Cứu sống bệnh nhi sơ sinh bị tắc ruột do teo ruột bẩm sinh và cuộc hành trình khi thai nhi 31 tuần tuổi

MT,
Chia sẻ

Tắc ruột do teo ruột bẩm sinh là một dị tật hiếm gặp với tỉ lệ 1/1.500 trẻ sinh ra. Nếu không được điều trị kịp thời thì rất nguy hiểm cho trẻ.

Hành trình đặc biệt của 2 mẹ con từ khi thai nhi 31 tuần tuổi

Thông tin từ các bác sĩ Trung tâm Sản Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện phẫu thuật thành công cứu sống một bệnh nhi sơ sinh bị tắc ruột do teo ruột bẩm sinh. Đây là một dị tật hiếm gặp với tỉ lệ 1/1.500 trẻ sinh ra. Đặc biệt hơn cả, bệnh nhi được cứu sống nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các khoa của Trung tâm trong từng giai đoạn từ khi mẹ được thăm khám và chẩn đoán trước sinh đến khi thực hiện phẫu thuật lấy thai rồi chẩn đoán và phẫu thuật cho bệnh nhi.

Cứu sống bệnh nhi sơ sinh bị tắc ruột do teo ruột bẩm sinh và cuộc hành trình khi thai nhi 31 tuần tuổi - Ảnh 1.

Bác sĩ thực hiện lấy thai.

Mẹ bệnh nhi, chị Trần Thị Tuyết M. (Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ: "Khi đến siêu âm định kỳ trước sinh vào tuần thai thứ 32 tại Trung tâm Sản Nhi được chẩn đoán thai nhi có tắc ruột nghi do teo ruột bẩm sinh. Mình được theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ bởi bác sĩ Chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại Trung tâm và được chỉ định phẫu thuật lấy thai vào tuần thai thứ 38".

Ekip phẫu thuật Trung tâm Sản Nhi lấy thai đặc biệt với sự có mặt của bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê, bác sĩ sơ sinh diễn ra trong sự lo lắng và hồi hộp của sản phụ vì ngoài những chẩn đoán về bệnh lý bẩm sinh của thai nhi sản phụ còn bị đa ối.

Sau khi ra đời với cân nặng 3kg, em bé có nôn trớ, bụng chướng to, được bác sĩ Sơ sinh thăm khám và ngay lập tức bệnh nhi được chuyển đến theo dõi, chăm sóc tại Khoa Sơ sinh.

Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật lúc 18 giờ tuổi

Sau khi tiến hành hội chẩn giữa bác sỹ chuyên khoa Sơ sinh và chuyên khoa Ngoại nhi, kết hợp thực hiện các thăm dò chức năng, xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bệnh nhi có tắc ruột bẩm sinh nghi do teo ruột, đúng với kết quả siêu âm thai nhi trước đó. Ngoài chẩn đoán bệnh lý teo ruột, bệnh nhi cũng được thực hiện tầm soát các bệnh lý kèm theo như các bệnh lý về sọ não, tim mạch, tiết niệu và các dị tật về chi. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật lúc 18 giờ tuổi.

Cứu sống bệnh nhi sơ sinh bị tắc ruột do teo ruột bẩm sinh và cuộc hành trình khi thai nhi 31 tuần tuổi - Ảnh 3.

Hai mẹ con vui mừng ngày xuất viện.

ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi Tổng hợp, Trung tâm sản Nhi chia sẻ: "Đây là ca phẫu thuật phức tạp vì là bệnh lý tắc ruột sơ sinh, bệnh nhi là trẻ sơ sinh mới được 18 giờ tuổi với cân nặng thấp nên kĩ thuật phẫu thuật và gây mê cần phải có bác sĩ được đào tạo chuyên khoa cùng với hệ thống trang thiết bị, dụng cụ chuyên dụng. Ngoài teo ruột, trẻ còn gặp thêm hội chứng viêm phúc mạc thời kỳ bào thai, các quai ruột giãn to và dính thành một khối nên các bác sĩ phải thực hiện gỡ dính tất cả các quai ruột trong ổ bụng".

Theo ThS.BS Nguyễn Đức Lân bên cạnh đó, đoạn ruột bị teo của bệnh nhân nhi nằm ở vị trí rất cao và gần dạ dày, cách dạ dày chỉ khoảng 60cm nên gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện phẫu thuật và tạo hình miệng nối. Quai ruột phía trên đoạn ruột tắc giãn to, quai ruột phía dưới chỉ nhỏ như đầu đũa, chặt phân su. Các bác sỹ phải thực hiện bơm rửa hết kết thể phân su này, cắt bỏ đoạn ruột bị teo, sau đó thực hiện nối đoạn ruột trên với đoạn ruột dưới để đảm bảo lưu thông ruột từ dạ dày xuống hậu môn.

BSCKI. Nguyễn Đức Hậu, Phó Trưởng Khoa Sơ sinh, Trung tâm Sản Nhi cho biết: "Bệnh nhi được chuyển đến khoa trong tình trạng có khá nhiều vấn đề về sức khỏe sau phẫu thuật như vấn đề về hô hấp, tuần hoàn, kích thích đau, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt ở trẻ nhỏ... Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ cũng được đặc biệt quan tâm để tránh tình trạng nhiễm trùng vết mổ. Bệnh nhi được chỉ định nằm lồng ấp, điều trị nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn kết hợp sử dụng các loại kháng sinh. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhi đã hồi phục khá tốt và được cho ăn sữa qua sonde. Bệnh nhi đã có thể tự đi ngoài, tình trạng nhiễm trùng không còn, vết mổ khô ráo, sạch sẽ".

Sau 14 ngày từ khi sinh ra với bệnh lý nguy hiểm và trải qua ca phẫu thuật phức tạp, bệnh nhi đã được ra viện trong niềm hạnh phúc của gia đình và tập thể bác sĩ điều dưỡng của Trung tâm.

Chia sẻ