"Đời cha ăn mặn, đời con khát nước": Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt?

Minh Quân,
Chia sẻ

Những khúc mắc, rắc rối, đôi khi là cả ân oán được truyền từ đời cha mẹ sang đời con cái dường như là chủ đề, thông điệp được các biên kịch phim truyền hình Việt Nam yêu thích.

Ở một đất nước giàu truyền thống Á Đông như Việt Nam, việc những triết lý, tư tưởng của người Việt xưa thường xuyên được phản ánh trong các bộ phim truyền hình trình chiếu trong khung giờ gia đình là dễ hiểu. Với những khung giờ như 20h45’ đến 22hh00 hay 21h30 đến 22h45’, những nhà làm phim hoàn toàn có thể nhân cơ hội này để truyền tải đến khán giả những thông điệp quen thuộc và gần gũi với họ trong quãng thời gian cả gia đình có thể ngồi quây quần với nhau trước màn hình TV.

Có thể dễ dàng nhận thấy cốt truyện của các bộ phim trình chiếu trên sóng VTV gần đây như Thương Nhớ Ở Ai, Người Phán Xử, Sống Chung Với Mẹ Chồng thường bao gồm những thông điệp quen thuộc như ác giả ác báo, quy luật nhân quả, tình cảm giữa những người trong gia đình, sự nhân văn giữa người với người...

Những thông điệp này phù hợp với đối tượng khán giả là những người ông, người bà, người mẹ trong gia đình, những người đã có nhiều kinh nhiệm sống trong xã hội và được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng truyền thống được truyền lại từ thế hệ trước.

Ngoài những đề tài kể trên, còn một yếu tố khác cũng đang được các nhà làm phim rất ưa thích là việc các nhân vật phải đấu tranh để tránh phạm phải những sai lầm do tiền nhân đời trước của mình gây ra. Dưới đây là danh sách những bộ phim có sử dụng đề tài này.

1. Cả Một Đời Ân Oán

Cả Một Đời Ân Oán là bộ phim làm lại từ kịch bản phim Trung Quốc mang tên Cô Dâu Bạc Triệu. Bộ phim khai thác mối quan hệ phức tạp của các thành viên trong gia tộc họ Vũ. Khi ông Quang đưa Phong, đứa con ngoài giá thú của ông về ra mắt, cuộc sống trong gia đình của ông bị đảo lộn. Vợ con của ông Quang đều cảm thấy khó chấp nhận Phong.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước: Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt? - Ảnh 1.

Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi Phong phát hiện Dung, người yêu cũ của anh giờ đã trở thành con dâu trưởng của gia tộc họ Vũ. Diễn biến phần một của bộ phim xoay quanh việc Phong và vợ của anh – Diệu có những xung đột nảy lửa với Vũ Gia, dẫn đến việc Dung và con trai ông Quang phải ly hôn.

Dung chuyển đến một vùng khác làm lại cuộc đời. Cô mang trong mình giọt máu của Đăng nhưng anh không hề biết. Diệu và Phong cũng chia đôi đường sau bao sóng gió.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước: Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt? - Ảnh 2.

Sau 20 năm, các nhân vật của phần 1 đã trở nên từng trải hơn

Sang phần thứ hai, những rắc rối giữa các thành viên gia tộc họ Vũ lan sang đời con cháu. Con trai của Dung và Đăng trở thành tình địch với Nguyên, con trai riêng của Đăng với người vợ trước. Cha không biết mặt con, anh không biết mặt em, một lần nữa những ân oán về tình, tiền kéo những thành viên của gia tộc họ Vũ lại gần nhau một lần nữa.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước: Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt? - Ảnh 3.

Những rắc rối của thế hệ đi trước vẫn tiếp tục lan sang thế hệ sau

2. Thương Nhớ Ở Ai

Thương Nhớ Ở Ai là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Bến Không Chồng của nhà văn Dương Hướng, lấy bối cảnh ở làng Đông – một vùng quê Bắc bộ điển hình những năm 1950 – 1960. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi làng trở nên vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Họ khao khát được yêu thương nhưng không thể vượt qua được định kiến của xã hội.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước: Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt? - Ảnh 4.

Giai đoạn đầu của phim tập trung vào mối tình tay ba giữa Hơn, Vạn và Nhân

Phần một của bộ phim tập trung vào mối tình tay ba Hơn – Nhân – Vạn. Nhân và Vạn yêu nhau từ thời trẻ nhưng không đến được với nhau vì giữa hai người có mối thù dòng thọ. Hơn muốn đến với Vạn nhưng không thể vì Vạn là chiến sĩ Điện Biên trong khi chồng cũ của Hơn lại là con nhà địa chủ. Dấu tích của nỗi đau thời đại hằn mạnh lên số phận của những con người bị định kiến xã hội kìm nén khát khao hạnh phúc của bản thân.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước: Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt? - Ảnh 5.

