Đây là người phụ nữ lên tiếng: "Tết sao không đơn giản đi cho phụ nữ bớt cực nhọc!"

Min,
Chia sẻ

"Nếu vẫn những việc phải làm ngày Tết đó nhưng người phụ nữ cảm thấy vui vẻ và thoải mái thì cứ để cho họ làm, nhưng nếu họ làm và cảm thấy rất mệt mỏi thì đơn giản hoá Tết để phụ nữ bớt cực hơn tất nhiên là việc nên làm."

Xuân về Tết đến, đây là thời điểm của niềm vui và cũng chính là thời điểm của những cuộc tranh cãi, xoay quanh vấn đề ăn Tết nội hay đón Tết ngoại, về sự nhọc nhằn của phụ nữ đôi ba ngày xuân. Người ta kêu ca rằng sao đàn ông sướng quá, trong khi các chị em đang khổ sở, ba đầu sáu tay lo toan việc nhà mà chuẩn bị đón Tết, liệu đó có phải là quá bất công, mà bất công thì tại sao không đơn giản Tết đi, cho phụ nữ bớt cực nhọc (!?)

"Không ai muốn cực cả, chắc chắn là như vậy"

Kỳ thực mà nói, Tết về đến nhà thì chỉ có đàn bà phụ nữ là khổ nhất, không ai có thể phủ nhận điều đó, nhìn quanh quẩn đi để thấy những minh chứng hùng hồn nhất, các bà, các mẹ kìa,... quần quật lo cho gia thất, dọn dẹp, nấu ăn cúng kiếng các kiểu cho đôi ba ngày Xuân mà thời gian ngơi nghỉ cũng không có, liệu đó có phải là ý nghĩa cao đẹp nhất của Tết mà người ta hay ra rả bảo nhau là Tết hạnh phúc, Tết đoàn viên và Tết sum vầy?

Đây là người phụ nữ lên tiếng: Tết sao không đơn giản đi cho phụ nữ bớt cực nhọc! - Ảnh 1.

"Tôi thấy rất ích kỷ và vô lý nếu chúng ta cứ để cho người phụ nữ cùng cực khổ sở dịp này" (Ảnh: Facebook nhân vật)

"Với những gì tôi quan sát và nghe thấy những câu chuyện được chia sẻ xung quanh mình, tôi cho rằng đối với rất nhiều phụ nữ thì Tết đúng là nỗi ám ảnh. Ngày thường họ đã vất vả 1, Tết họ vất vả 100 khi phải chu toàn rất nhiều thứ, trong khi đáng lẽ đây phải là dịp họ được thả lỏng cả tinh thần lẫn thể chất sau một năm vất vả chu toàn vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội"

Đó là lời chia sẻ của dịch giả, nhà đồng sáng lập nên tổ chức Yêu Động Vật tại Việt Nam, Vi Thảo Nguyên về ngày Tết của đa số phụ nữ xung quanh mình. Quả thật với chị đó là một nỗi ám ảnh khi nghĩ về cái cảnh nấu nướng, tiệc tùng, quét tước, dọn dẹp,... mà phận đàn bà của gia đình phải làm suốt mùa Tết. Chị nghĩ Tết thật sự cần đơn giản đi để những người phụ nữ khổ cực như trên bớt mệt mỏi phần nào, tuy nhiên:

"Không ai muốn cực cả, chắc chắn là như vậy. Nếu vẫn những việc phải làm ngày Tết đó nhưng người phụ nữ cảm thấy vui vẻ và thoải mái thì cứ để cho họ làm, nhưng nếu họ làm và cảm thấy rất mệt mỏi thì đơn giản hoá Tết để phụ nữ bớt cực hơn tất nhiên là việc nên làm. Tôi thấy rất ích kỷ và vô lý nếu chúng ta cứ để cho người phụ nữ cùng cực khổ sở dịp này chính là đã đi ngược lại với ý nghĩa của ngày Tết, đó là đoàn viên, yêu thương, sum họp..."

Đây là người phụ nữ lên tiếng: Tết sao không đơn giản đi cho phụ nữ bớt cực nhọc! - Ảnh 2.

