Cuộc sống nơi xóm nghèo Cần Thơ của 2 bé gái bị người cha Hàn Quốc chối bỏ

Theo Kenh14/Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Khi Lee Chea Won được 10 tháng tuổi cũng là lúc chị Liên biết mình mang bầu đứa con gái thứ hai. Tuy nhiên mẹ chồng của chị bắt phải phá thai nếu không sinh được con trai. Hoảng sợ, chị bỏ trốn về Việt Nam. Giờ đây, 2 bé gái đã lớn lên trên cù lao Tân Lộc (Cần Thơ) cùng bà ngoại.

Cô dâu Việt bị nhà chồng bắt phá thai, ôm con trốn về quê mẹ

Cách Trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 40km có một cù lao nằm giữa sông Hậu mà người dân thường gọi tên là "đảo Hàn Quốc". Bởi lẽ chắc chẳng có nơi nào trên thế giới mà phụ nữ lại mê lấy chồng Hàn Quốc như ở cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ).


Cuộc sống của Lee Chea Won và em gái Lee Soo Jin ở cù lao Tân Lộc, Cần Thơ - (Thực hiện: Quỳnh Trân)

Hơn 10 năm về trước, làn sóng phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc ở cù lao Tân Lộc bỗng trở nên rầm rộ. Có nhiều gia đình làm ăn thua lỗ, nợ nần chất đống nên gả con cho chồng Hàn, rồi từ tán gia bại sản lại phất lên rất nhanh.

C ác cô dâu được mai mối thường ở độ tuổi 18 – 25, đa phần có trình độ học vấn thấp, xuất thân trong gia đình nghèo khó, không có ruộng đất canh tác. Khi đến tuổi lấy chồng thì cha mẹ chỉ nhăm nhăm kiếm rể Hàn cho con gái với hy vọng đổi đời. Vậy nên chuyện m ột gia đình có đến 4 đứa con gái đều lấy chồng Hàn Quốc đã không còn lạ gì ở cù lao mà người ta đã gọi cho nó một cái tên khác là "đảo Hàn Quốc" này rồi.

 - Ảnh 2.
20 tuổi, đám cưới của chị Đinh Thị Bích Liên và người chồng Hàn Quốc được tổ chức trên cù lao Tân Lộc, ai cũng hy vọng cuộc sống của chị rồi sẽ sung túc, cái nghèo sẽ không còn đeo bám gia đình chị nữa.

"Cù lao này cũng nhờ hàng trăm cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc mà mới phát triển kinh tế được như ngày hôm nay. Nhưng không phải ai lấy chồng ngoại cũng hạnh phúc, giàu sang" - chị Nguyễn Như Thủy - (chi hội trưởng Hội liên hiệp Phụ nữ phường Tân Lộc) đã chia sẻ với chúng tôi như thế. Chị cho biết đã có nhiều trường hợp cô dâu Việt bị bạo hành, phải bỏ trốn về nước, những đứa con của họ mang hai dòng máu, khi trở về gặp khó khăn trong việc nhập tịch, làm khai sinh.

Chị Thủy nói, hoàn cảnh cay đắng điển hình ở cù lao này có lẽ phải kể đến chị Đinh Thị Bích Liên, sinh năm 1990 ở ấp Long Châu. Cũng như bao gia đình khác, cha mẹ của chị Liên đều chỉ làm thuê mướn cho người khác, không có ruộng vườn, lại đông con cái nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Năm chị Liên 20 tuổi, mẹ chị quyết định gả con cho một người đàn ông Hàn Quốc hơn chị một giáp, với hy vọng con gái có cuộc sống ấm êm xứ người, dư dả thì còn gửi ít tiền về cho gia đình.

 - Ảnh 3.
Bức ảnh kỷ niệm chụp các thành viên trong gia đình nhà chồng nhân dịp con gái đầu lòng của chị Liên được 6 tháng tuổi.

Con gái đi hơn 1 năm, bà Thúy (48 tuổi, mẹ chị Liên) vẫn yên tâm vì con bảo cuộc sống vẫn ổn, đã sinh được con gái đầu lòng, đặt tên là Lee Chae Won. Thời gian này chị vẫn gửi tiền về phụ giúp cha mẹ. Thế nhưng khi Chae Won được 10 tháng tuổi, chị Liên mang bầu đứa thứ hai thì nhà chồng yêu cầu nếu sinh con trai thì giữ lại, còn con gái thì phải phá thai.

Sau này biết đứa con trong bụng là bé gái, chị Liên tuyệt vọng cùng cực. Sợ gia đình chồng ép mình bỏ thai, chị Liên thân mang bầu, một mình ôm con gái lớn trốn về quê hương, chị trở về một phần vì cũng chẳng còn thiết tha với cuộc sống hôn nhân không có tình yêu nơi xa xứ.

 - Ảnh 4.
Lee Chea Won (trái) và em gái Lee Soo Jin lẽ ra đã có một cuộc sống ấm êm bên bố mẹ ở xứ sở kim chi. Thế nhưng chỉ vì sinh ra là con gái, các em phải trở về quê mẹ ở cù lao Tân Lộc và lớn lên cùng bà ngoại.

