Cuộc sống cô đơn nơi thành phố của hơn 20.000 góa phụ - những người phải chết sau khi chồng qua đời

Theo Kenh14/Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Bị cộng đồng và người thân chối bỏ, hàng nghìn phụ nữ Hindu phải tới sống ở Vrindavan, thành phố hành hương của hơn 20.000 góa phụ Ấn Độ..

Tại Ấn Độ, những người mang tư tưởng cực đoan của đạo Hindu tin rằng nếu một người phụ nữ có chồng chẳng may qua đời, cô cũng nên chết theo chồng mình vì lý do đã không giữ được linh hồn chồng lại.

Bị chối bỏ bởi cộng đồng và những người thân bỏ rơi, hàng nghìn các góa phụ tại Ấn Độ phải tới sống tại thành phố Vrindavan, một thành phố hành hương cách thủ đô Delhi khoảng 100km. Nơi đây hiện tại có khoảng hơn 20,000 góa phụ từ khắp đất nước Ấn Độ.

 - Ảnh 1.
Cánh cửa gia đình đóng khép với nhiều phụ nữ và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi.

Những người phụ nữ này không có lựa chọn nào khác mà phải sống trong những khu nhà dành cho các góa phụ, được xây dựng và điều hành bởi chính phủ, các công ty tư nhân và các tổ chức phi chính phủ. Các góa phụ ở đây cho biết rằng, họ sẽ không bao giờ có thể trở về nhà và đây là nơi mà họ kết thúc cuộc đời mình.

Theo truyền thống của đạo Hindu, các góa phụ không được phép đi bước nữa. Họ phải sống chui lủi trong nhà, không được đeo đồ trang sức và phải vận đồ tang. Những người phụ nữ đó trở thành nỗi xấu hổ cho gia đình, không có quyền tham gia các hoạt động tôn giáo và bị xã hội cô lập.

Tuy nhiên, họ vẫn còn may mắn hơn các góa phụ trước đây khi đã từng có thời điểm; nếu chồng của một ai đó qua đời, họ sẽ phải tự thiêu mình trên giàn thiêu cùng thi thể của chồng hoặc tử tự theo các cách khác nhau.

 - Ảnh 2.
Đã có lúc, họ bị thiêu sống cùng với thi thể chồng.

Giờ đây, nhiều người bị đuổi ra khỏi nhà hoặc chạy trốn khỏi nhà chồng. Họ tìm đến các thành phố lớn như Varanasi, Vrindavan... Đến Vrindavan, nhiều góa phụ gần như mất phương hướng. Họ phải đối mặt với cuộc sống cô đơn mà không có ai giúp đỡ. Bị gia đình chối từ và đẩy ra bên lề xã hội, các góa phụ chờ chết trong sự cô đơn và tủi hờn.

Tuy nhiên, trước sự chào đón của cộng đồng mới, họ đã dần tìm được ánh sáng cho cuộc sống của mình và thoát khỏi sự cô lập.

Một người phụ nữ chia sẻ: "mỗi sáng, chúng tôi thức dậy vào lúc 5 giờ. Vài người sẽ ra bờ sông Yamuna giặt quần áo và thực hành nghi lễ Puja. Sau đó, chúng tôi trở về nhà chung, ca hát những bài ca tôn giáo để thờ thần Sri Krishna và thần Radha".

 - Ảnh 3.
Những góa phụ trong bộ đồ trắng trên bờ sông Yamuna.

Sau khi hát và cầu nguyện xong, những người phụ nữ sẽ bắt đầu cuộc sống thường ngày. Họ nấu ăn cho mọi người hoặc cho từng nhóm vài người rồi ăn chung trong phòng hoặc hành lang. Sau đó, họ đọc sách tôn giáo và cầu nguyện.

Lalita, người đã sống tại một nhà chung trong 12 năm cho biết: "tôi sẽ không bao giờ nghĩ một ngày nào đó, mình sẽ phải đi ăn xin. Tuy nhiên, khi chồng tôi qua đời, tôi đã 54 tuổi và bị đuổi ra khỏi nhà bởi người thân và gia đình chồng. Tôi phải sống trên đường và may mắn thay, một người đàn ông tốt nghiệp đã mua cho tôi 1 chiếc vé tàu tới Vrindavan".

 - Ảnh 4.
Cùng nhau ca hát và cầu nguyện.

Người già nhất tại ngôi nhà chung Meera Sahbhagni là bà Shanti Padho Dashi. Năm nay, bà đã 91 tuổi và sống tại đây được hơn 25 năm.

Giờ đây, khi cuộc sống tại Ấn Độ đã phát triển hơn, các góa phụ cũng không phải cực khổ như ngày xưa. Tuy nhiên, nỗi xấu hổ và tủi hờn của họ vẫn còn khi xã hội vẫn dành cho họ những cái nhìn không mấy thiện cảm. Mỗi khi họ ra đường, nhiều người còn tránh gặp họ vì cho rằng các góa phụ sẽ đem lại điều xui xẻo cho họ.

Sẽ cần nhiều thời gian hơn cho những góa phụ tại Ấn Độ để được xã hội chấp nhận và hưởng một cuộc sống hạnh phúc khi về già.

 - Ảnh 5.
Những góa phụ Ấn Độ trong lễ hội Holi.

Chia sẻ