Vi Thảo Nguyên cũng từng gây sốt vì bộ ảnh cưới giản đơn (Ảnh: Facebook nhân vật)

Rõ ràng là vậy, chúng ta không nên vội vàng quy chụp tất cả đều cảm thấy làm những việc nội trợ trong Tết là cực khổ, cũng có những người phụ nữ chấp nhận làm. và làm vui nữa là khác. Còn lại, các chị, các mẹ cảm thấy nhọc nhằn quá thì rõ ràng Tết cần phải giản đơn đi. Nói về Tết giản đơn thì chị Thảo Nguyên cũng chia sẻ quan điểm của mình:

"Tôi nghĩ khái niệm "đơn giản" còn tuỳ mỗi người. Với tôi, Tết đơn giản là Tết khiến cho người ta nghĩ đến là thấy nôn nao, háo hức, mong chờ vì biết là sẽ có thêm thời gian dành cho gia đình, bạn bè hay chỉ đơn giản là làm những việc mình thích, thay vì nghe nhắc đến "Tết" là ai nấy nổi da gà nghĩ đến cảnh dọn dẹp, tiệc tùng, xấc bấc xang bang chạy về nhà này chạy về nhà kia, hay thậm chí là gây nhau cãi nhau chỉ vì "Tết này về nhà ai". Tết đơn giản là mọi thứ được đơn giản hoá, kể cả các lễ nghi."

"Tôi nghĩ khái niệm "đơn giản" còn tuỳ mỗi người", đúng quá đó chứ, bởi tùy vào mỗi gia cảnh, quan niệm niềm tin về các vấn đề tâm linh ngày Tết, thậm chí là cả về điều kiện mà mỗi gia đình đều có cách hình thành hai chữ "đơn giản" khác nhau.

Đây là người phụ nữ lên tiếng: Tết sao không đơn giản đi cho phụ nữ bớt cực nhọc! - Ảnh 3.

"Tết đơn giản là mọi thứ được đơn giản hoá, kể cả các lễ nghi." (Ảnh minh họa)

"Tết với tôi đơn giản là một kì nghỉ dài"

"Tết của tôi có lẽ gọn nhẹ và tối giản hơn Tết của rất nhiều phụ nữ khác. Tết với tôi đơn giản là một kỳ nghỉ dài ngày, là dịp mà tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và thả lỏng đầu óc sau một năm tập trung làm việc. Mọi hoạt động cúng kiếng cũng ở mức cơ bản, gọn nhẹ nhất."

Nếu ai cũng nghĩ được Tết như một kì nghỉ dài thì tốt quá, mà nếu có nghĩ được như vậy thì chắc gì được tận hưởng như một kì nghỉ hay đơn giản là một ngày nghỉ cuối tuần bình thường đâu. Phụ nữ nghỉ Tết về nhà thì được dừng công việc nhiều thật nhưng lại tất bật lo cho gia đình, vậy thấu tình đạt lý mà nói, đó không hẳn là một kỳ nghỉ thực thụ của phụ nữ, mà nó là một mớ công việc thường niên mà phụ nữ buộc phải làm. Làm trong hạnh phúc hay khổ đau thì chắc tự mọi người với nhau hiểu, đó là điều không dễ nói ra, phụ nữ mà, bị kìm kẹp nhiều thứ lắm.

Đây là người phụ nữ lên tiếng: Tết sao không đơn giản đi cho phụ nữ bớt cực nhọc! - Ảnh 4.

Cũng có những người phụ nữ thích làm những công việc ngày Tết và cũng có những người cảm thấy thật bất công (Ảnh minh họa)

Thi thoảng, đôi khi người ta cũng nhận ra là phụ nữ ba bốn ngày xuân quá mệt mỏi, nên từ phía xa họ nói vọng vào nhà "sao anh không giúp vợ anh đi, anh chồng!?"...

"Tôi không thích khái niệm "giúp vợ". Tết là của ai mà chỉ có phụ nữ phải cực còn các anh nếu làm gì đó lại là đang "giúp" vợ? Chính suy nghĩ đàn ông làm gì cũng là để "giúp" vợ nên gánh nặng mới luôn ở trên vai của người phụ nữ. Đôi khi không biết tôi có suy nghĩ đơn giản quá không, nhưng tôi cứ nghĩ đàn ông chẳng cần phải làm gì to tát vào những ngày Tết cả, chỉ cần người phụ nữ của các anh làm gì thì các anh cùng làm với họ việc đó, san sẻ công việc cùng nhau, thay vì chỉ ngồi chỉ tay năm ngón và đòi hỏi, như vậy thì tôi nghĩ Tết sẽ vui hơn rất nhiều và không còn là nỗi ám ảnh của các chị các cô nữa" - chị Vi Thảo Nguyên cứng rắn nói.

Đây là người phụ nữ lên tiếng: Tết sao không đơn giản đi cho phụ nữ bớt cực nhọc! - Ảnh 5.

