Đi qua những dang dở, anh có nhớ em không? - sách cho người “đã cũ”

Libra,
Chia sẻ

“Có lẽ chẳng có gì xót như hai từ người dưng, chẳng gì đau bằng hai chữ đã từng. Yêu nhau biết mấy những ngày, nhưng không qua nổi một hồi chênh vênh.”

Một đề tài muôn thuở - một đề tài “cũ” như chính tên gọi mà nó khai thác - câu chuyện về “người yêu cũ”. Thế mà có bao giờ người ta thôi viết về nó đâu? Dẫu nhà văn, nhà thơ không nhắc đến thì tự tâm trí mỗi người đôi lúc cũng mơ hồ hiện lên hình bóng ấy. Ừ thì người đã đi rồi, đi thật. Nhưng rồi ba tiếng gọn ghẽ ấy cứ nhức nhối trong tim người ở lại, đến nỗi chỉ thoáng nghe âm thanh của những ngày xưa cũ vọng về cũng khiến lòng thổn thức. 
 
Lạc Hi là một nhà văn trẻ được nhiều độc giả yêu thích. Các tác phẩm của chị nhẹ nhàng, lãng mạn pha lẫn chút buồn thương lãng đãng. “Đi qua những dang dở, anh có nhớ em không?” là cuốn sách mới nhất của nhà văn. Tác phẩm khiến tôi - một người “say bi kịch” - cảm thấy mãn nguyện lạ kỳ. Trải qua nỗi đau, tôi vẫn thường nhủ lòng mạnh mẽ. Tôi cố tìm đọc những cuốn sách mang lại niềm tin, hy vọng, sự lạc quan, nhưng rồi cuối cùng “đành ru lòng mình vậy”. Nỗi đau vẫn còn đó, và thương nhớ vẫn khôn nguôi…
 
 
30 tản văn trong “Đi qua những dang dở, anh có nhớ em không?” là 30 nỗi niềm dang dở như thể một tấm gương mà tôi đang soi thấu chính mình. Là tôi của quá khứ, là tôi của hiện tại, và có thể sẽ là tôi của tương lai. Là người con gái chỉ mang trong mình một ao ước nhỏ nhoi - “chỉ muốn mình thuộc về ai đó”. Thế nhưng, “những sớm mai vươn mình nhìn mặt trời mới lên, ngày mới bắt đầu và mình vẫn thế. Không biết phải tìm ai, không biết phải cùng ai và không biết phải gửi nhớ thương vào đâu thì mới hết”. 
 
Hối hả lao ra dòng người xuôi ngược, với những gương mặt xa lạ, hoặc những gương mặt đã từng quen nhưng vờ như không biết, mới thấy lòng trống trải, cô đơn. Người con gái ấy phải tự lau đi những giọt nước mắt, tự gượng dậy trên đôi chân mệt nhoài, thèm khát một bờ vai ôm, một ánh nhìn âu yếm... Giá mà anh biết được! Liệu anh có nỡ lòng nào bỏ lại em trên con đường bơ vơ ấy?
 

Những tựa đề trong tập tản văn của Lạc Hi khiến người ta nhớ, khiến người ta thương, và khiến người ta đau. Nó là những câu hỏi day dứt tâm can: “Anh đã từng bị ai đó vứt bỏ chưa”, “Ở bên người đó anh có vui không” và rồi “Đi qua những dang dở, anh có nhớ em không?”. Hỏi người, mà như tự hỏi lòng. Chủ thể đặt ra câu hỏi rồi tự loay hoay tìm lời giải đáp giữa vô vàn giả thuyết: “Hóa ra, anh đã không còn ở đây” và “Ngày mai, có một chuyện tình phải kết thúc”…
 
Khi yêu, lẽ thường cần sự đồng thuận của cả hai người. Nhưng khi chia tay, chỉ một người buông tay là tất cả trở thành dấu chấm hết. Có mạnh mẽ cỡ nào, lạc quan ra sao, cũng không thể mỉm cười cho qua rồi dặn lòng “Mình ổn”. Thế nên, Lạc Hi đã có những chia sẻ rất chân thành. “Tuy viết ra rất nhiều con chữ với các cung bậc khác nhau, đã tự đặt mình trong hoàn cảnh và nỗi niềm của nhiều nhân vật, cũng từng khóc, từng cười với những điều mình viết, nhưng phải cho đến cuốn sách này tôi mới thở phào vì đây chính là những gì gắn liền với cái tên Lạc Hi mà mọi người biết nhất… Tôi được buồn từ đầu đến cuối trang sách. Sau chia tay, mấy ai vui được ngay bao giờ?”


Lạc Hi kể cho chúng ta nghe về những chuyện tình buồn mà ai trong đời cũng ít nhất một lần từng trải. Ấy là mối tình đầu, người đầu tiên dạy ta yêu và cũng là người đầu tiên khiến tim ta tan vỡ. Là mối tình đơn phương, “muốn đợi, muốn chờ, muốn mong, muốn ngóng một điều gì đó nhưng chợt nhận ra nó quá xa xôi”. Là cảm giác của người đến sau với cơn ghen như bão nổi trong lòng mà “vẫn thản nhiên bảo rằng mong hai người hạnh phúc”. Là khắc khoải nhớ thương người xưa mà đành an ủi “chỉ là duyên mỏng nên đừng trách sao người chẳng thể ở cạnh ta lâu dài”…
 

“Đi qua những dang dở, anh có nhớ em không?” không chỉ là một cuốn sách, nó còn là một người bạn. Người bạn đồng hành với những tâm hồn cô đơn, những trái tim bị tổn thương nhưng vẫn không ngừng khát khao hạnh phúc. Bằng trải nghiệm cuộc sống phong phú, tâm hồn sâu sắc, cộng hưởng với ngòi bút tinh tế, sắc sảo, Lạc Hi đã thực sự chạm đến trái tim người đọc bằng ngôn ngữ của chính mình.
Chia sẻ