Lời nói sắc hơn dao, đừng vô tình mà làm tổn thương những người mình yêu thương nhất

Bài viết: Hà Trang; Design: Jordy,
Chia sẻ

Lời nói đôi khi còn là thứ vũ khí, thứ vũ khí sắc bén nhất, vô hình, không để lại sẹo trên da thịt nhưng lại có thể làm tổn thương biết bao nhiêu người. Và còn tệ thế nào, nếu bạn dùng thứ vũ khí ấy làm buồn lòng chính những đấng sinh thành?

Cách đây 2 năm, tôi tình cờ xem được một đoạn clip về sức mạnh của ngôn từ của diễn giả Khấu Nãi Hinh trong cuộc thi "Tôi là diễn giả". Trong bài diễn thuyết ấy, Khấu Nãi Hinh kể, đời này cô yêu nhất 2 người đàn ông, người đầu tiên chính là cha cô, người thứ 2 là chồng cô.

Thế nhưng, trong một lần bị cha dọa từ mặt vì nhất quyết đến với người chồng hiện tại (vốn hơn cô rất nhiều tuổi, đã có một đời vợ và có con riêng), cô đã dùng những lời lạnh lùng nhất mà nói với cha cô rằng, "Được thôi! Vậy cha thấy bao giờ bắt đầu được đây? Là cha hay con sẽ đi nói với họ hàng?".

Khấu Nãi Hinh rơm rớm nước mắt kể lại, lần ấy, cha cô suýt nhập viện vì bị tức giận, còn bản thân cô đã ân hận biết bao khi cơn nóng giận qua đi.

winston-oct16

Đoạn diễn thuyết hơn 7 phút của nữ diễn giả người Trung Quốc có ảnh hưởng đến tôi rất nhiều sau này, bởi thú thực, tôi là người nóng tính, thậm chí nhiều lúc vụng về khiến những người xung quanh bị tổn thương. Buồn hơn cả, trong những người ấy, có cả bố mẹ, ông bà tôi, nhưng người tôi yêu thương nhất và trong thâm tâm, dù chỉ là một sát na, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ hay muốn làm tổn thương họ. Thế mà thực tế, tôi đã làm.

tit1 copy

Những ai sống với cha mẹ, ông bà mà những bậc sinh thành còn khỏe mạnh hẳn sẽ rất quen với việc có những bữa cơm chờ sẵn mỗi khi tan sở về nhà. Còn gì hạnh phúc bằng sau hơn 8 (lắm khi là 10 tiếng hoặc hơn) tiếng đánh vật với màn hình, deadline, KPI rồi khói bụi tắc đường có sẵn cơm ngon, canh ngọt thay vì lại một lần nữa đánh vật với dầu mỡ, mắm hành.

Nhưng có lẽ đôi khi người ta sướng không biết rằng mình sướng mà như dân gian hay nói vui là "sướng quá hóa rồ", đến mức việc có sẵn đồ ăn mỗi ngày trở thành điều tất yếu, đến mức được gọi xuống ăn cơm đôi khi là gánh nặng?

Artboard 1

Thú nhận đi, có bao giờ bạn trở về nhà trong tình trạng uể oải rồi gắt lên với ông bà, bố mẹ là "Con chưa muốn ăn, bố mẹ, ông bà ăn trước đi", thậm chí là đôi khi còn là sự khó chịu: "Mẹ/ bà giục nhiều thế, đã bảo con chưa muốn ăn. Đi làm về mệt chết được, cho con nghỉ một tí, có phải nhàn nhã ở nhà chỉ lo ăn uống đâu mà cứ giục cuống lên".

Tôi đã từng hành xử như thế trong một buổi chiều stress cao độ với công việc. Tôi đã ở lì trong phòng đến hơn 15 phút sau hàng chục câu gọi mà không để ý rằng, sau câu nói của mình, không gian hoàn toàn im phắc. Không để ý rằng, bữa cơm hôm ấy bà tôi chẳng nói câu gì.