Phần hai của phim tập trung vào mối tình giữa Hạnh và Nghĩa

Sang phần hai, Hạnh - con gái của Nhân trưởng thành và lặp lại vết xe đổ của mẹ mình ngày trước. Cô và con trai trưởng tộc nhà họ Nguyễn phải lòng nhau. Không như những người đi trước, Hạnh và Nghĩa kiên quyết đứng lên đấu tranh chống lại cả hai dòng họ để cuối cùng có một đêm tân hôn vội vàng trong con điếm nhỏ bỏ hoang trên rìa làng trước ngày Nghĩa lên đường đi kháng chiến chống Mỹ.

3. Người Phán Xử

Người Phán Xử là bộ phim mua bản quyền làm lại từ bộ phim Ha Borer của Israel. Dù nền tảng văn hóa ở bộ phim gốc khá xa lạ nhưng những biên kịch của Người Phán Xử đã xử lý lại sao cho phù hợp với khán giả Việt hơn và nhấn mạnh vào những yếu tố liên quan đến tư tưởng Á Đông.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước: Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt? - Ảnh 6.

Phan Quân là nhân vật nổi bật nhất trong cả bộ phim

Nhân vật chính của phim là Phan Quân - một ông trùm thế giới ngầm dưới bóng doanh nhân thành đạt, chủ tịch Tập đoàn Phan Thị. Ông được gọi là người phán xử, có quyền lực bậc nhất trong giới xã hội đen. Tuy nhiên, Phan Quân lại phải đau đầu vì các mâu thuẫn trong gia đình, chủ yếu bắt nguồn từ cậu quý tử chơi bời, nóng nảy tên Phan Hải. Trong lúc đó Lê Thành - một nhà tâm lý học đi tìm cha ruột của mình và thật bất ngờ anh nhận ra Phan Quân chính là cha đẻ của mình.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước: Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt? - Ảnh 7.

Một trong những thử thách lớn nhất trong đời Lê Thành là thoát ra khỏi cám dỗ của người cha quái kiệt

Một chi tiết được nhấn mạnh hơn trong Người Phán Xử bản Việt là khi Lê Thành được bạn gái thông báo đã có thai ngay trước khi anh định nói lời chia tay. Nghĩ lại hoàn cảnh làm con rơi của chính bản thân mình, Lê Thành lựa chọn đi ngược lại quyết định của Phan Quân ngày xưa và kết hôn với người bạn gái đang mang thai đứa con của mình. Tuy nhiên, cho đến tận cùng Lê Thành vẫn không thể thoát khỏi cái bóng của Phan Quân và dần trở thành một ông trùm mới trong thế giới ngầm. Anh đã phải trả giá bằng tính mạng cho sai lầm của mình.

4. Tình Khúc Bạch Dương

Tình Khúc Bạch Dương là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Tình Khúc Lavana của một cựu du học sinh Liên Xô người Việt Nam. Nội dung phim xoay quanh mối quan hệ của bốn người bạn cùng học ở Liên Xô là Hùng, Quyên, Quang và Vân. Trong đó, Hùng và Quyên yêu nhau, Quang và Vân cũng là một cặp. Nhưng biến cố đầu tiên đã xảy ra, Quyên và Quang lại về Việt Nam trước, còn Hùng và Vân vẫn ở lại Nga.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước: Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt? - Ảnh 8.

Quang từng có mối tình đẹp với Vân nhưng không thành

Bắt đầu từ tập thứ 14, phim chuyển sang bối cảnh của hơn 20 năm sau. Bất ngờ là Quyên và Quang đã là vợ chồng, và tại Nga, Hùng và Vân cũng đã thành đôi. Trong một lần về Việt Nam công tác, Hùng tình cờ gặp lại Quyên. Ngay lập tức, những rung động năm xưa trong Hùng trỗi dậy. Trong khi đó, Quyên vốn đang có cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt với Quang cũng cảm thấy xốn xang khi gặp lại người cũ.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước: Thông điệp quen thuộc trên phim truyền hình Việt? - Ảnh 9.

Giai đoạn sau của phim, con trai của Quang lại vướng vào một rắc rối tình cảm khác có liên quan đến chuyện của bố mẹ mình năm xưa

Giai đoạn sau cũng giới thiệu thêm những tuyến nhân vật mới với khán giả. Trong đó có hai nhân vật Linh và Diệu Anh. Linh là con trai của Quyên và Quang trong khi Diệu Anh là con gái của Hùng và Vân. Số phận run rủi khiến cho họ quen nhau trên mạng và phải lòng nhau. Đứng trước mối quan hệ tay tư của bố mẹ, liệu mối tình của đôi trẻ có bị ảnh hưởng? Khán giả sẽ cần phải đón đợi những tập tiếp theo của Tình Khúc Bạch Dương để biết được điều này.

Chia sẻ