101 cách tiết kiệm điện của sinh viên thời bão giá

Autumn,
Chia sẻ

Mua bếp than tổ ong, dùng đèn USB, không dùng máy vi tính là một trong muôn vàn kế sách sinh viên đang áp dụng để tiết kiệm tiền điện trong các khu nhà trọ hiện nay.

Tiết kiệm điện – Cái khó ló… "cái khôn"

Vừa lúi húi nhóm bếp than tổ ong ở góc sân, mắt đỏ hoe vì hong khói nhưng Lan, sinh viên năm ba ĐH Thủy lợi chia sẻ: “Tháng 4 này trở đi giá điện được chủ nhà tăng lên là bốn nghìn/kw, rồi gi gỉ gì gi cái gì cũng tăng, sinh viên bọn em tải không nổi nữa. Xóm em họp lại tậu cái bếp lò này về để đun cho đỡ tốn điện, tắm và nấu nướng thoải mái mà chủ nhà cũng đỡ kêu ca.”

(Ảnh minh họa)

Còn Tuân, sinh viên ĐH Xây dựng thì tâm sự, kể từ khi giá điện tăng, tuy là một tín đồ của Rock nhưng những lúc về nhà trọ anh chàng đành ngậm ngùi….ngồi gẩy đàn ghi ta cho đời sống tinh thần đỡ nhàm chán: “Bọn em toàn nghe nhạc Rock bằng máy tính và loa công suất lớn cho “đã”, nhưng như vậy… tốn điện lắm. Mấy tháng trước ba thằng đã mất năm trăm, giờ mà dùng kiểu thế là…”vỡ nợ”, thế nên, nhớ rock lắm, thích nghe nhạc lắm nhưng em đành… nhịn!”. Hạn chế dùng máy tính để bàn, copy nhạc vào Ipod để mang lên xe bus nghe là giải pháp mà Tuân cùng các bạn đang tiến hành một cách triệt để để… tiết kiệm tiền điện.

Chọn Gia Lâm ở xa một chút nhưng giá nhà khá “mềm”, nhưng Huy (ĐH Kinh doanh và công nghệ) nói rằng chủ nhà cũng đã kịp nâng giá điện từ khi Nhà nước ban hành mức giá mới nên không còn cách nào khác, giờ đây mấy anh em Huy phải có những “kế sách” để giảm thiểu số tiền phải nộp hàng tháng bằng cách nói “không” với game online, với bàn là và… món lẩu. Trước đây cứ cuối tuần là lại tụ tập bạn bè làm lẩu bằng chiếc bếp từ, nhưng nay, Huy đành lau nó sạch bóng và cất lên nhà kho: “Bếp từ tốn điện lắm, mỗi lần làm lẩu cũng cắm vài ba tiếng xót tiền điện lắm. Em còn có kế hoạch mua thêm cái bóng đèn USB cắm vào laptop đêm làm việc khuya mà dùng, vừa không ảnh hưởng đến mọi người vừa… ít tiêu dùng điện năng”.

Dùng bếp than, hạn chế dùng máy vi tính, nói không với tủ lạnh máy giặt, mua những phương tiện hỗ trợ tiết kiệm điện, thậm chí…quét sáng nhà để ít bật đèn mà vẫn sáng, là một trong vô vàn cách của sinh viên để đối phó với giá điện mới được áp dụng từ ngày 1-3- 2011. Nhiều chủ nhà trọ đã tăng giá điện lên gấp rưỡi, gấp hai lần so với trước đây làm cho túi tiền sinh viên vốn điêu đứng nay càng thêm “chao đảo”.

Bi hài xung quanh “tiết kiệm điện” của sinh viên

Từ khi có cái bếp than mới, xóm trọ của Thủy (ĐHTL) vui hẳn lên vì sau giờ lên giảng đường, cả xóm lại quây quần rồng rắn để đun nước, luộc rau, xóm cũng trở nên nhộn nhịp và ấm cúng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện không hiếm những sự phiền toái: “Nhiều người không có ý thức nên cứ coi cái bếp như của nhà mình, lắm hôm em chờ cả tiếng định đun ấm nước thay quần áo cũng chán đành phải vào cắm ấm điện cho nhanh. Tiết kiệm thì tiết kiệm thật nhưng đôi lúc cũng… mệt”, Thủy tâm sự.

(Ảnh minh họa)

Chuyện của Tuân còn bi hài hơn, sau một tuần không dùng máy, giờ lôi ra thì, chú chuột đã cắn dây, cậu đành hì hụi nối lại, xuýt xoa vì đôi loa mua bằng tiền mấy tháng đi vẽ công trình thêm. “Nhưng do nhu cầu học tập và sinh hoạt hằng ngày, đôi lúc bọn em cũng phải dùng máy tính cả tối, không thì bài tập cũng chả hoàn thành được. Nhiều nhà trọ giờ tăng giá điện phi lý lắm, chỉ mong sao Nhà nước có biện pháp kiểm soát giá điện ở các Nhà trọ cho sinh viên em đỡ khổ thôi”, Tuân chia sẻ.

Với Huy thì chiến lược tiết kiệm điện cũng được thực hiện khá triệt để và hiệu quả, cho đến hôm vừa rồi, có sinh nhật một đứa trong phòng nên lại đành phải ngậm ngùi “phá lệ” một bữa bằng một nồi lẩu và cái bếp từ lại được “trưng dụng” như thường lệ. Rồi thì dạo gần đây, Huy làm thêm cho quán café buổi tối nên quần áo cũng là lượt hơn nên thường xuyên là quần áo làm mấy cậu bạn la ó ầm ĩ. Huy kể: “Nói chung bọn em cũng cố gắng tiết kiệm điện hết sức, có cách gì hay là lại học để áp dụng, kể cả nấu cơm giờ cũng sát giờ ăn mới cắm, nhưng mà điện là thứ thiết yếu rồi, chỉ giảm được thôi. Đôi lúc bọn em cũng đành phải ngậm ngùi…tiêu dùng nó dù biết cuối tháng cái hóa đơn lại tăng! Chẳng biết lúc nào mới đến…ngày xưa ”.

Chia sẻ