bị mất tích đến nay, tôi chỉ biết lao đầu vào công việc cho nguôi nỗi nhớ con. Bây giờ, nhà cửa khang trang, nhìn 2 đứa nhỏ nô đùa tôi lại nhớ đứa lớn đứt ruột. Sau khi bé An mất tích, 5 năm sau vợ chồng tôi sinh thêm bé út, gương mặt giống chị như đúc làm tôi càng nhớ con hơn. Bây giờ, nó đã hơn 20 tuổi rồi…

Theo lời anh Châu, nhiều năm sau đó công an tỉnh vẫn chưa bỏ cuộc truy tìm tông tích 2 đứa bé. Lần gần đây nhất, công an đến xã vào năm 2008 để lấy lại lời khai của gia đình anh và chị Phê. Tuy nhiên, vẫn chưa có thêm manh mối nào về tung tích 2 bé.

Bé Phan Thị Diễm My chụp lúc 5 tuổi.

Gần đây, anh Châu nhờ đứa cháu lên mạng internet, tạo cho mình trang web tìm con. Trang web chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “Con tôi sinh năm 1990, bị bắt cóc từ cuối năm 1995. Gia đình tôi tìm kiếm con tôi bao năm nay cùng với sự giúp đỡ của báo đài nhưng vẫn bặt vô âm tín. Giờ tôi đành gửi gắm chút hy vọng mong manh qua trang web này”. Phía dưới là mấy tấm ảnh của bé An lúc nhỏ và dòng địa chỉ của người cha khốn khổ. Chị Mạch Thị Mỹ Bình - mẹ bé An từ đó đến nay thỉnh thoảng lại khóc vì nhớ con. Người đàn ông trụ cột trong gia đình cũng không còn nước mắt để mà khóc.

Anh Châu nói, dẫu biết tìm con vô vọng nhưng anh không thể không tìm. Anh sẽ tìm con cho đến khi nào không thể đi nữa mới thôi. Anh tin rằng, ở một nơi nào đó, bé vẫn đang sống và cũng ngóng tin cha mẹ bé. Bé Trường An không có đặc điểm riêng. Bé Diễm My lúc 4 tuổi, trong lúc nô đùa bị một đứa bé cầm chĩa đâm cá chọc vào mặt, tạo thành vết sẹo hình tròn nhỏ như hạt tiêu nằm giữa đầu chân mày bên phải và sống mũi.

Bắt con để tránh cuộc trùng phùng?

Lần theo diễn biến của câu chuyện, những người trong cuộc ai cũng thấy rằng bé Trường An mới là đối tượng chính của vụ bắt cóc, còn bé My có thể đã bị vạ lây. Theo lời kể của chị Phê – mẹ bé My, chị có người chồng tên Nguyễn Đức Thắng. Ngày 29.4.1975, anh Thắng cùng nhiều người khác lên tàu vượt biên sang Mỹ. Thời điểm đó, chị Phê vừa mới sinh con tên Nguyễn Đức Thành. Cả anh và chị cùng thống nhất chỉ để mình anh đi, vì phương tiện vượt biển quá thô sơ, nếu cùng đi rất nguy hiểm cho cháu bé. Chị Phê ở lại, đinh ninh vào lời hứa của anh Thành sẽ có ngày quay trở về. Xứ lạ quê người, anh Thắng làm đủ nghề để sống. Thời gian đầu, chị Phê vò võ nuôi con trong đau khổ vì bặt tin anh. Nhiều năm sau, khi cuộc sống đã ổn định, anh Thắng tìm cách liên lạc với vợ con ở quê nhà.

Những năm 90, anh Thắng nhiều lần quay lại Việt Nam. Anh thú nhận với vợ, khi sang Mỹ một thời gian, anh có qua lại với một người phụ nữ khác. Người phụ nữ này không hề biết gì chuyện anh đã có vợ con ở quê nhà. Rất buồn vì nghe những lời nói thật của chồng, chị Phê chỉ lặng lẽ khóc chứ không trách hờn gì anh. Theo lời anh Thắng kể lại, anh cũng đã thú nhận sự thật với người vợ sau ở Mỹ. Người này cũng sốc trước thông tin anh đã có vợ…

Để bù đắp lại cho vợ cũ, anh Phê bàn tính với chị là sẽ bảo lãnh cho con trai của hai người được sang Mỹ để có công việc tốt hơn, gửi tiền về nuôi mẹ. Đồng ý với dự định của chồng, chị Phê xin một đứa con nuôi để đỡ trống trải. Người con nuôi được đặt tên Phan Nguyễn Diễm Mi - theo họ chị Phê.

