Cuộc đời của bé trai có trái tim ngoài lồng ngực

,
Chia sẻ

34 năm chưa phải là dài cho cuộc đời một con người nhưng với Christopher, nguời đàn ông có trái tim đặt nhầm chỗ, ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ, thì quả là một kỷ lục.

Christopher được xem là người có trái tim ngoài lồng ngực sống lâu nhất.

Năm 1975, Christopher ra đời với một dị tật bẩm sinh hiếm gặp trên cơ thể. Khác với những đứa trẻ khác, trái tim của cậu bé nằm ngoài lồng ngực. Khi mang thai, mẹ Christopher, bà Teresa Wall, hoàn toàn bình thường. Lúc sinh, các bác sĩ mới phát hiện có điều bất thường xảy ra với đứa trẻ này.

Christopher được điều trị tại Bệnh viện Nhi ở Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Tiến sĩ Victoria Vetter, người tiến hành ca phẫu thuật cho bé trai đó, nhớ lại trường hợp trái tim của bệnh nhi: "Chỉ đơn giản là... bên ngoài lồng ngực và hướng lên trên". Mối nguy hiểm lớn nhất với Christopher là nhiễm trùng. Bà Vetter cùng một nhóm các bác sĩ đã cố gắng bảo vệ trái tim của cậu bé và khử trùng. Trong suốt nhiều giờ căng thẳng sau khi Christopher sinh ra, các bác sĩ đã phủ quả tim một chất liệu ẩm. Tiến sĩ Vette cho biết: "Quả tim của đứa trẻ không ở trong lồng ngực ngay khi vẫn còn trong bụng mẹ. Không có chỗ nào cho nó cả".

Việc đưa quả tim đó vào bên trong sẽ gây sức ép lên các mạch máu, làm hạn chế máu lưu thông và gây nên tình trạng tim ngừng đập. Các bác sĩ đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phủ bên ngoài quả tim bằng một lớp da. Theo ABC News, hầu hết các trường hợp giống Christopher đều bị đẻ non hoặc chết ngay sau khi sinh ra. Trường hợp sống sót của Christopher được xem là hiếm thấy và thật kỳ diệu. Ngoài trái tim đặt nhầm chỗ, các bộ phận còn lại của cậu bé đều hoạt động bình thường. Trong suốt gần hai năm đầu, Christopher phải trải qua 15 lần phẫu thuật. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm đưa quả tim vào đúng vị trí của nó.

Quả tim của Christopher có thể được nhìn thấy đang đập ngay dưới lớp da của cậu bé. Các bác sĩ đã phải tạo ra một tấm chắn ngực bằng nhựa để bảo vệ phần nhạy cảm này. Tấm lá chắn ấy giúp em phát triển như những đứa trẻ bình thường khác, có thể đi xe đạp, chơi thể thao.

Christopher lớn lên rất hiếu động nhưng cẩn thận. Mẹ cậu bé, bà Teresa Wall, cũng không cảm thấy lo lắng nhiều về sự an toàn của con trai. "Christopher chưa từng tỏ ra sợ sệt bất cứ một điều gì nên tôi cũng không lo ngại lắm. Tôi chỉ bảo với con trai rằng, có rất nhiều thứ cần phải làm đang chờ đợi chúng ta, không có thời gian để ốm, để suốt ngày lo lắng đâu con. Còn nhiều điều thú vị hơn việc đó mà", bà Teresa nói.

Chú bé Christopher ngày nào nay đã trở thành một người đàn ông 34 tuổi. Anh được xem là người có trái tim ngoài lồng ngực sống lâu nhất. Trường hợp của anh đã được ghi vào kỷ lục Guinness thế giới.

Christopher và mẹ.

Trái tim ngoài lồng ngực của Christopher.

Các bác sĩ không phát hiện ra điều bất thường này khi bà Teresa Wall mang thai Christopher.

Bức ảnh chụp năm Christopher ba tuổi trong Bệnh viện Nhi Philadelphia. Các y tá ở đây cho biết, họ nhớ như in hình ảnh của chú bé này. Chia sẻ trên ABC News, Tiến sĩ Vetter nói rằng, Christopher là một đứa trẻ đặc biệt.

Trong suốt gần hai năm đầu, cậu bé này phả trải qua 15 lần phẫu thuật.

Theo Tiến sĩ Vette, trong số 1 tỷ bé sinh ra, có 8 trẻ có tim ngoài lồng ngực. Các trường hợp này thường do gen hoặc do di truyền. Tuy nhiên, với Christopher, họ vẫn chưa biết tại sao.

Tấm lá chắn bằng nhựa các bác sĩ đã tạo ra để bảo vệ phần nhạy cảm của cậu bé.

Chú bé rất hiếu động và thích chơi thể thao.

Cuộc sống của Christopher diễn ra như bao người xung quanh. Ngoài việc tham dự các hoạt động của trẻ em, cậu bé cũng tham gia những buổi biểu diễn văn nghệ ở trường.

Christopher may mắn hơn bao đứa trẻ có trái tim ngoài lồng ngực khác. Trong khi chúng không thể sống nổi một ngày ngay khi vừa sinh ra thì Christopher đã đi suốt chặng đường đời suôn sẻ. Bức ảnh trên chụp hai mẹ con trong lễ tốt nghiệp cấp ba của chú bé năm 1995.

Theo Ngôi sao

Chia sẻ