 - Ảnh 5.
Sinh ra ở Hàn Quốc, Lee Chae Won đã có quốc tịch Hàn và được cấp hộ chiếu.

 - Ảnh 6.
Đến nay, Chae Won đã 5 tuổi, đang được gửi đi học lớp lá ở trường mầm non gần nhà.

 - Ảnh 7.
Còn Soo Jin chỉ mới 3 tuổi, hiếu động và nghịch ngợm hơn cô chị rất nhiều.

"Lớn lên, con sẽ bay sang Hàn Quốc thăm bố"

Nếu như các gia đình trong ấp sau khi gả con đều có cuộc sống khá giả hơn, thì gia đình bà Thúy lại càng túng quẫn khi hai ông bà giờ lại phải gồng gánh nuôi thêm 2 đứa cháu nhỏ. Bà Thúy thở dài: "Nhà nội không chu cấp được một đồng cắc nào từ khi con Liên trở về đây. Họ cũng không hỏi thăm Chae Won và Soo Jin. Có lần tôi nhờ một người gọi sang bên đấy hỗ trợ bổ sung các giấy tờ cho hai đứa nhỏ để làm khai sinh bên này nhưng bà sui gia chỉ trả lời ngắn gọn: Cứ xem như cha tụi nó chết rồi, đừng liên lạc nữa!".

Dù đau đớn trở về nhưng chị Liên và bà Thúy đều không muốn hai đứa bé oán giận nhà nội. Hai bé được dạy rằng mình có bố là người Hàn, mẹ người Việt, nên các em mang tên Hàn. Ai hỏi thì cứ nói bố bận việc ở nước ngoài nên không về cùng mẹ được, sau này lớn lên, có dịp đi Hàn thì gặp bố sau.

Soo Jin còn nhỏ nên chưa ý thức được hoàn cảnh của mình, riêng Chae Won thì luôn mong mình lớn nhanh, để cũng được như mẹ, như dì, được "người lạ" về đón đi Hàn Quốc. "Lúc đó, Chae Won sẽ đi thăm ba", em tuyên bố ngây ngô như thế.

 - Ảnh 8.
Lớn lên ở vùng quê mà người người đều ngợi ca Hàn Quốc, Chae Won luôn mong muốn sau này sẽ được trở về quê bố. Nhưng em không biết rằng gia đình nhà nội đã chối bỏ mẹ con em từ lúc nhỏ.

 - Ảnh 9.
Soo Jin thì chỉ mới 3 tuổi, em suốt ngày loanh quanh trong nhà, chơi đùa với mấy bao vải của bà, không bao giờ hỏi mẹ và bố, chỉ biết bên cạnh có bà ngoại, có cậu dì là đủ rồi.

 - Ảnh 10.

Chị Liên sinh con gái thứ hai xong thì cũng không ở lại quê hương mà tiếp tục... xuất ngoại tìm chồng, để lại hai bé gái cho bà và ông ngoại nuôi dưỡng. Một năm chị chỉ về thăm quê một lần vào dịp Tết.

"Giờ nó lấy chồng Đài Loan, nhưng chưa làm giấy tờ gì được vì ông chồng Hàn Quốc không giải quyết hồ sơ cho nó. Vợ chồng nó đang làm việc ở Malaysia, cũng nhờ lấy được ông này mà phụ tiền cho vợ chồng tôi nuôi 2 đứa nhỏ, chứ không thì... cám cảnh lắm cô ơi", bà Thúy đứng cắt từng đường may bên chiếc máy khâu, cúi đầu khi nói về con gái.

 - Ảnh 11.
Phòng của ba bà cháu chỉ có mỗi một cái giường ọp ẹp, mấy tấm tôn bao xung quanh càng làm cho không khí thêm oi bức.

 - Ảnh 12.

 - Ảnh 13.
Cả hai bé đều có gương mặt kháu khỉnh và những nét đặc trưng của con người Hàn Quốc.

Cả hai bé Chea Won và Soo Jin đều chưa được làm khai sinh do bà Thúy cũng mù mờ thông tin, không biết thủ tục giấy tờ như thế nào.

Ngôi nhà nơi hai chị em lớn lên nằm ở ven sông Hậu, nhìn ra chỉ thấy đám lục bình trôi theo dòng chảy, chỉ nghe tiếng động cơ đều đều từ những thuyền ghe trên sông và văng vẳng câu hò Nam Bộ của những cụ ông, cụ bà ở sát nhà bên. Tôi không biết nếu ở lại xứ sở kim chi nơi ông bà nội quý con trai hơn vàng, thì hai chị em Chea Won và Soo Jin liệu có hạnh phúc hơn khi ở trên mảnh đất cù lao này không? Chắc hẳn là không, vì ngày ấy chị Liên chọn ở lại, thì Soo Jin đã không được sinh ra.

 - Ảnh 14.
Ngày đó, nếu chọn ở lại Hàn Quốc, thì Soo Jin sẽ không được sinh ra.

 - Ảnh 15.
Cô dâu Việt xuất ngoại rồi lại trốn về quê nhà, tôi nghĩ, một phần vì họ muốn tìm lại hạnh phúc thật sự, phần vì họ phải bảo vệ những đứa con của mình trước sự đối xử tàn nhẫn bên nhà chồng.

Chia sẻ