Dinh dưỡng giúp trẻ giảm tiêu chảy

,
Chia sẻ

Hàng năm trên toàn thế giới có tới 4,6 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy, trong đó, 85% số tử vong này là trẻ em dưới 1 tuổi.

Tiêu chảy là một bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá, trong đó mầm bệnh từ  phân nhiễm bệnh lây truyền qua thức ăn, nước uống, bàn tay, dụng cụ, ruồi nhặng nhiễm bẩn vào cơ thể qua miệng. Mầm bệnh gây tiêu chảy có rất nhiều loại, nhưng rotavirút là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ nhỏ.

 

Tiêu chảy, dinh dưỡng và vòng bệnh luẩn quẩn

 

Khi trẻ bị tiêu chảy, nôn trớ, chán ăn sẽ làm giảm lượng thức ăn, các mầm bệnh tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng, cơ thể tăng cường tiêu thụ năng lượng để chống đỡ bệnh nên nhu cầu năng lượng tăng cao. Trong khi đó, ruột bị tổn thương do độc tố của vi khuẩn gây bệnh đã khiến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng bị giảm sút (ví dụ như đường lactose). Hậu quả là tình trạng dinh dưỡng của trẻ bị suy giảm, dẫn tới sức đề kháng của trẻ cũng bị yếu đi và trẻ lại càng dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn. Vòng luẩn quẩn bệnh lý trên nếu cứ tiếp diễn sẽ dần dần dẫn trẻ tới tử vong.

 

“Chìa khóa” giúp trẻ đối phó với tiêu chảy

 

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong đối phó và giảm nguy cơ tiêu chảy. Bên cạnh cho trẻ uống nước điện giải, một chế độ ăn đúng, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phục hồi cân nặng nhanh sau tiêu chảy.

 

Trái với quan niệm sai lầm trước đây là kiêng khem hoặc cho trẻ ăn ít khi tiêu chảy vì sợ “khó tiêu”, các bà mẹ cần phải tiếp tục cho trẻ ăn nhằm đảm bảo đủ dưỡng chất để trẻ không rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.

 

Ở trẻ nhũ nhi, mẹ vẫn phải tiếp tục cho bú mẹ, thậm chí bú mẹ càng nhiều càng tốt. Sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng vô giá đối với trẻ, cung cấp các dưỡng chất dễ tiêu hóa, sạch sẽ, an toàn và rất giàu các chất kháng khuẩn như các kháng thể, các bạch cầu, các vi khuẩn có lợi giúp tăng cường đề kháng cho trẻ, và tất nhiên, nhờ vậy trẻ mau lành bệnh.

 

Nếu trẻ bú bình, các bà mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú nhưng cần kiểm tra lại các nguyên tắc vệ sinh khi pha sữa như tiệt trùng chai và núm vú, dùng muỗng và ly riêng cho trẻ. Khi lựa chọn sữa công thức,  cần để ý đến các thành phần có tác dụng tăng cường bảo vệ miễn dịch ví dụ như các probiotics là các vi khuẩn có lợi (ví dụ như bifidobacteria và lactobacillus).

 

Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, khi thấy phân lỏng hơn, nhiều bọt và chua hơn, tức là có hiện tượng bất dung nạp lactose sau tiêu chảy thì nên cho trẻ ăn sữa không có lactose trong 5-7 ngày cho đến khi phân đặc lại. Tuy nhiên các bà mẹ cần lưu ý nên cho trẻ ăn sữa thường một cách từ từ để ruột hồi phục dần dần, tránh tiêu chảy tái phát lại,  do ruột chưa dung nạp tốt với đường lactose.

 

Đối với trẻ đã bắt đầu ăn dặm,  cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn bình thường của trẻ như cháo, thịt, rau, quả củ, sữa chua, trái cây… Cần chọn các thức ăn dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn nếu trẻ chưa ăn ngon miệng. Bạn vẫn có thể cho trẻ ăn dầu và không nên bắt trẻ nhịn ăn hoặc chỉ cho ăn cháo muối, sẽ làm trẻ kéo dài tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Khi trẻ đã bớt tiêu chảy và ăn ngon miệng trở lại, bạn cho trẻ ăn tăng dần thêm bữa và thêm số lượng thức ăn để trẻ có thể bù lại phần năng lượng thiếu hụt khi bị tiêu chảy, giúp cơ thể tăng cân bình thường.

 

Ngoài ra, ăn uống sạch sẽ an toàn sẽ giúp khống chế được nguy cơ tiêu chảy. Thực tế đã chứng minh:  trẻ được bú mẹ  ; mẹ rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn cho trẻ ; dụng cụ cho trẻ ăn được tiệt trùng trước khi đựng thức ăn ; thực phẩm an toàn..sẽ dẫn đến  tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy thấp hơn nhiều. Phòng ngừa tiêu chảy bằng biện pháp vệ sinh dinh dưỡng sẽ giúp các bà mẹ khống chế được bệnh tiêu chảy.

 

Theo PGS. TS. Nguyễn Gia Khánh

(nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung Ương)

PNO

Chia sẻ