Vi Thảo Nguyên trong chuyến đi du lịch hồi đầu năm này (Ảnh: Facebook nhân vật)

Muốn thay đổi, phải bắt nguồn từ nếp nghĩ của cả đàn ông và đàn bà

Tuy nhiên, nếu chỉ hô hào "Tết cần phải đơn giản đi, cho phụ nữ bớt cực nhọc" thì cũng không có gì khác, cái hành trình đi từ rườm rà tới đơn giản đôi ba ngày Tết cho phù hợp với mỗi nhà, mỗi cảnh thì nó dài lắm. Tất nhiên nó phải bắt nguồn từ gia đình, từ những người đàn ông hay từ chính những người vợ như chị Vi thảo Nguyên có nói, muốn thay đổi phải bắt nguồn từ cả đàn ông và đàn bà, sâu xa hơn là bắt nguồn từ chính tư duy của người trong cuộc.

"Tôi nghĩ phải bắt đầu từ cả hai, cả đàn ông lẫn đàn bà. Thật ra tôi nghĩ là khó, vì quan trọng là thay được nếp nghĩ thì sẽ đổi được những thứ còn lại thôi, nhưng vấn đề nếp nghĩ lại là yếu tố khó thay, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Đàn ông có thể bắt đầu bằng việc bớt đòi hỏi đàn bà trăm nghìn thứ phải làm ngày Tết, đa phần đều nhân danh lễ nghi tập tục truyền thống nhưng thực chất cũng chỉ là ý muốn và đòi hỏi cá nhân của các ông; nếu các ông không muốn bớt đòi hỏi lại thì cũng được thôi, thế thì cứ xắn tay áo vào cùng làm với vợ thì sau một mùa Tết các ông sẽ tự thay đổi thôi.

Còn đàn bà để thay đổi được việc này tôi nghĩ càng khó hơn; khó ở đây chính là do các chị cứ "thôi kệ", "thôi ráng", "cả năm mới có một dịp"... Tôi nghĩ cho dù nhân danh cái gì cũng vậy, càng nhân danh những thứ cao đẹp thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Tết chỉ đẹp chỉ giữ được đúng giá trị của nó khi không có ai cảm thấy "cực hình" hay "ám ảnh" về những trách nhiệm hay bổn phận phải làm. Người ta vẫn nói "vui như Tết" mà, thế thì phải vui chứ, sao lại chỉ có đàn ông vui còn đàn bà phải rầu rĩ vì gánh nặng ngày Tết? Như tôi có đề cập ở trên, nếu các chị cảm thấy vui thích và muốn làm thì tốt rồi, nhưng nếu cảm thấy đó là gánh nặng, là áp lực, vậy thì phải thay đổi"

Đây là người phụ nữ lên tiếng: Tết sao không đơn giản đi cho phụ nữ bớt cực nhọc! - Ảnh 6.

Vi Thảo Nguyên cùng chồng (Ảnh: Facebook nhân vật)

Thậm chí chị còn nói, đôi khi có những cái nhỏ xíu mà mình không nhận ra, thực chất nó là một gánh nặng gián tiếp, đè lên đôi vai người phụ nữ mấy ngày Tết như việc người ta hay nói "ăn Tết" thay vì "đón Tết", tất nhiên là hai từ đó, nó còn tùy vào mỗi ngữ cảnh nhưng với chị, những thứ gắn liền với từ "ăn" thì sẽ nằm gói gọn trong bếp, mà đã gói gọn trong bếp thì người ta cũng mặc nhiên nghĩ đàn bà phụ nữ là "bá chủ" trong đó rồi, nên họ phải làm thôi, cho mọi người "ăn Tết" mà.

Tất cả những thứ "vô tình" nho nhỏ như vậy, như một cái đòn bẩy, đẩy phụ nữ lên cao hơn, cao ngang ngữa một bức tượng đài, để ngày ngày làm những "chuyện thiêng liêng" mà chính đàn bà nghĩ đó là thiên chức và đàn ông thì nghĩ đó là nghĩa vụ cao cả, rồi dần dà, đàn bà phụ nữ tự dưng bị dồn vào thế ép, cứ thế trôi đi, đến Tết thay vì hưởng thụ, chị em lại phải xấc bấc xang bang, "đàn bà mà", "Tết mà",... rồi khi mệt quá có ai đỡ đần cho đâu.

Đây là người phụ nữ lên tiếng: Tết sao không đơn giản đi cho phụ nữ bớt cực nhọc! - Ảnh 7.

"Tết là để vui thì sao lại không chịu chọn vui đi hả chị em?" (Ảnh minh họa)

Đó, bởi vậy mới nói, muốn chị em phụ nữ bớt cực nhọc thì Tết cần phải giản đơn đi, đơn giản chút nào hay chút nấy. Tuy nhiên những cái đơn giản bớt đi không thể nói cụ thể ra ngay được, bởi tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện và nếp gia mà chị em, chồng con tự gói ghém lại sao cho vẫn giữ nguyên được những thứ cốt lõi cần thiết ngày Tết, của riêng gia đình mình. Tết là để vui thì sao lại không chịu chọn vui đi hả chị em?

Chia sẻ