Dân công sở có những quy tắc ngầm trong giao tiếp, nghe những câu này chị em đừng vội hiểu đúng nghĩa đen

Louis,
Chia sẻ

Có những câu nói trong môi trường công sở, đối phương chỉ nói ra để thể hiện sự khách sáo cũng như phép lịch sự chứ chẳng phải bản thân họ thật sự muốn như vậy.

Không giống với đa phần những môi trường khác, công sở vẫn được biết đến như là một nơi chốn tồn tại vô vàn những vấn đề thị phi. Do đó, nơi đây được xem như địa điểm mà người ta cần cẩn thận lời ăn tiếng nói nhất, để tránh mang thêm họa vào mình. Bên cạnh "cẩn trọng ngôn hành", tức mỗi lời nói ra đều phải suy xét cẩn thận cũng như "uốn lưỡi bảy lần"; sống trong môi trường công sở lâu năm, người ta dần dà làm quen hoặc tôi luyện cho bản thân cái nét suy nghĩ thấu đáo, nói một buộc phải hiểu mười, nói cái chi tiết thì cần phải hiểu rộng ra cái tổng thể.

Dân công sở có những quy tắc ngầm trong giao tiếp, nghe những câu này chị em đừng vội hiểu đúng nghĩa đen - Ảnh 1.

Vừa nghe qua thì có vẻ tiêu cực và quá đỗi căng thẳng, áp lực; tuy nhiên, đó là yếu tố cơ bản để dân công sở trước hết có thể tồn tại và sâu hơn là câu chuyện thăng tiến và phát triển. Thật vậy, bên dưới đây là một số câu nói mà dân đi làm văn phòng nào cũng quen tai nhưng bắt buộc không được hiểu theo nghĩa đen "hai năm rõ mười" mà không phải ai cũng có thể làm được:

"Khi nào rảnh mình lại đi cà phê nhé"

Vừa nghe qua, đây có vẻ là một lời mời mọc vô cùng hấp dẫn và đầy thân tình của những người thân thương. Tuy nhiên, đối với dân văn phòng công sở - những con người đã từng kinh qua để rồi quá quen với những câu nói kiểu này thì đây chỉ đơn thuần là một câu nói xã giao bình thường không hơn, chẳng kém.

Dân công sở có những quy tắc ngầm trong giao tiếp, nghe những câu này chị em đừng vội hiểu đúng nghĩa đen - Ảnh 2.

Bởi lẽ, trong hệ thống lịch chúng ta sử dụng, các ngày trong tuần chỉ có "Thứ Hai" đến "Chủ Nhật", chẳng có ngày nào có tên gọi là "bữa nào", "bữa khác" cả, "khi nào rảnh" lại càng không. Và kết quả của những lời mời mọc kiểu này là cái hẹn đó sẽ chẳng bao giờ đến, bởi lẽ, từ khi nó được xuất phát từ chính miệng người nói, câu này đã vốn không mang một ý nghĩa xác định cũng như chứa đựng sự chân thành trong đó.

Nếu người nói thật sự muốn gặp mặt, họ đã đưa ra một mốc thời gian cụ thể, xác định, đơn cử như "tối mai thì sao nhỉ?", "cuối tuần này mình rảnh, bạn thì sao!". Càng chi tiết càng thật lòng, càng mơ hồ càng khách sáo.

Sếp nói: "Về nguyên tắc thì được"

Chắc hẳn dân văn phòng chẳng còn lạ gì với những câu nói kiểu này được xuất phát từ miệng sếp. Nghe qua, "Về nguyên tắc thì được" là một câu nói mang tính chất khẳng định với thông điệp khúc chiết rõ ràng; tuy nhiên, phần bỏ lửng của nó mới thật sự là điều đáng được quan tâm.

Dân công sở có những quy tắc ngầm trong giao tiếp, nghe những câu này chị em đừng vội hiểu đúng nghĩa đen - Ảnh 3.

"Về nguyên tắc thì được", còn sau đó thì sao? Khi sếp nói ra câu nói này, chị em nên hiểu ý nghĩa ẩn đằng sau nó chứ đừng vội tin vào thông điệp được thể hiện bằng nghĩa đen. Bởi lẽ, về nguyên tắc thì được nhưng vì một vài nguyên nhân sâu xa khác, chúng ta không nên làm như vậy.

