Đây là những thực phẩm các mẹ rất nên ăn nếu như đang cố gắng để thụ thai

Kim Vi,
Chia sẻ

Bạn đã được nghe nhiều về những thực phẩm có ích khi đang mang thai, còn những thực phẩm tốt cho việc thụ thai thì sao?

Khả năng sinh sản của con người rất phức tạp và phụ thuộc vào sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như sinh học, dinh dưỡng, xã hội và tình cảm. Theo chuyên gia dinh dưỡng Eleanor Thoms và Marianna Miles của Trung tâm sức khỏe Nourished Tribe Singapore (Singapore), để cơ thể chuẩn bị cho việc có em bé, các cặp vợ chồng cần kết hợp các loại thực phẩm bổ dưỡng từ sớm. Điều này nên được quan tâm ở cả nam và nữ do chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến cả chất lượng của trứng và tinh trùng.

Để tăng cơ hội thụ thai, các chuyên gia cho rằng các bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng này:

Các vitamin B: Axit folic, B6, B12

Đây là những thực phẩm các mẹ rất nên ăn nếu như đang cố gắng để thụ thai - Ảnh 1.

Việc cung cấp đầy đủ axit folic trước khi mang thai không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh gai cột sống cho em bé mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất DNA cho cả trứng và tinh trùng. Các chuyên gia cũng nói thêm rằng, các vitamin B6, B12 và axit folic làm giảm một hợp chất gọi là homocysteine - một hợp chất liên kết với các nguyên nhân gây sảy thai.

Nên ăn gì: Nguồn cung cấp axit folic tốt nhất là trái cây họ cam, quýt, đậu, bơ và rau xanh. Các loại rau xanh như cải xoăn, rau bina, bông cải xanh, cải bắp là nguồn cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Đối với vitamin B6, các bạn có thể dùng các loại hạt hướng dương, chuối, sữa và trứng. Vitamin B12 thì có nhiều trong các sản phẩm sữa, trứng, cá, thịt và gia cầm.

Kẽm

Đây là những thực phẩm các mẹ rất nên ăn nếu như đang cố gắng để thụ thai - Ảnh 2.

Hạt bí ngô là một nguồn cung cấp kẽm tuyệt vời (Ảnh minh họa)

Chuyên gia Thoms và Miles đã lưu ý rằng, kẽm có liên quan đến khả năng sinh sản ở phụ nữ, phụ nữ thiếu kẽm có khả năng sinh sản thấp hơn và nguy cơ sảy thai tăng lên. Ở nam giới, lượng kẽm không đủ có liên quan đến số lượng tinh trùng giảm.

Nên ăn gì: Để tăng lượng kẽm cho cơ thể, bạn nên sử dụng các loại thực phẩm như hạt bí ngô, thịt nạc, thịt gia cầm và các loại động vật có vỏ (đặc biệt là hàu). Các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng bạn nên sử dụng các loại hạt hữu cơ thô giàu kẽm và các khoáng chất.

Chất chống oxy hóa: Selen, vitamin C và E

Đây là những thực phẩm các mẹ rất nên ăn nếu như đang cố gắng để thụ thai - Ảnh 3.

Ớt đỏ chứa nhiều vitamin C có thể giúp làm tăng chất lượng của tinh trùng được sản sinh (Ảnh minh họa)

Selenium là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ trứng khỏi tác hại của các gốc tự do, có liên quan đến sự hình thành tinh trùng ở nam giới.Vitamin E là một chất chống oxy hóa đặc biệt cần thiết cho sự rụng trứng và tinh trùng khỏe mạnh.

Nên ăn gì: Thực phẩm chứa nhiều selen bao gồm các loại hạt, hàu, cá, hạt hướng dương và thịt lợn. Vitamin E có nhiều trong trứng, rau xanh, các loại hạt, mầm lúa mì và dầu ép lạnh. Một khẩu phần bơ vừa đủ hàng ngày giúp cung cấp nhiều chất béo tốt, vitamin E và Magie. Trái cây họ cam quýt, rau xanh, ớt đỏ, bông cải xanh và quả mọng đều giàu vitamin C (giúp tăng cường chất lượng tinh trùng).