Các thủ tục bảo lãnh cho anh Nguyễn Đức Thành (lúc này đã 20 tuổi) sang Mỹ sắp hoàn tất, người vợ sau của anh Thắng hay tin, từ Mỹ bay về Việt Nam. Ngày phỏng vấn lần cuối của anh Thành được ấn định vào giữa tháng 1/1996.

Bé My chụp với mẹ (chị Phan Thị Phê).

Bất ngờ, ngày 9/1/1996 xảy ra vụ bắt cóc bí ẩn. Phần vì đau buồn chuyện hai đứa em mất tích, phần lo sợ những bất trắc có thể xảy ra nơi xứ lạ quê người, anh Thành quyết định không dự phỏng vấn, từ bỏ ý định đi Mỹ đoàn tụ với cha.

Theo lời kể của những bị hại, trong buổi chiều phát hiện hai cháu bé mất tích, họ đã tìm những đứa trẻ khác trong xóm để hỏi thăm. Lúc này, bé Diễm (lớn hơn bé Trường An một tuổi) là bạn cùng chơi với An và Diễm cho biết, lúc chiều bé có nhìn thấy An, Mi đi lên đầu xóm. Diễm hỏi đi đâu, An và Mi còn khoe “Anh Nghĩa rủ lại nhà uống nước dừa”. Nghĩa năm đó 15 tuổi, là anh em cùng ông cố nội với với bé Trường An.

Đêm hôm đó, Nghĩa được công an triệu tập lên xã lấy lời khai. Tuy nhiên, không có chút đầu mối nào được tìm thấy. Bản thân bé Diễm cũng chỉ nghe An và My nói như thế, chứ không tận mắt thấy hai bé này tiếp xúc với ai…

Sau vụ mất tích, con trai cũng không chịu đi Mỹ, anh Thắng cũng ít về Việt Nam. Tìm con khắp nơi không được, chị Phê có lúc còn đem ảnh con đến nhờ thầy bùa, vẽ bùa rằn ri lên ảnh với hy vọng mong manh tìm ra cháu. Giờ đã bình tâm hơn, chị cười buồn bã: “Từ trước tới nay tui đâu có mê tín. Nhưng lúc quẫn trí quá, ai kêu gì cũng phải nghe theo…”.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Phê nhắc rất nhiều đến con mình. Chị nói, ngày trước hai mẹ con chị hay đi chơi với nhau. Gương mặt trẻ con trong ảnh mà chị con lưu giữ được chắc chắn có nhiều thay đổi. Chị nói, giúp đăng ảnh của chị lên báo:  “Gương mặt tui cũng không thay đổi gì nhiều. Suốt 15 năm, tui vẫn để một kiểu tóc này. Hãy đăng hình của tui lên báo. Con tui mà nhìn thấy, nhứt định nó sẽ nhận ra. Nó không quên tui đâu!

Hy vọng từ đất Campuchia

Sau khi trang web tìm con hoạt động, đã có rất nhiều độc giả khắp cả nước, kể cả ở nước ngoài gọi điện đến gia đình anh Châu chia sẻ nỗi đau, hiến kế và cung cấp thông tin với hy vọng anh Châu sớm tìm được con mình. Một số tờ báo mạng có uy tín ở Việt Nam cũng đã đến tận nhà anh để xác minh và đưa thông tin lên mặt báo khiến rất nhiều người biết được sự việc để chia sẽ cùng anh. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo đang tâm dựng lên những vở kịch để lừa tiền anh Châu vì biết rằng anh đang nóng lòng muốn biết tin tức của con gái. Anh Châu đã gom góp tiền bạc, thậm chí vay mượn người thân để đưa cho những kẻ táng tận lương tâm này chỉ với một mục đích duy nhất là tìm cho được con gái.

Theo lời anh Châu, khoảng tháng 3/2010, có một số điện thoại di động sử dụng mạng từ Campuchia gọi vào số di động của anh. Người đàn ông đầu dây bên kia tự xưng là Nguyễn Tiến Triển, đang là phóng viên thường trú tại Campuchia của một tờ báo. Triển nói rất xúc động khi đọc được thông tin anh Châu tìm con trên mạng và đã tình cờ phát hiện một cô gái làm nhân viên bán hàng trong một cửa hàng bán quà lưu niệm tại thành phố Siêm Riệp (Campuchia) có nét mặt rất giống với bé Nguyễn Trường An lúc nhỏ. Khi nghe Triển nói, anh Châu gần như lạc giọng vì xúc động. Anh đã lưu lại số điện thoại của Triển và đề nghị người này đừng tắt máy, vì anh sẽ sang Campuchia tìm con mình bằng mọi giá.

