Đây là lý do bố mẹ nên cho con vào bếp sớm nhất có thể

Lam Phương,
Chia sẻ

Hầu như cha mẹ nào cũng cho rằng để trẻ sử dụng dao làm bếp hay tự dùng lò vi sóng là việc vô cùng nguy hiểm. Nhưng ít ai biết rằng những công việc này thực ra lại rất có ích đối với sự phát triển của trẻ.

Cảm xúc lần đầu tiên nhìn con cầm dao thái từng lát cà rốt cũng chẳng khác gì khi cha mẹ nhìn con lẫm chẫm bước những bước đi đầu đời, vừa vui vì con có những tiến bộ bước đầu, vừa lo sợ con sẽ bị thương. Cha mẹ lo con đứt tay, chảy máu vì dùng dao cũng là lẽ bình thường, nhưng nếu cứ bảo bọc con một cách thái quá như vậy thì chẳng mấy chốc khi con lớn lên, con sẽ chẳng biết làm bếp là gì mà sẽ ăn hàng luôn cho nhanh gọn như một thói quen. Và hậu quả của thói quen ấy còn khủng khiếp hơn nhiều so với việc con lỡ bị trầy da khi sử dụng dao trong bếp.
 
Ngăn con không được đụng đến dao còn gây ra nhiều hậu quả khủng khiếp hơn là đứt tay hay trầy xước.

Dưới đây là những lời khuyên nhằm giúp các bậc cha mẹ giảm bớt lo lắng khi cho con dùng dao và lò vi sóng và có thể khuyến khích con vào bếp:

1. Cho phép trẻ nấu các món ăn thật sự (ngoài nướng bánh cookies)

Mẹ và bé sẽ có một khoảng thời gian vui vẻ bên nhau khi cùng nướng bánh, nhưng nếu bạn muốn con thật sự để tâm vào việc nấu ăn thì hãy động viên con làm những món bé thường ăn như khoai tây rán, trứng chiên, gà thái lát,… Dần dần, bé sẽ bỏ túi kinh nghiệm làm một số “món tủ” cho mình. Tập cho con tâm thế nếu con muốn ăn gì, con có thể tự sử dụng dao thành thạo và nấu được thức đó.

2. Tin tưởng giao “trọng trách” cho con

Thông thường, cha mẹ cho con vào bếp đa số sẽ chỉ điều khiển, sai vặt con. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyên rằng bạn nên để con tự quyết: nấu món gì, nêm nếm ra sao, ăn cùng với món nào. Khi con thấy mình có trọng trách là bếp trưởng, phải nghĩ ra cả thực đơn cho một bữa ăn cũng như công thức cho các món riêng biệt (khi đó mẹ là bếp phó thôi) thì bé sẽ thấy rất hào hứng vì mình có quyền hạn lớn, do đó sẽ có động lực để nấu hơn.
 
Bố mẹ nên tin tưởng giao trọng trách làm "bếp trưởng" cho con.

3. Không cần cách ly dao sắc và bếp nấu khỏi trẻ

Trước khi cho phép con sử dụng dao, bạn cần cung cấp cho con những kĩ năng cơ bản đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với đồ sắc nhọn. Sau đó, hãy tin tưởng cho con sử dụng những dụng cụ ấy (tất nhiên dưới sự giám sát của người lớn) vì nếu chỉ đứng nhìn mà không được thực hành, con sẽ rất nhanh chán. 

4. Đừng cằn nhằn nếu con bày ra “bãi chiến trường trong nhà bếp”

Nếu con lỡ đánh đổ bột ra sàn nhà, làm bắn nước sốt lên kệ bếp thì bạn cũng đừng vội cằn nhằn mà cướp đi niềm vui nấu nướng của con. Tất nhiên con phải biết rằng đã nấu ăn thì phải dọn dẹp sạch sẽ, nhưng đừng để việc đó làm gánh nặng ngăn con thỏa trí sáng tạo trong căn bếp của mình.
 
Đừng nên cằn nhằn khi con biến bếp thành bãi chiến trường.
 
5. Hít một hơi thật sâu

Nếu bạn đang vội chuẩn bị cơm khách mà con cứ nhèo nhẽo đòi nấu cùng thì hãy nói một cách nhẹ nhàng cho con hiểu rằng tạm thời bạn chưa cần con giúp. Còn nếu như bạn gắt gỏng, mắng con cái này chưa phải cái kia chưa đúng thì hãy tìm một thời gian khác để nấu ăn cùng con, bởi tâm trạng hiện tại của bạn vô cùng không thích hợp. Khi mà con nấu nướng thành thạo thì bé sẽ là một trở thủ đắc lực cho các mẹ đó.

6. Không nói chuyện

Dạy con nấu ăn cũng giống như việc nuôi dạy con cái nói chung, bạn càng nói ít càng tốt. Thật vậy, nếu con hỏi thì bạn hãy trả lời nhiệt tình, còn không thì hãy giữ im lặng bởi vì nếu bạn nói quá nhiều, con sẽ có cảm giác bạn đang cố chỉ đạo chúng. Vậy nên hãy để trẻ tự thân vận động trước đã. Khi cần nhận xét hoặc hướng dẫn, cố gắng tỏ ra khích lệ càng nhiều càng tốt, đừng để không khí nồng mùi chỉ trích nhé.

7. Bước ra khỏi căn bếp

Ắt hẳn bạn sẽ không thể thấy yên tâm khi lần đầu tiên để con nấu ăn mà không có mình bên cạnh giám sát. Thế nhưng bạn à, chính lúc đối đầu với những thử thách bất ngờ sẽ là lúc con bạn vận dụng tất cả những kĩ năng đã học được để xử lí tình huống đó. Và biết đâu, tài năng ẩn dấu sẽ có dịp được bộc lộ thì sao?

Với một số kinh nghiệm chia sẻ trên đây, hi vọng các bậc cha mẹ có đủ sự bình tĩnh để động viên, khuyến khích con trẻ vào bếp. Dù con không thành siêu đầu bếp thì ít nhất, con cũng biết tự phục vụ mình khi đói bụng.

Nguồn: Washingtonpost
Chia sẻ