Đái tháo đường ở người trẻ tăng do số trẻ em thừa cân béo phì tăng

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Cả phụ nữ có tiền sử bị đái tháo đường trong thai kỳ trước đó lẫn trẻ thừa cân béo phì đều có khả năng mắc căn bệnh đái tháo đường bất cứ lúc nào.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính không lây đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới. Theo số liệu, tính đến năm 2015, trên toàn thế giới có khoảng 415 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, con số này dự kiến sẽ tăng lên mốc 642 triệu người đến năm 2040. Còn ở hiện tại, cứ 11 người trưởng thành sẽ có 1 người bị ĐTĐ, và cứ mỗi 6 giây, trên thế giới sẽ có 1 người tử vong do bệnh ĐTĐ.

BS CKI. Trần Minh Triết – khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết, hiện nay có 4 loại ĐTĐ, đó là: ĐTĐ típ 1, ĐTĐ típ 2, ĐTĐ thai kỳ và ĐTĐ do nguyên nhân khác, trong đó ĐTĐ típ 2 chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh.

"Nguyên nhân chủ yếu của ĐTĐ típ 2 là do di truyền và các yếu tố từ môi trường. Do đó nguy cơ ĐTĐ típ 2 sẽ càng cao nếu trong gia đình có nhiều người thân bị ĐTĐ. Bên cạnh đó, sự thay đổi của môi trường sống, lối sống ít vận động, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, bánh ngọt, nước ngọt... làm gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì, từ đó làm tỉ lệ bệnh nhân ĐTĐ típ 2 ngày càng gia tăng" - BS Triết chia sẻ.

Đái tháo đường ở người trẻ tăng do số trẻ em thừa cân béo phì tăng - Ảnh 1.

Cứ 6 giây, trên thế giới lại có một người tử vong do đái tháo đường.

Theo BS, các yếu tố nguy cơ của bệnh ĐTĐ típ 2 bao gồm: những người trên 45 tuổi, thừa cân, béo phì, tiền sử gia đình có người thân bị ĐTĐ, bị rối loạn đường huyết trước đó, tăng huyết áp, tiền sử bị ĐTĐ thai kỳ trước đó, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang,… Tuy nhiên hiện nay, ĐTĐ típ 2 có khuynh hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi hơn, do số lượng trẻ em bị thừa cân béo phì đang ngày một gia tăng. "Có những trẻ em béo phì khởi phát ĐTĐ típ 2 khi chỉ mới 12-13 tuổi", BS Triết chia sẻ.

Điều nguy hiểm là ĐTĐ thường diễn tiến âm thầm và dẫn đến các biến chứng mạn tính trong nhiều năm sau đó, do đó nếu chủ quan, người bệnh sẽ lãnh hậu quả vì phát hiện bệnh muộn.

"Tuy nhiên, ĐTĐ và các biến chứng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu có một chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, cũng như tuân theo sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ. Cụ thể, với ĐTĐ típ 2 chiếm đa số được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ, dựa trên đánh giá các yếu tố nguy cơ" - BS Triết nhấn mạnh.

Nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết cho người bệnh ĐTĐ, phân khoa Nội Tiết, khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức sinh hoạt định kỳ câu lạc bộ người bệnh ĐTĐ. Các buổi sinh hoạt sẽ giúp cho người bệnh hiểu hơn về bệnh ĐTĐ, biến chứng của ĐTĐ và cùng sống khỏe với bệnh.

Buổi sinh hoạt đầu tiên diễn ra vào lúc 07h00, Chủ nhật ngày 16/04/2017 tại tầng trệt khu A, Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM, 215 Hồng Bàng, P 11, Q.5, TPHCM.

Chia sẻ