Beta-carotene và Vitamin A

Đây là những thực phẩm các mẹ rất nên ăn nếu như đang cố gắng để thụ thai - Ảnh 4.

Khoai lang là một trong những thực phẩm chứa nhiều beta-carotene và vitamin A (Ảnh minh họa)

Không nên dùng vitamin A liều cao dạng bổ sung trong khi mang thai, beta-carotene là tiền chất thực vật của vitamin A và dễ dàng tiêu thụ hơn. Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất trứng khỏe mạnh đồng thời bảo vệ DNA của trứng va tinh trùng khỏi bị hư hại.

Nên ăn gì: Beta-carotene và Vitamin A được tìm thấy nhiều trong khoai lang, bí ngô, trái cây và các loại rau quả có màu vàng, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau xanh, cá và trứng.

Sắt và I-ốt

Đây là những thực phẩm các mẹ rất nên ăn nếu như đang cố gắng để thụ thai - Ảnh 5.

Cá là thực phẩm chứa rất nhiều sắt và i-ốt cần thiết cho cơ thể (Ảnh minh họa)

Phụ nữ có thể dễ bị thiếu sắt trong kỳ kinh nguyệt của mình và mức sắt giảm đi cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.

Nên ăn gì: Bạn nên cung cấp đầy đủ sắt trong chế độ ăn uống của mình thông qua các loại thực phẩm như thịt đỏ và gan, cá, trứng, rau xanh, bông cải xanh và các loại trái cây như mận, mơ.

I-ốt đóng vai trò cơ bản trong việc hỗ trợ sản xuất hoocmon tuyến giáp, có tác động trực tiếp đến nội tiết tố của phụ nữ cũng như sự phát triển của thai nhi. Bạn có thể bổ sung i-ốt vào chế độ ăn của mình với các loại rong biển, cá, động vật có vỏ và trứng.

Axit béo omega 3

Đây là những thực phẩm các mẹ rất nên ăn nếu như đang cố gắng để thụ thai - Ảnh 6.

Hạt lanh cung cấp rất nhiều omega 3 và giúp cân bằng lượng estrogen dư thừa trong cơ thể (Ảnh minh họa)

Nếu như bạn đang cố gắng để thụ thai thì hãy quên đi việc ám ảnh của đồ ăn béo. Chuyên gia Thoms và Miles giải thích rằng, axit béo Omega 3 là vô cùng cần thiết, nó có tác động đến chức năng hoocmon của phụ nữ. Nó cũng góp phần quan trọng vào việc sản xuất tinh trùng khỏe mạnh ở đàn ông.

Nên ăn gì: Hạt lanh cung cấp rất nhiều omega 3 và giúp cân bằng lượng estrogen dư thừa trong cơ thể. Bạn hãy ngâm hạt lanh trong nước ít nhất 4 giờ và thêm chúng vào bữa sáng hàng ngày. Bạn cũng có thể xen kẽ hạt lanh với hạt chia và thử kết hợp chúng vào một vài món ăn tráng miệng. Các loại cá có dầu như cá hồi, cá mòi, cá thu, quả óc chó, rau xanh, đậu phụ cũng là những thực phẩm chứa rất nhiều omega 3.

Vitamin D

Đây là những thực phẩm các mẹ rất nên ăn nếu như đang cố gắng để thụ thai - Ảnh 7.

Các loại cá có dầu như cá hồi là một nguồn cung cấp vitamin D rất dồi dào (Ảnh minh họa)

Vitamin D là chất dinh dưỡng then chốt cho hoạt động của hệ thông miễn dịch của bạn. Hàm lượng vitamin D thấp có thể làm giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Nên ăn gì: Ngoài việc tổng hợp và hấp thụ vitamin D dưới ánh sáng mặt trời, bạn có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm như trứng, nấm, cá có dầu.

Ngoài việc sử dụng các loại thực phẩm dinh dưỡng trên bạn cũng nên tránh sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống như rượu, đường, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có gas, caffein và cacbonhidrat tinh chế.

Nguồn: Smart Parent

Chia sẻ