Vài ngày sau, ông Triển điện thoại hẹn gặp anh Châu tại An Giang để chỉ dẫn đường đi. Nhận được điện thoại lúc 3 giờ chiều, anh Châu cùng người chị của mình tức tốc đi xe máy từ Tiền Giang đến An Giang lúc 8 giờ tối để có mặt đúng giờ hẹn với ông Triển tại một căn nhà trọ nhỏ. Anh Châu miêu tả, người đàn ông tên Triển khoảng 40 tuổi, gương mặt hiền lành cùng đi với người phụ nữ mà anh nhận định là vợ ông ta. Tuy nhiên, khi gặp nhau, người phụ nữ đã lánh đi chỗ khác để ông Triển và anh Châu nói chuyện. Qua trao đổi, ông Triển giới thiệu mình hiện là một phóng viên và đưa ra nhiều giấy chứng nhận công tác, giấy giới thiệu. Ông Triển còn nói mình làm việc cho nhà nước, yêu cầu phải giữ bí mật. Trước những giấy tờ trên, anh Châu hoàn toàn bị thuyết phục.

Ông Triển bắt đầu kể, sau khi xem website của anh Nguyễn Minh Châu, ông rất xúc động và lúc nào cũng mong muốn nếu có cơ hội sẽ giúp cho anh Nguyễn Minh Châu tìm lại cô con gái. Trong một chuyến đi công tác tại thành phố Siêm Riệp (Campuchia), vô tình ghé thăm một cửa hàng bán quà lưu niệm, ông Triển thấy một cô gái khoảng chừng 20 tuổi tên Sau Nari đứng bán hàng có khuôn mặt giống Trường An. Triển còn nói, gặp anh Châu ngoài đời nhìn cô gái đó có nhiều điểm giống anh, nhất là đôi mắt buồn buồn.

Ông Triển kể, ông đã xác minh rất kĩ và biết cô gái này được một gia đình ở Siêm Riệp mua về từ một người đàn bà lạ mặt với giá 2 cây vàng. Lúc mới về bé khoảng chừng 5 tuổi và gia đình bà Cam có mướn một phụ nữ biết tiếng Việt làm vú nuôi. Bây giờ điều quan trọng là phải tìm gặp bà vú nuôi để hỏi thêm thông tin vì nếu xác định bằng cách thử AND sẽ rất phức tạp.

Trò làm tiền bẩn thỉu

Kết thúc câu chuyện, ông Triển hứa sẽ giúp anh Châu tìm kiếm người vú nuôi để khẳng định  sự việc và có gửi ảnh của bé gái cho anh Nguyễn Minh Châu xem. Anh Châu kể: “Càng nghe người đàn ông nói, tôi càng tin chắc đó là con gái mình”. Ngay ở lần gặp đầu tiên, anh Châu đã có niềm tin nên vét sạch số tiền mang theo khoản hơn 5 triệu đồng để đưa Triển. Nhiều lần sau đó, Triển yêu cầu chuyển mỗi lần vài triệu đồng qua tài khoản để có kinh phí đi lại. Lần cuối cùng, từ số điện thoại 00855.0978840… Triển yêu cầu anh Châu cầm 200 USD và lên cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh nhận những thông tin và hình ảnh mới nhất về bé Trường An. Nhiều lần đưa tiền nhưng người đàn ông tên Triển cứ nại hết lí do này đến lí do khác để trì hoãn việc cung cấp thông tin nên anh Châu sinh nghi. Đến khi đưa gần 20 triệu đồng, vẫn không thấy Triển đưa thêm thông tin gì, anh Châu đành tạm ngừng liên lạc vì bản thân cũng đã hết tiền.

Câu chuyện về ông Triển sau đó được anh Châu thông báo cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly...” (NCHCCCL). Anh Nguyễn Văn Linh, thành viên Đội Tìm kiếm - Chương trình NCHCCCL, tiếp nhận thông tin và đã liên lạc trực tiếp qua điện thoại với ông Triển để xác minh sự việc. Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Linh cho biết: “Quả thật, qua điện thoại, ông Triển cũng khẳng định lại những điều đã nói đúng như những gì mà anh Châu cung cấp cho chương trình. Không những thế, lúc này ông Triển khẳng định thêm ông đã tìm ra người vú nuôi đó và bà này đã xác nhận bé gái tên Sau Nari, con nuôi của bà Cam, lúc nhỏ khi mới mang về đúng tên thật là Nguyễn Trường An, con gái của anh Nguyễn Minh Châu”.