Lời sếp đã nói, chị em muốn hiểu ra sao cũng được; tuy nhiên, trong đa phần trường hợp, khi đã nghe câu nói này, chị em vẫn cứ "cắm đầu cắm cổ" làm thì nhiều phần bản thân sẽ phải tự gánh lấy hậu quả nếu có vấn đề phát sinh. Có những điều sếp chẳng tiện nói nên tốt nhất là sếp nói một mình hiểu mười hoặc ít nhất cũng nên hiểu hai ba phần.

Sếp nói: "Về nguyên tắc thì không được"

Cũng tương tự như "Về nguyên tắc thì được", câu "Về nguyên tắc thì không được" vốn không phải được sếp dùng để truyền tải thông điệp theo đúng nghĩa đen của nó. Về nguyên tắc chúng ta không thể làm nhưng vì một số lý do khách quan, chủ quan nào đó, chị em cứ làm đi, chẳng sao đâu.

Dân công sở có những quy tắc ngầm trong giao tiếp, nghe những câu này chị em đừng vội hiểu đúng nghĩa đen - Ảnh 4.

Và lý do mà sếp không nói vế sau quanh đi quẩn lại cũng xoay quanh chữ "không tiện". Do đó, khi sếp đã ra tín hiệu rồi thì cứ làm thôi, đừng bắt sếp giải thích, cũng đừng hỏi lôi thôi kẻo mang đến tác dụng phụ.

Khi nhờ vả, đối phương nói: "Tôi sẽ cố gắng"

Môi trường công sở là nơi mà người ta cần thể hiện sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau nhất. Cho nên, khi đồng nghiệp nhờ vả bất cứ việc gì, sẽ thật ngại nếu nói không hoặc từ chối một cách thẳng thừng. Do đó, người ta đã khổ công nghĩ ra vô vàn cách từ chối khéo léo để không làm mất lòng ai hết.

Dân công sở có những quy tắc ngầm trong giao tiếp, nghe những câu này chị em đừng vội hiểu đúng nghĩa đen - Ảnh 5.

"Tôi sẽ cố gắng" là một trong số đó. Bởi khi nói ra câu này, nhiều phần đồng nghiệp của các chị em đang muốn truyền tải một thông điệp rằng "Đừng có quá mà trông cậy vào tôi" hoặc "Việc mấy người nhờ quá khó và quá tốn thời gian, tôi không tiện từ chối một cách thẳng thừng nên mới nói dễ nghe thế thôi".

Và rồi sau đó, đối phương có giúp chị em hoàn thành công việc không lại là một chuyện khác. Cho nên, khi nghe câu này, tốt nhất chị em đừng ỷ lại mà hãy tập trung sức lực để làm tốt công việc của mình, đừng để bị động sẽ rất dễ dẫn đến những kết quả không như mong muốn.

"Để tôi xem xét đã"

Tương tự "Tôi sẽ cố gắng", câu "Để tôi xem xét đã" cũng thường được dùng khi đối phương không muốn từ chối chị em một cách thẳng thừng. Do đó, khi nghe được câu này, tốt nhất là quên nó đi và đừng miễn cưỡng người ta.

Đối phương mời khách đi ăn, quay ra nhìn thấy bạn: "Bạn cũng đi cùng đi"

Trong trường hợp này tốt nhất là dùng lý do để từ chối một cách khéo léo. Bởi lẽ, có vô vàn kiểu mời mọc và mời lơi là một trong số đó. Câu "Bạn cũng đi cùng đi" được thốt ra trong tình huống này nhiều phần không phải một lời mời thật sự mà nó chỉ là cách để đối phương thể hiện sự lịch sự, khách sáo. Nếu chị em nhận lời, có thể tạo ra sự mất tự nhiên cũng như khó xử cho đối phương.

Dân công sở có những quy tắc ngầm trong giao tiếp, nghe những câu này chị em đừng vội hiểu đúng nghĩa đen - Ảnh 6.

Những yếu tố giao tiếp căn bản trong môi trường văn phòng buộc con người ta phải nói ra những câu khách sáo, không đầu, chẳng đuôi và nhiều tầng nghĩa. Là người chốn công sở, chị em buộc phải biết nắm bắt một cách tinh tế để hiểu được ý nghĩa của những câu nói kiểu này. Đừng tự biến mình thành kẻ "ngây thơ vô số tội" rồi chuốc lấy phần thiệt vào bản thân chỉ vì một chút thật thà không đáng có.

Chia sẻ