Tôi đã hoàn toàn không nghĩ đến rằng, gạo không tự nhiên biến thành cơm, thịt rau không tự nhiên biến thành món ăn nóng hổi và chẳng tự bày đâu ra đấy trên mâm cơm. Tôi quên luôn giọt mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán bà.

tit1 copy 2

Nếu ngày nhỏ, mỗi ngày đi học về, lũ trẻ đều tự động sà vào lòng bố mẹ, líu lo kể chuyện trường lớp thì khi chúng ta trưởng thành, mọi thứ dường như thay đổi hẳn. Mệt mỏi chốn công sở, có lẽ khi về nhà nhiều người chỉ muốn có một góc riêng cho mình, và mọi lời hỏi han của ông bà, bố mẹ dường như trở thành một loại áp lực vô hình khiến người ra rất khó chịu.

Vậy là chúng ta né tránh những tâm sự, uẩn ức trong lòng với cha mẹ. Trong bữa cơm, buổi chuyện trò, câu chuyện cứ đến "công việc thế nào", sẽ lập tức được chuyển chủ đề, một cách khéo léo hay đôi khi là bằng những ngôn từ không thể chấp nhận được như tôi đã làm.

Hôm ấy, khi bố mẹ hỏi han "Công việc làm sao mà mặt cứ bí xị ra suốt ngày như thế. Mệt quá thì nghỉ đi con ạ", tôi đã hét lên: "Bố mẹ đừng can thiệp vào công việc của con. Bố mẹ thì biết gì về công việc của con mà khuyên bảo".

Artboard 1 copy

Ngay khi thốt ra những lời ấy, tôi đã biết mình sai rồi. Bữa cơm đầm ấm tan tành. Mẹ tôi rơm rớm nước mắt. Bố tôi quát lớn: "Cho mày ăn học đầy đủ mà bây giờ nói năng với bố mẹ thế à. Xem lại mình đi".

Ừ, tôi đã bao giờ kể về công việc của mình cho bố mẹ đâu mà đòi bố mẹ biết. Tôi cũng còn chẳng biết liệu bố mẹ có đang có những áp lực gì không, chỉ biết là, khi về nhà, bố mẹ luôn đón tôi bằng sự tươi tỉnh, còn tôi luôn mặt nặng mày nhẹ, như sắp ra trận sống mái với kẻ thù.

tit1 mb copy 4

Sự ra đời của smartphone, internet giúp kéo gần khoảng cách giữa con người trên toàn thế giới, thậm chí là giữa Trái Đất và… sao Hỏa nhưng dường như, nó là cái hố rất sâu ngăn cách giữa con cái với bố mẹ, ông bà, đặc biệt những người thế hệ X với một phần thế hệ Y.

Việc hướng dẫn cho bố mẹ, ông bà tiếp cận công nghệ hẳn là trải nghiệm khó quên của khá nhiều người, và có lẽ chúng ta sẽ phải đồng ý với nhau rằng thế hệ bố mẹ, ông bà chúng ta đa phần đều rất bỡ ngỡ khi làm quen với công nghệ.

Artboard 1 copy 2

Vài nút tắt, mở, bấm vào đâu để gọi điện, bấm vào đâu để nhắn tin có lẽ còn khó gấp nhiều lần việc lũ trẻ bắt đầu học viết. Việc bố mẹ, ông bà chốc chốc lại gõ cửa phòng hoặc réo rắt "Xuống đây cho ông/ bà/ bố/ mẹ hỏi chút" nào dường như là chuyện thường ngày ở huyện. Câu chuyện "công nghệ" thường xuyên sẽ là: "Ơ, tự nhiên cái điện thoại như thế", "Sao bố mở mãi không vào được cái chỗ đọc báo", "Mẹ chẳng làm gì mà nó như thế".

Cùng với đó là gương mặt nhăn nhó của tôi (và kha khá chúng ta): "Con/cháu đã nói bao nhiêu lần rồi mà bố mẹ không làm được, dễ như thế"; "Bố mẹ gọi lắm thế, con còn đang bận bao việc đây này"; "Thôi con không hướng dẫn nữa đâu, có mỗi mấy cái đơn giản mà nói mãi bố mẹ có làm được đâu".

