Để không mắc những dịch bệnh mùa đông xuân này, đây là những điều bạn luôn cần ghi nhớ

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Sáng 4/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân 2018.

Cẩn trọng những dịch bệnh mùa đông xuân và giáp Tết

Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, trong năm qua không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh có vaccine phòng bệnh tiếp tục được khống chế hiệu quả, giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.

Trong năm 2017, cả nước ghi nhận 183.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết (154.552 nhập viện) và 30 trường hợp tử vong; bệnh liên cầu lợn là 169 trường hợp, rải rác tại một số tỉnh miền Bắc, miền Nam, miền Trung, số mắc cao hơn so với năm 2016 (104 trường hợp). Bệnh thủy đậu là 38.898 trường hợp, so với năm 2016 số ca mắc bệnh tăng 45,9%, đặc biệt bệnh có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân.

Để không mắc những dịch bệnh mùa đông xuân này, đây là những điều bạn luôn cần ghi nhớ - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân 2018. (Ảnh: Minh Tuyết)

Bệnh viêm màng não do não mô cầu là 52 trường hợp, 3 tử vong, số mắc tăng 9 trường hợp, số tử vong giảm 3 trường hợp so với năm 2016 (43 trường hợp mắc, 6 trường hợp tử vong). Bệnh tay chân miệng là 105.953 trường hợp mắc (48.404 trường hợp nhập viện), 01 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện giảm 0,9%. Số mắc ghi nhận tăng từ tháng 7 và giảm liên tục từ cuối tháng 10 bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Bắc.

141 trường hợp dương tính với sởi, trong đó có gần 40% trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng; 353 trường hợp dương tính với ho gà, 3 trường hợp tử vong; trong đó có gần 38% trường hợp mắc là trẻ dưới 2 tháng, chưa đến tuổi tiêm chủng.

"Với các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà chỉ có cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm chủng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỷ lệ số trẻ mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm chủng khá cao. Hiện nay tuổi tiêm chủng mũi sởi là từ 9 - 12 tháng tuổi; mũi phòng bệnh ho gà là từ 2 tháng tuổi. Trong khi đó, theo khuyến cáo của thế giới, nếu trong trường hợp xảy ra dịch sởi vẫn có thể tiêm mũi phòng sởi trong độ tuổi 6 - 9 tháng", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Để không mắc những dịch bệnh mùa đông xuân này, đây là những điều bạn luôn cần ghi nhớ - Ảnh 2.

Với các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà chỉ có cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm chủng.

Người dân không nên thờ ơ

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh đông xuân sẽ những khó khăn thách thức như: Các bệnh nguy hiểm, mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập như cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng, dịch hạch… Những bệnh này cũng rất dễ bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch. Trong mùa đông xuân, mùa lễ hội có thời tiết lạnh ẩm, tập trung đông, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, tập trung đông người ăn uống cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, viêm màng não do não mô cầu, liên cầu lợn. Tỷ lệ tiêm chủng chưa bao phủ được hơn 95% quy mô xã phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận dịch y tế, khu vực có dân di biến động lớn. Bệnh sốt xuất huyết được dự đoán còn diễn biến phức tạp trong năm 2018..

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Văn Quý (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) nhấn mạnh, Hà Nội là thành phố đông dân cư, mật độ dân số lớn, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, di dân còn nhiều vấn đề nên rất dễ bùng phát các dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt. Để phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân 2018, UBND TP đã xây dựng 10 biện pháp phòng dịch cụ thể, có công văn gửi các Sở, ngành, UBND các quận huyện, thị xã phân công rõ nhiệm vụ.

Để không mắc những dịch bệnh mùa đông xuân này, đây là những điều bạn luôn cần ghi nhớ - Ảnh 3.

Bệnh sốt xuất huyết được dự đoán còn diễn biến phức tạp trong năm 2018..

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu toàn ngành cần có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng nhân lực, thuốc men, trang thiết bị y tế trong phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân, các dịch bệnh chưa xâm nhập vào Việt Nam, các bệnh chưa phát sinh thành dịch lớn. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phát huy vai trò của y tế cơ sở, trạm y tế tuyến xã, phường trong phòng chống, giám sát dịch bệnh theo phương châm "rà từng ngõ, gõ từng nhà".

Nhận định về tình hình dịch bệnh mùa Đông – Xuân trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các tỉnh miền Bắc cần lưu ý đến các bệnh về đường hô hấp; miền Nam lưu ý đến dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết; miền Trung cần lưu ý cả 3 bệnh trên. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vấn đề lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị và nhiễm trùng bệnh viện trong phòng chống dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu toàn ngành cần có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng nhân lực, thuốc men, trang thiết bị y tế trong phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân, các dịch bệnh chưa xâm nhập vào Việt Nam, các bệnh chưa phát sinh thành dịch lớn. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phát huy vai trò của y tế cơ sở, trạm y tế tuyến xã, phường trong phòng chống, giám sát dịch bệnh theo phương châm "rà từng ngõ, gõ từng nhà".

Chia sẻ