Đây là 6 nguyên tắc kỷ luật lỗi thời bố mẹ không nên áp dụng với con mình nữa

Lam Phương,
Chia sẻ

Có nhiều phương pháp rèn luyện kỷ luật cho trẻ được phần lớn bố mẹ sử dụng, chẳng hạn như time out nhưng hóa ra lại không hiệu quả như chúng ta vẫn tưởng.

Giải quyết những tình huống khi trẻ phạm lỗi và cư xử không ngoan luôn là điều không hề dễ dàng và tìm ra được hương pháp rèn kỷ luật cho con phù hợp và hiệu quả lại thêm muôn phần khó khăn. Theo tiến sĩ Vanessa Lapointe, tác giả cuốn sách “Discipline without Damage”( Kỷ luật không gây tổn thương), hầu hết các phương pháp phổ biến hiện nay, dù ít hay nhiều, đều thực chất có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về lâu về dài cho trẻ. Bà cho biết: “Về khoa học chúng tôi biết rằng thực ra trẻ cần mối liên kết về cảm xúc với bố mẹ để có thể phát triển tốt.”

Trong khi đó, những phương pháp phổ biến hiện nay đều đang thiếu đi yếu tố này. Sau đây là 6 phương pháp rèn luyện kỷ luật cho con mà bố mẹ nên tránh:

1. Đánh đòn

Đây là 6 nguyên tắc kỷ luật lỗi thời bố mẹ không nên áp dụng với con mình nữa - Ảnh 1.

Đánh đòn thực chất chỉ khiến cho trẻ cư xử hư và không nghe lời hơn theo thời gian (Ảnh minh họa).

Ngoài vấn đề về đạo đức thì còn có vô số những nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng phương pháp có phần bạo lực này rất phản tác dụng. Nhà tâm lý học hành vi Elizabeth Gershoff, phó giáo sư về Khoa học Gia đình và Phát triển Con người tại Đại học Texas cho rằng: ”Đánh đòn thực chất chỉ khiến cho trẻ cư xử hư và không nghe lời hơn theo thời gian. Dần dần bố mẹ cũng sẽ thấy khó dạy con hơn.”

2. Phạt bằng cách bắt con làm những gì con không thích

Tiến sĩ Vanessa cho rằng mặc dù trẻ cần được rèn kỷ luật nhưng thông thường bố mẹ thường dùng cách phạt con mỗi lần con cư xử không ngoan hoặc mắc lỗi bằng cách bắt con làm một điều gì đó con không thích, chẳng hạn như làm công việc nhà mà con ghét. Làm như vậy là bố mẹ đang vô tình khiến con ghét mình và làm xa dần sự liên kết về mặt tình cảm với con.

3. Tước đi những quyền lợi của con

Cũng giống như phương pháp trên, phương pháp này có thể khiến trẻ cảm thấy ghét bố mẹ mình bởi chúng sẽ thấy hành động của bố mẹ là vô lý. Tước đi Ipad mà con đang dùng hay không cho con ăn bim bim nữa chẳng hạn có thể sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

4. Time out

Đây là 6 nguyên tắc kỷ luật lỗi thời bố mẹ không nên áp dụng với con mình nữa - Ảnh 2.

Phương pháp time out vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi và nhiều người cho rằng nó không hiệu quả như chúng ta vẫn tưởng (Ảnh minh họa)..

Time out hay cho trẻ thời gian tự kiểm điểm là một phương pháp cực kì nổi tiếng đang được ngày càng nhiều các bậc phụ huynh áp dụng. Tuy nhiên đây là phương pháp vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi và nhiều người cho rằng nó không hiệu quả như chúng ta vẫn tưởng.

Theo như tiến sĩ Tina Payne Bryson và Daniel J. Seigel, 2 tác giả của cuốn sách “No-Drama Discipline”, time out thường không có hiệu quả như mong muốn: “Trong thời gian time out, trẻ có thể sẽ suy nghĩ rằng mình thật không may mắn khi có một ông bố/bà mẹ xấu tính và không công bằng, và nó cũng có nghĩa là bạn đang bỏ lỡ cơ hội để trẻ tự phát triển khả năng thấu hiểu, đồng cảm và kĩ năng giải quyết vấn đề.” Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu bố mẹ cho trẻ cơ hội để sửa sai ví dụ như bố mẹ có thể hỏi con: “Con có thể làm gì để sửa sai?”.

5. Tặng thưởng

Đây là 6 nguyên tắc kỷ luật lỗi thời bố mẹ không nên áp dụng với con mình nữa - Ảnh 3.

Bố mẹ không nên dùng phần thưởng để "trao đổi" việc con phải ngoan ngoãn và nghe lời (Ảnh minh họa).

Thưởng cho con có thể là một cách tích cực để khuyến khích trẻ cư xử ngoan nhưng đừng để điều đó đánh lừa bạn. Bố mẹ không nên dùng phần thưởng để “trao đổi” việc con phải ngoan ngoãn và nghe lời. Xét ở nhiều khía cạnh, phần thưởng sẽ không chỉ phản tác dụng giáo dục mà còn khiến bố mẹ càng ngày càng xa cách với con cái.

6. Làm con xấu hổ

Nhiều bố mẹ tưởng rằng làm con xấu hổ bằng cách chỉ ra những điểm xấu của con sẽ có thể khiến con có động lực để sửa sai tuy nhiên đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2010 đã cho thấy mối liên kết giữa làm con xấu hổ với những triệu chứng của lo âu ở trẻ, như tiến sĩ Vanessa nói: “Chúng ta muốn trẻ phải có một sự kết nối giữa trí não và cảm xúc. Nhưng khi chúng ta nói những điều làm con xấu hổ, chúng ta lại đang cách ly con ra khỏi cái tôi và sự tự tin của chúng.”

Nguồn: Housekeeping

Chia sẻ