Tôi (chúng ta) có lẽ không để ý, khóe cười, sự háo hức trên gương mặt bố mẹ chùng xuống. Có lẽ chúng ta quá nhỏ để nhớ được rằng, bố mẹ, ông bà đã tốn bao thời gian, kiên nhẫn nhường nào để dạy ta các kỹ năng đi đứng, ăn nói, tốn bao tiền của cho chúng ta học hành để tiếp cận được với công nghệ hiện đại, trở thành công dân toàn cầu.

tit1 copy 6

Đó là câu đùa tôi chắc nhiều người đã từng nghe, thậm chí có khi còn thốt ra trong những buổi tám chuyện hay họp bàn căng thẳng về chuyện tiền bạc trong gia đình. Những tấm gương con cháu xuất sắc của nhà mình hay thậm chí con cháu làng trên xóm dưới đều được các ông bà mang ra làm gương sau buổi trà dư tửu hậu.

Nào là con X đã mua được đến mấy cái nhà thành phố, ở một cái, còn lại cho thuê kiếm lời. Thằng Y đã là chủ doanh nghiệp có đến mấy trăm công nhân. Rồi tiện thể quèo luôn câu "Ai như con/cháu mình làm thuê cả chục năm rồi chưa thấy gì, mua cái xe cũng nâng lên đặt xuống, bao giờ mà tậu được nhà".

Artboard 1 copy 3

Trong những cơn nóng nảy bị so sánh hơn thua, tôi và (hẳn nhiều người) đã hầm hầm cái mặt, nặng nhẹ ngay với bậc sinh thành: "Sao bố mẹ không nói luôn là nhà nó giàu từ trong trứng nước, nó đẻ ra ở vạch đích rồi. Nó muốn kinh doanh, bố mẹ nó cho hàng tỷ để đầu tư. Nếu bố mẹ mà giàu giờ con đã chẳng khổ thế này".

Tôi quên mất rằng, dù nhà không giàu có gì, nhưng bố mẹ chưa bao giờ để tôi phải đói. Tôi quên mất rằng, nhà dù khó khăn, bố mẹ vẫn cho tôi tham gia học thêm, học ngoại khóa, đi chơi đầy đủ với các bạn. Tôi cũng lờ luôn đi rằng, có những người còn bắt đầu sau cả vạch xuất phát cũng đã kịp ghi dấu ấn cho mình. Tôi đã nói cho thỏa cơn giận, tôi đã khẩu nghiệp với chính bậc sinh thành để bảo vệ cái tôi của mình.

tit1 copy 4

Tôi có một bà mẹ chồng tuyệt vời và chắc chắn là niềm ước mơ của mọi nàng dâu trên đời. Bà vừa đi kiếm tiền vừa tranh thủ quán xuyến hết mọi việc trong nhà. Khi có cháu, bà trông cháu, cho ăn, tắm táp chúng sạch sẽ trước khi tôi đi làm về. Nghe thế, chắc chắn bạn sẽ thầm nghĩ, mình mà có mẹ chồng như vậy, mình sẽ yêu thương hết mực, sẽ không bao giờ cãi bà nửa lời, đúng không? Tôi cũng từng nghĩ thế, cho đến khi "quen" với việc được mẹ chăm chút mà lơi đi lòng biết ơn. Tôi coi đó là việc đương nhiên, là nghĩa vụ của bà.

Và giữa chúng tôi đôi khi nổ ra "chiến sự", nhất là khi động đến chuyện nuôi con, chăm cháu. Cũng như bà tôi, mẹ chồng tôi luôn ca bài: "Ngày xưa chúng tao nuôi con bằng abc, nếu ốm sốt thì cho uống xyz mà chúng nó vẫn khỏe mạnh chứ ai như chúng mày bây giờ", "Con mới tí tuổi đầu đã biết gì, mẹ đẻ cả đàn con, đứa nào cũng khỏe mạnh, thông minh đây, mẹ phải biết hơn" và những câu nói ấy, không hiểu sao luôn khiến tôi nổi đóa.

