Cứu sống một trẻ bị đông máu do rắn lục cắn

,
Chia sẻ

Cháu Hải, 14 tuổi ở An Giang, nhập viện với bàn tay sưng to, nổi nhiều bóng nước, vết thương bắt đầu có dấu hiệu hoại tử. Em bị một loại rắn lục đuôi đỏ cắn khi vào vườn chơi.

Gia đình đã chuyển Hải lên thẳng Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM.

Khi nhập viện, Hải rơi vào trạng thái mê man, mặt xanh tái, xung quanh vết cắn tụ nhiều máu bầm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng do nọc độc hoành hành.

Sau hơn 6 giờ cấp cứu, tình hình sức khỏe của em dần cải thiện. Sau 5 ngày được giải độc, chiều nay, tay của bệnh nhi đã hết sưng, bóng nước bắt đầu liền da.

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, nọc rắn lục thường gây viêm sưng cục bộ, xuất huyết, tán huyết, đông máu. Trường hợp đến viện chậm có thể gây xuất huyết não, xuất huyết phủ tạng, tăng kali làm bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ chết do rắn lục cắn vẫn thấp hơn so với các loại rắn độc khác.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, ngay cả khi xác định bị rắn lành cắn thì bệnh nhân cũng phải được dõi như bị rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu.

Đặc biệt khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần cho nạn nhân nằm yên; đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước. Người nhà nên dùng gạc mát phủ lên vết rắn cắn để giảm đau, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên băng chặt trên bề mặt vết thương vì có thể gây hoại tử; không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì rất dễ gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.

Người nhà cũng cần xác định hoặc miêu tả cụ thể hình dáng loại rắn đã cắn để bệnh viện có thể truyền loại huyết thanh kháng độc phù hợp.

Theo Phương Nghi
Vnexpress

Chia sẻ