Dân Việt cuồng sữa bột, bác sĩ ngoại tròn mắt

Theo Vietnamnet,
Chia sẻ

Bác sĩ Jonathan Halevy không khỏi ngạc nhiên khi biết trên 80% trẻ em Việt Nam dùng sữa công thức và tivi lúc nào cũng ra rả quảng cáo để "tẩy não" người tiêu dùng.

81% trẻ em Việt dùng sữa ngoại

Bác sĩ Jonathan Halevy là bác sĩ nhi khoa người Israel, đã sinh sống và làm việc tại một phòng khám lớn tại TP.HCM từ năm 2005.

Từ góc độ của một bác sĩ Nhi khoa, với hơn 15 năm kinh nghiệm chăm sóc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị bác sĩ này đã có những chia sẻ rất chân tình trong buổi tọa đàm "Nuôi con khỏe mạnh, dạy con thông minh" nhân dịp ra mắt cuốn sách “Nuôi con sao cho đúng”.

Theo vị bác sĩ này, ông đã đọc nghiên cứu của WHO và quá bất ngờ khi biết tỉ lệ các bà mẹ cho con bú sữa mẹ ở Việt Nam chỉ có 19%, trong khi tỉ lệ này ở nước ngoài là 70%.

Theo bác sĩ Jonathan, ở nước ngoài, người càng có địa vị xã hội, càng có tiền thì càng cho con bú sữa mẹ nhiều hơn trong khi đó ở Việt Nam thì ngược lại, chỉ có những người không đủ tiền mua sữa công thức cho con thì mới cho con bú sữa mẹ.

"Tôi lấy một ví dụ, bạn ra cửa hàng mua một cái bánh sinh nhật, người bán hàng nói bạn có hai lựa chọn: Một cái bánh làm bằng sữa thật, phô mai thật,...không tốn một xu nào và một cái bánh làm bằng các nguyên liệu không phải tự nhiên mà phải mất 1.000 USD bạn mới mua được. Vậy bạn chọn cái nào? Đương nhiên là cái bánh bằng sữa thật rồi. Đó, tôi ví dụ đơn giản vậy để thấy rằng, tại sao sữa mẹ không tốn một đồng xu nào để mua mà các mẹ không dùng, cứ phải mang tiền đi mua sữa giả - ý tôi là sữa công thức", bác sĩ Jonathan Halevy nói.

Cuồng sữa bột
Bác sĩ Jonathan Halevy.

Quảng cáo sữa "tẩy não" người tiêu dùng

Lý giải về nguyên nhân ngày càng nhiều các bà mẹ ở Việt Nam muốn cho con uống sữa công thức, bác sĩ Jonathan cho rằng đây là lỗi của quảng cáo vì đã 'thần thánh hóa' loại sữa này.

"Mô típ quảng cáo mà tôi thường thấy ở Việt Nam là một bà mẹ đưa cho con đủ loại từ cơm, rau củ... nhưng con lắc đầu quầy quậy. Bà mẹ nảy ra ý định pha cốc sữa cho con và con uống ngon lành và còn lớn nữa... Tại sao mọi người có thể nghĩ những thực phẩm đó có thể thay thế sữa mẹ được, tại sao lại thần thánh hóa sữa công thức như vậy", bác sĩ Jonathan Halevy chia sẻ.

Bác sĩ Jonathan Halevy cho rằng, chính quảng cáo như thế mỗi ngày khiến nhiều người bị 'tẩy não' và mang một niềm tin sai lầm rằng sữa công thức ưu việt hơn sữa mẹ.

"Trong một số bệnh viện phụ sản, các y tá còn chủ động đề xuất các bà mẹ cho trẻ sơ sinh bú sữa công thức thay vì bú sữa mẹ, bởi họ tin rằng, như thế cũng sẽ tốt hơn", vị bác sĩ quả quyết.

Theo bác sĩ Jonathan, các bà mẹ đã quên mất một điều, sữa công thức chỉ là bột sữa nhân tạo, được làm ra sau nhiều công đoạn bào chế hóa học khác nhau trong nhà máy. Đôi khi, quá trình sản xuất đó còn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Bằng chứng năm 2003, nhiều trẻ em tại Israel và một số nước khác phải hứng chịu các di chứng vĩnh viễn về chức năng thần kinh và hệ tim mạch chỉ vì loại sữa bột mà các em uống không được nhà sản xuất thêm vào hàm lượng vitamin B1 đầy đủ trong quá trình điều chế.

Chưa hết, năm 2008, rất nhiều trẻ em châu Á bị suy thận do Melamin - loại hợp chất hữu cơ sử dụng trong công nghiệp đồ nhựa nhưng lại được thêm vào sữa công thức cho trẻ em uống. Hậu quả là nhiều em phải lọc máu để duy trì sự sống", bác sĩ Jonathan dẫn chứng.

Sữa công thức bào chế từ đậu nành lại chứa một hàm lượng cao phytoestrogens, có thể gây rối loạn nghiêm trọng kích thích tố trong cơ thể trẻ, khiến trẻ phát triển bất bình thường về mặt thể chất lẫn trí tuệ.

Một nguyên nhân nữa mà bác sĩ Jonathan Halevy chỉ ra, các bà mẹ luôn nghĩ mình không đủ sữa cho con bú.

"Chỉ có người rất rất ốm mới không đủ sữa cho con bú. Tôi chắc rằng nhiều bà mẹ ở Việt Nam và cả các bác sĩ ở đây không biết rằng, sữa tiết ra theo nhu cầu của con. Khi đứa trẻ mới sinh ra, tuần đầu, nhiệm vụ của nó là phải giảm cân, tuần tiếp theo là nó tăng cân và 2 tuần cuối cùng nó quay lại trạng thái ban đầu. Đừng đặt nặng vấn đề cân nặng với con để từ đó bổ sung bằng được sữa giả thay vì sữa mẹ cho các con", Jonathan Halevy cho biết.


"Trên thực tế, nếu bạn không nuôi con bằng sữa của chính mình thì người có lợi không phải là bạn, càng không phải là con bạn mà chính là doanh nghiệp đang sản xuất ra loại sữa công thức khiến bạn tin dùng".

Bác sĩ Jonathan Halevy


Chia sẻ