Tuy nhiên khi chương trình đề nghị ông Triển cho biết thông tin cụ thể về người vú nuôi, ông Triển lại từ chối với lý do: khi trên đường đi tìm kiếm người vú nuôi, con gái ông ở nhà bị tai nạn giao thông gãy xương hàm và chấn thương sọ não đang nằm điều trị tại bệnh viện ở thành phố Phnom Pênh – Campuchia. Vụ việc khiến ông phải ngay lập tức quay về chăm sóc con nên không có tâm trí nào để gửi hình ảnh, thông tin cho chương trình được. Đúng vào dịp này, nhà báo Thu Uyên – phụ trách chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" có chuyến công tác sang Campuchia, cùng Viettel Campuchia giúp truyền hình nước bạn đưa chương trình “Không phải là giấc mơ” (chương trình tương tự như "Như chưa hề có cuộc chia ly" của Việt Nam) đi vào hoạt động. Chị Thu Uyên yêu cầu lập tức liên lạc với ông Triển để làm việc tại Phnôm Pênh, Campuchia vào ngày 24/3/2010. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi trao đổi, ông Triển đề nghị: “Nếu chương trình muốn hợp tác cung cấp thông tin thì chương trình phải đáp ứng được 2 điều kiện: Thứ nhất là phải đưa được mẹ của ông Triển hiện đang ở Long Hồ, Vĩnh Long sang Campuchia để thăm cháu; Thứ hai là chương trình phải chi cho ông Triển 10 triệu đồng để lo chi phí thuốc men cho con gái đang nằm viện. Nếu chương trình không đáp ứng thì ông Triển sẽ không hợp tác”.

Dù rất thất vọng khi ông Triển lộ mặt vòi tiền, những người của Chương trình cũng như gia đình anh Châu vẫn cố nuôi hy vọng là dù tốn kém nhưng bé An sẽ được đoàn tụ gia đình. Những người làm chương trình đồng ý ‎ với mức tiền ông Triển yêu cầu nhưng đề nghị ông gửi hình ảnh của bé gái mà ông cho rằng giống Nguyễn Trường An trước rồi mới chuyển tiền. Tuy nhiên, ông Triển bảo dứt khoát phải được nhận tiền trước. Không được đáp ứng yêu cầu, Triển tắt máy và trốn biệt.

Dù dấu hiệu bị lừa đã rõ mười mươi nhưng anh Châu vẫn nuôi hy vọng có thể ông Triển đang gặp khó khăn thực sự và chỉ muốn “kiếm cơm”. Sợ không có sẵn tiền ở nhà, anh Châu chạy đi vay mượn khắp nơi để “thủ sẵn”, phòng khi ông Triển gọi. “Tôi đã mất 16 năm tìm con, tốn kém từ đó tới nay không thể kể hết được. Bây giờ nếu có phải bán nhà mà tìm được con hai vợ chồng tôi cũng vẫn chấp nhận, vì vậy tôi không thể nào từ bỏ bất kì một cơ hội nào dù là nhỏ nhoi”, anh Châu nói. Và càng lúc anh càng thất vọng vì cho đến những ngày qua, người đàn ông này đã chủ động gọi cho anh để hỏi về số tiền 10 triệu mà ông ta đề cập. Anh Châu sẵn sàng cung cấp cho ông Triển số tiền gấp nhiều lần, miễn là phải cung cấp thông tin chính xác về con anh nhưng ông Triển lại cố lái câu chuyện sang hướng khác. Ngày 25/3/2010, khi anh trả lời không có tiền và cũng không có khả năng mượn tiền ai nữa nên đề nghị ông ta cung cấp thông tin về bé Trường An trước, nếu không sẽ đem câu chuyện báo công an, người đàn ông này đã tắt máy và không liên lạc lại thêm một lần nào nữa.

Trao đổi với chúng tôi, anh Châu cho biết anh vẫn không nguôi hy vọng tìm được con gái. “Khi nào tôi con sống, tôi vẫn sẽ đi tìm. Nếu con tôi còn sống, tôi nhất định phải gặp được mặt con, dù cho có ở phương trời nào tôi cũng phải tìm cho được. Nếu con tôi đã mất, tôi phải được nhìn thấy xương cốt của con mình. Chỉ khi nào thực hiện được tâm nguyện này, gia đình tôi mới thực sự có niềm vui trở lại”.

Chúng tôi cung cấp địa chỉ anh Châu, với hy vọng có ai đó phát hiện ra tung tích con gái anh và báo cho anh biết: Nguyễn Minh Châu Ngụ xã Tân Hoà Thành - Tân Phước (Châu Thành cũ) - Tiền Giang - Việt Nam: 0903 843 801 - 073.3849035- 073.3849129
 
Chia sẻ