Dở khóc dở cười chứng kiến hiện tượng lạ khi mang thai

Châu Anh,
Chia sẻ

Khi mang thai, nhiều bà bầu gặp phải những biểu hiện lạ khiến họ đôi khi khóc dở, mếu dở.

Những hiện tượng như sạm da, bị bệnh trĩ, khó thở, phù chân, chuột rút, rạn da, táo bón… dường như đã quá quen thuộc với nhiều chị em lúc bầu bí. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp “mắc” những hiện tượng lạ lùng đến nỗi chủ nhân phải khóc dở mếu dở.

Nỗi niềm bà bầu “ti tụt”

Đó là nỗi niềm của chị Thanh (Minh Khai, Hà Nội). Chị đang mang bầu bé đầu lòng ở tuần thứ 20 nhưng bỗng một ngày núm vú của chị bị tụt vào bên trong. Chỉ khi nào chị “tác động” thì nó mới nhú lên một chút, để yên một lúc thì lại đâu hoàn đó. Trạng thái lạ này khiến chị lo sốt vó, chị tự hỏi: “không biết nay mai sinh con rồi sẽ làm thế nào để em bé bú ti đây?”.

Giống chị Thanh, chị Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gặp phải hiện tượng này. Từ thời con gái, lấy chồng, cho đến khi mang thai, chị hoàn toàn bình thường, thế nhưng lúc cu Tí chuẩn bị chào đời, lúc đó bé đang ở tuần thứ 38, ngoài rạn da, núm ti của chị bỗng dưng bị tụt vào trong. 

Nghe bạn bè dọa, chị đâm lo lắng, chị biết rằng nếu núm vú của phụ nữ mang thai bị tụt vào trong, thai nhi sau khi sinh ra sẽ khó có thể ngậm vào núm vú của mẹ, dù cố mấy hai mẹ con sẽ không thể ăn ý với nhau trong việc cho ti. 

Trong đầu chị nghĩ ra đủ thứ khó khăn bé sẽ gặp phải với tình trạng oái oăm này: Con sẽ không thể bú được sữa non, ăn khó có thể no bụng và thậm chí bé có thể bị còi cọc, thiếu chất dinh dưỡng. 

Dở khóc dở cười chứng kiến hiện tượng lạ khi mang thai 1
Khi mang thai, nhiều bà bầu gặp phải những biểu hiện lạ khiến họ đôi khi khóc dở, mếu dở (Ảnh minh họa)

Lên diễn đàn về mẹ và bé, có rất nhiều kinh nghiệm mà chị em đi trước chia sẻ. Đa số họ cho rằng nếu bà bầu có đầu vú bị tụt vào bên trong thì việc cần làm đó là nhất thiết phải nắn chỉnh tình trạng này càng nhanh càng tốt.

Chị Hằng với nick name trên diễn đàn là megaubongxu chia sẻ: “Trước đây mình cũng gặp tình trạng này. Đi khám bác sĩ dặn là nên chỉnh ngay nếu không điều này sẽ rất ảnh hưởng tới sự phát triển của con sau này”.

Cách của chị đó là trước khi đi ngủ, sau khi tắm nước ấm xong, bà bầu nên dùng tay mát-xa nhẹ nhàng lên ngực rồi túm nhẹ vào đầu ti để kéo sang các hướng: trên - dưới, trái - phải. Thực hiện liên tục trong vài ngày chắc chắn bà bầu sẽ hết tình trạng khó chịu này. 

Nhiều bà bầu còn gặp hiện tượng ứa nước bọt trong khi mang thai. Việc tiết nước bọt nhiều và liên tục khiến nhiều thai phụ cảm thấy khó chịu.

“Nước miếng tiết tùm lum không à”

Đó là lời tâm sự của bà bầu Yến Mai (Linh Đàm, Hà Nội). Chị không bị xấu đi, sạm da, táo bón, thèm ngủ như nhiều chị em khác nhưng chị bảo: "chị 'dính' một tật vô cùng xấu đó là tiết nước bọt tùm lum". 

Từ khi bắt đầu mang thai đến giờ đã bước sang tháng thứ 3 mà chị tưởng tượng ra cảnh: “Nếu không để ý, không kiềm chế chắc người đối diện sẽ hứng nguyên một xô nước… bọt của mình mất”. Điều này cũng khiến chị xấu hổ với chồng vì lúc mới ngủ dậy, ngày nào gối chị cũng ướt đầm đìa. 

Hiện nay chưa có những giải thích rõ ràng để lý giải hiện tượng lạ trong thai kỳ như thế này nhưng các chuyên gia cũng đưa ra một số giả thiết ban đầu, đó là do việc khi chị em mang bầu, cơ thể sẽ tiết ra một vài loại hormone, đó chính là thủ phạm gây nên hiện tượng này. 

Trong giai đoạn đầu thai kỳ, đặc biệt những chị em bị ốm nghén, buồn nôn khiến lượng nước bọt bị dồn ứ trong khoang miệng gây nên tình trạng tiết nước bọt không thể kiểm soát.

Chị Thụy (Võ Thị Sáu, TP HCM) cũng gặp phải tình huống này trước đây, chị chia sẻ rằng khi mang thai, nếu gặp phải hiện tượng này, chị em nên thường xuyên uống nước, vệ sinh răng miệng thật sạch, tránh ăn những đồ khiến mình bị nôn, chia bữa ăn ra làm nhiều bữa nhỏ.

Chỉ muốn độn thổ vì hay "xì hơi"

Nhiều bà bầu cảm thấy rất ngượng ngùng, xấu hổ khi liên tục "xì hơi" dù đã cố kìm nén, chị Trinh là một ví dụ. Từ khi mang thai, chị liên tục bị tình trạng này quấy rối. Chị Trinh khẳng định, đó không phải là sự bất cẩn, bất lịch sự hay thiếu tôn trọng người khác mà là sự… vô tình, nhiều khi chị không thể hiểu tại sao lại như thế. 

Tìm hiểu sách báo, hỏi han bạn bè, chị mới thở phào nhẹ nhõm khi biết đó là một hiện tượng sinh lí bình thường mà nhiều chị em vướng phải trong thai kỳ.

Để yên tâm hơn, chị đến bệnh viện để nhờ các bác sĩ tư vấn. Tại đây, họ có giải thích rằng khi mang thai, hệ tiêu hóa của bà bầu hoạt động yếu hơn, điều này khiến thức ăn sẽ lưu lại lâu hơn trong dạ dày. Quá trình tiêu hóa sẽ sản xuất ra hơi khí, làm tăng cảm giác đầy hơi. Bác sĩ có dặn rằng, để giảm thiểu tình trạng này, chị em nên thay đổi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thật hợp lý. 

Ăn nhiều bữa, nhai chậm, nhai kỹ là một việc làm khiến tình trạng "xì hơi" không kiểm soát được cải thiện. Bà bầu cũng nên chú ý tới tư thế ngồi nằm, cúi người của mình, nên giữ cho mình thẳng lưng. 



Ai cũng muốn đẻ con đẹp như thiên thần. Có người chọn ăn uống, tẩm bổ, nhưng có chị em chọn theo những cách chẳng giống ai.
Dở khóc dở cười chứng kiến hiện tượng lạ khi mang thai 2
Chia sẻ