Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Con bị hóc thức ăn hoặc đồ chơi là cơn ác mộng tồi tệ nhất của bất cứ cha mẹ nào. Số liệu thống kê cho thấy, hóc nghẹn là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương và tử vong ở trẻ, đặc biệt những bé dưới 4 tuổi.

Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã tổng hợp danh sách 9 loại thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây hóc nghẹn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Isobel Kearl của St John Ambulance - tổ chức chuyên thực hiện việc giảng dạy và thực hành sơ cứu y tế ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới - cho hay: "Bất cứ thứ gì có kích cỡ bằng trái nho hoặc tương tự đều tiềm ẩn nguy cơ gây hóc nghẹn. Do đó, chúng tôi khuyến khích phụ huynh chế biến thức ăn cho trẻ thành những miếng nhỏ phù hợp và cần hết sức thận trọng. Hãy đảm bảo rằng khi con ăn, luôn có người lớn ở bên để giám sát mọi lúc".

1. Xúc xích, bánh mì kẹp xúc xích

Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Các chuyên gia AAP gợi ý, nên cắt xúc xích và bánh mì kẹp xúc xích theo chiều dọc. Việc này giúp trẻ không gặp nguy hiểm với những miếng hình tròn nếu được cắt theo chiều ngang. Chúng có thể tạo thành một nút chặn ở họng trẻ.

Tiến sĩ Gary Smith, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chấn thương và chính sách tại Bệnh viện Nhi Nationwide, bang Ohio, chia sẻ: "Nếu bạn mời những kĩ sư giỏi nhất thế giới và cố gắng để thiết kế một cái nút chặn hoàn hảo cho đường thở của trẻ, thì thứ được chọn chắc chắn là một chiếc bánh mì kẹp xúc xích".

2. Nho

Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Hóc nho là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 3 trong các ca trẻ thiệt mạng vì tai nạn hóc nghẹn liên quan tới thức ăn.

Báo cáo mới được đăng tải trên tạp chí Archives of Disease in Childhood cho thấy, kích cỡ và hình dáng của trái nho đồng nghĩa với việc chúng có thể bịt kín hoàn toàn đường thở của trẻ.

Cha mẹ được khuyên nên cắt nho theo chiều dọc.

3. Táo

Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh 3.

Trước hết, nên gọt vỏ táo - phần vỏ dai giòn có thể dính vào họng trẻ và khiến bé bị nghẹn.Táo nên được thái nhỏ hoặc nghiền nhuyễn hoặc chế biến cho tới khi chúng trở nên thật mềm và xốp (tất nhiên, phần lõi đã được loại bỏ).

Theo St John Ambulance, cha mẹ không nên để trẻ ăn trong xe, khi đi bộ, xem tivi hay làm bất cứ việc gì đó có thể khiến bé xao lãng việc nhai và nuốt hoặc khi bạn không thể ở bên để giám sát con.

4. Kẹo dẻo

Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh 4.

Tránh đưa cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ kẹo dẻo. Chúng có thể nở phồng lên và giãn ra khi bị tắc trong họng bé, vì thế càng gây khó khăn cho việc lấy kẹo ra nếu bé bị nghẹn.

Trong một báo cáo cho AAP, Tiến sĩ Gary Smith điểm mặt kẹo dẹo trong danh sách những thực phẩm không nên đưa cho trẻ dưới 4-5 tuổi.

5. Cà rốt

Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh 5.

Cà rốt sống là một loại thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây hóc nghẹn khác ở trẻ. Theo Tiến sĩ Smith, không nên đưa cho trẻ dưới 4-5 tuổi cà rốt, nhất là những miếng cà rốt cắt theo chiều ngang.

Trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới chập chững biết đi cắn một miếng cà rốt sống rất cứng, trẻ có thể bị hóc nghẹn. Vì vậy, hãy luôn nấu chín cà rốt cho tới khi nó mềm và cắt thành miếng dài.

AAP cũng khuyến nghị các cha mẹ nên chế biến thực phẩm thành miếng, có kích thước không quá 1/2 inch (1,27cm).

6. Các loại hạt

Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh 6.

Theo lời khuyên từ Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh NHS, các loại hạt, trong đó có lạc, không nên đưa cho trẻ dưới 5 tuổi, vì chúng có thể gây hóc nghẹn.

7. Bơ lạc

Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh 7.

Đặc điểm đặc, sệt của bơ lạc đồng nghĩa với việc trẻ sẽ gặp khó khăn khi nuốt. Không bao giờ được dùng thìa xúc bơ lạc để đút cho trẻ. Thay vào đó, hãy phết một lớp mỏng lên bánh mì.

Trừ khi con bạn không bị dị ứng thực phẩm – và không có tiền sử dị ứng trong gia đình - trẻ sơ sinh chỉ nên được ăn bơ lạc khi đã 6 tháng tuổi.

8. Kẹo caramen/kẹo cao su

Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh 8.

Hình dáng của kẹo caramen hoàn toàn có thể làm nghẹn họng bé. Cơ quan ngăn ngừa tai nạn Anh Royal Society for the Prevention of Accidents cho biết, không nên đưa kẹo caramen cho trẻ dưới 4 tuổi.

Trong khi đó, AAP cũng cảnh báo không đưa kẹo cao su cho trẻ trừ khi trẻ đủ lớn để hiểu rằng, đây là loại kẹo không được nuốt.

9. Bỏng ngô

Danh sách những loại đồ ăn dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh 9.

Đã có những tai nạn thương tâm xảy ra và kết cục là trẻ nhỏ thiệt mạng vì bị nghẹn bỏng ngô.

Theo AAP, không được đưa bỏng ngô cho trẻ dưới 4-5 tuổi. Bởi trẻ nhỏ chưa thể nhai kỹ bỏng ngô tới độ khiến nó mềm hoàn toàn và không gây hại cho cổ họng.

Các bước cần làm khi trẻ bị hóc nghẹn:

1. Ho dị vật ra

Động viên trẻ ho dị vật đang kẹt trong cổ họng ra. Nếu không hiệu quả, hãy thử cách vỗ vào lưng.

2. Vỗ vào lưng trẻ

- Giúp trẻ gập người về trước và dùng cùi tay để vỗ 5 lần thật mạnh vào vị trí giữa 2 bả vai trẻ.

- Kiểm tra miệng trẻ xem còn gì trong đó không. Nếu còn, hãy giúp trẻ ép bụng để đẩy dị vật ra.

3. Ép bụng

- Đứng phía sau trẻ, tạo tư thế chân trước chân sau, hai chân lồng giữa 2 chân trẻ hoặc quỳ gối để cao ngang tầm trẻ. Cố gắng ép mạnh 5 lần vào bụng trẻ bằng cách

1. Choàng 2 tay ra trước ngang thắt lưng trẻ. Một tay nắm chặt, tay còn lại đặt lên tay kia để tạo lực.

2. Đặt 2 tay lên vùng thượng vị của trẻ rồi ấn mạnh theo chiều từ dưới lên trên 5 lần.

Nếu trẻ vẫn bị hóc, hãy gọi ngay xe cấp cứu. Trong lúc đó, tiếp tục thực hiện bước 2 "vỗ lưng" và bước 3 "ép bụng" cho tới khi dị vật được đẩy ra; xe cứu thương tới hoặc trẻ không phản ứng.

Nếu trẻ không có phản ứng gì ở bất cứ giai đoạn nào, hãy mở miệng trẻ để kiểm tra hơi thở. Nếu trẻ không thở, tiến hành ngay hô hấp nhân tạo.

Nguồn: Mum

Chia sẻ