Artboard 1 copy 5

Trong cơn nóng giận ngùn ngụt và cảm thấy bản năng làm mẹ của mình bị xúc phạm, không dưới 1 lần, tôi dịch những lời của mẹ chồng tôi thành "Mày làm mẹ tệ quá" và gào thẳng vào mặt bà: "Bây giờ chẳng ai nuôi con theo cái cách của mẹ nữa, mẹ thích ngày xưa thì về ngày xưa mà ở. Mẹ thích nuôi con theo ý mẹ thì tự đẻ đứa khác mà nuôi. Còn con của con, con có quyền!".

Mẹ chồng tôi kinh ngạc tột độ khi nghe tôi nói thế. Tối hôm ấy, bà dọn mâm xong rồi bỏ lên phòng nằm. Hôm sau, tôi đi làm, hả hê cười trong tiếng tán thưởng của hội bỉm sữa cơ quan khen rằng "Chị thật cứng, mẹ chồng em chuyên gia so sánh ngày xưa mà em chưa nghĩ ra cách đối lại".

Ở nhà, bà vẫn làm mọi việc như thường lệ, không mách chồng tôi câu nào, vẫn cho cháu ăn theo thực đơn tôi đưa từ đầu tuần, vẫn trả cho tôi một em bé vui vẻ, no đẫy và sạch sẽ thơm tho. Bà vẫn làm cơm tối đủ món ngon, chỉ khác một điều, bữa cơm lặng ngắt vì bà không nói chuyện với tôi.

Mãi đến 3 ngày sau, không chịu nổi sự căng thẳng, tôi mới lên phòng xin lỗi bà. Bà chỉ nhìn thẳng vào tôi, nói độc một câu nhẹ nhàng mà tôi ân hận hơn ngàn lời trách mắng: "Mẹ già rồi, vẫn sống theo nếp các cụ ngày xưa, chăm con chăm cháu theo kiểu cổ. Có gì lạc hậu thì con nhẹ nhàng bảo mẹ, mẹ học được mà! Miễn là gia đình vui vẻ, các cháu khỏe mạnh thôi, chứ bà nào mà muốn hại cháu mình".

tit1 copy 5

Vậy đấy, bạn có nhận ra là, rất nhiều khi, chúng ta mải lịch sự với người ngoài, chúng ta giữ hình ảnh "Hoa hậu thân thiện", nói lời hoa bướm với những người ta chẳng quen, nín nhịn khi ai đó khẩu nghiệp với mình, nhưng lại không ngại buông lời tàn nhẫn dành cho người chúng ta yêu thương nhất? Vì ta coi tình yêu, sự nhẫn nại, chăm chút của họ với ta là chuyện nghiễm nhiên phải thế. Vì ta tin rằng dù chúng ta làm họ đau nhường nào, họ sẽ chẳng bao giờ bỏ mình mà đi. Vì ta biết rằng, sâu trong máu thịt, họ sẽ tha thứ mọi lời gươm dao ta đâm vào họ.

Artboard 1 copy 4

Đó là sự thật, nhưng bạn ơi cũng còn một sự thật khác nữa, là bố mẹ, ông bà chúng ta cũng bị tổn thương bởi những lời cay nghiệt, dù cố tình hay vô ý mà ta đã thốt ra. Người càng biết ăn nói càng có thể làm đau người khác bằng lời nói của mình, như một loại vũ khí, một thứ bạo lực vô hình. Người vụng về không biết ăn nói cũng có thể làm đau người khác bằng lời nói vô tâm.

Đừng quên là, không phải mỗi một người yêu thương mà chúng ta làm tổn thương, chúng ta đều có cơ hội nói lời xin lỗi và sửa sai kịp thời. Bởi vì mỗi lần chúng ta lỡ lời, bạn không bao giờ có thể biết được, nó có thể trở thành tiếc nuối của cả đời mình hay không.

banner chan bai Thu thach 7 ngay khong khau nghiep

Chia sẻ