Cuộc chiến chống ung thư của những nữ chiến binh kiên cường

Thu Hương (Tổng hợp),
Chia sẻ

Trong cuộc chiến chống ung thư Thương Sobey, Lê Thanh Thúy, Hoàng Thị Diệu Thuần là 3 người Việt trẻ nổi bật. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ giống nhau ở tinh thần kiên cường và quả cảm.

Ung thư – “cơn ác mộng” đã từng cướp đi cuộc sống bình yên, đủ đầy của không biết bao nhiêu con người. Đối diện với căn bệnh quái ác này, có lẽ phần lớn mọi người sẽ phải buông xuôi và chấp nhận sự thật rằng: mình đã mang một án tử! Nhưng đâu đó, vẫn còn không ít những người trẻ vẫn kiên cường và nỗ lực đến tận giây phút cuối cùng để nắm lấy một tia sáng lẻ loi cuối đường hầm, hay mang đến niềm hi vọng nhỏ nhoi nhưng quý giá cho người cùng cảnh ngộ. Người ta gọi họ là “chiến binh”, là “người thắp lửa”, nhưng từ “anh hùng” có lẽ vẫn hợp hơn để nhắc đến. Thương Sobey, Lê Thanh Thúy, Hoàng Thị Diệu Thuần – chính là những con người như thế!

Từ cuốn nhật ký được viết trong những cơn đau…

Những bệnh nhân ung thư thường khát khao phép màu có thể mang họ trở lại cuộc sống khỏe mạnh. Nhưng những tháng ngày sống cùng các đợt trị liệu và truyền hóa chất, những cơn đau hành hạ khiến khát khao đó khó trở thành hiện thực. Thế nhưng trong đau khổ, ít ai tưởng tượng được rằng, lại có một cuốn tự truyện đẹp như đóa hướng dương lại có thể ra đời từ trong chính những cơn đau từ căn bệnh ung thư hành hạ.

ung thư
Cô gái trẻ Hoàng Thị Diệu Thuần từng có 7 năm đằng đẵng kiên trì chống chọi với bệnh ung thư.

“Như hoa hướng dương” – cuốn tự truyện từng gây xôn xao văn đàn một thời, là một ví dụ điển hình cho phép màu kỳ lạ, được viết bởi chính một bệnh nhân ung thư máu. Nữ tác giả Hoàng Thị Diệu Thuần – cô gái trẻ sinh năm 1987 đến từ vùng quê nghèo thuộc Nghệ An, có vóc dáng nhỏ bé, yếu ớt nhưng ý chí và sự kiên cường của Thuần thì có lẽ ít đấng mày râu khỏe mạnh nào có thể sánh được.

Từng là học sinh chuyên Nga, Thuần thi đỗ vào Ðại học Quốc gia Hà Nội. Thế nhưng, năm đầu tiên cô bước vào giảng đường cũng là năm cô biết mình bị mắc bệnh ung thư máu. Từ đó, cuộc sống của Thuần là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để giành giật sự sống. Suốt 7 năm trời ròng rã, Thuần phải làm quen với một thế giới mới bên giường bệnh, thuốc men và những đợt truyền hóa chất. 

Từ cô gái cá tính, vui vẻ, thích du lịch, mê guitar, Thuần nằm bẹp một chỗ, sống với những kỷ niệm thời đi học và "phát điên" khi cơn đau hành hạ. Không gục ngã trước số phận, cô gái Nghệ An bé nhỏ vẫn kiên trì với những đợt điều trị và không ngừng hi vọng.

Tháng 8/2012, được sự động viên của người thân, Thuần quyết định ra mắt cuốn tự truyện viết về 7 năm đằng đẵng chống chọi lại căn bệnh ung thư máu. Cuốn sách rất mỏng, chỉ chưa đầy 100 trang, gồm những đoạn nhật ký ngắn, những dòng hồi tưởng và những bài thơ mà tác giả đã viết trong những tháng ngày cô đấu tranh với căn bệnh ung thư máu. Nhưng với mọi người, đây là cả một nỗ lực đáng trân trọng, một tấm gương sáng đã gieo thêm rất nhiều hi vọng và động lực sống cho các bệnh nhân ung thư đang gặp bế tắc trong cuộc sống.

Một tháng sau khi ra mắt tự truyện, Thuần được đưa vào phòng phẫu thuật. Đầu trọc, nước da đen sạm, bủng beo, khắp mặt và người, lông măng mọc đầy do tác dụng của thuốc, Thuần vật vã trong đau đớn khi một mình nằm trong phòng cách ly suốt nhiều tháng. Ca ghép tủy của Thuần được đánh giá thành công và từ đó, cuộc sống mới bắt đầu "nảy nầm" trong nữ sinh quê Nghệ An này. Những ai gặp Diệu Thuần của thì hiện tại, chắc hẳn sẽ bất ngờ khi nhận ra sự thay đổi đến ngỡ ngàng của cô gái trẻ. Thuần xứng đáng với tên gọi “nữ chiến binh” quả cảm trong cuộc chiến đấu cam go nhất của cuộc đời mình.

…Đến những ước mơ lớn được truyền lại

Có lẽ sẽ thật là thiếu sót khi bỏ qua câu chuyện của Lê Thanh Thúy – một bệnh nhân ung thư trẻ tuổi đã gieo không biết bao nhiêu hi vọng và ước mơ cho những người có hoàn cảnh giống mình. Lê Thanh Thúy, sinh năm 1988 tại TP Hồ Chí Minh trong một gia đình không mấy khá giả. Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển cấp 3, cũng là ngày Thúy biết tin sét đánh và phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo.

lê thanh thúy
Thúy là biểu tượng cho tinh thần vượt lên số phận để sống trọn vẹn từng ngày.

Vượt lên số phận, Thúy vẫn kiên trì học và đạt kết quả học tập tốt ngay trong hoàn cảnh bệnh tật. Trong suốt giai đoạn nằm viện, Thúy bận rộn với những đợt điều trị, vật vã với những cơn đau nhưng cô gái nhỏ vẫn kiên trì và năng nổ thực hiện nhiều hoạt động hướng tới các bệnh nhân ung thư như viết blog "ước mơ của Thúy", tổ chức các chương trình từ thiện tổ chức các sự kiện trung thu, dã ngoại, phát quà, sinh nhật cho các bệnh nhi ung thư trên thành phố.

Lê Thanh Thúy là biểu tượng cho tinh thần vượt lên số phận để sống trọn vẹn từng ngày, Thúy được công nhận là Công dân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Cô tạo ấn tượng với mọi người bằng hành trình 4 năm đấu tranh với căn bệnh ung thư vô cùng quyết liệt, bằng nụ cười luôn nở trên môi tới tận lúc từ trần. Thúy từng được ví như "Hoa hướng dương không cần mặt trời” với sức sống mãnh liệt, tô đẹp cho cuộc đời. Một tuyển tập sách mang tên "Xin hãy cho con thêm thời gian" được Nhà xuất bản Trẻ, Tủ sách Tuổi Trẻ xuất bản lần đầu tiên vào cuối tháng 9/2007, với phần nhật ký của Thanh Thúy và ghi chép của nhiều người, đã được đông đảo độc giả đón nhận.

4 năm kiên cường chống chọi lại bệnh tật cũng là ngần ấy năm cái tên Lê Thanh Thúy được mọi người nhắc tới nhiều nhất. Trong những dòng entry cuối cùng viết trên blog, Thuý dặn dò: “Em sắp gục ngã rồi. Mọi người hãy giúp em duy trì chương trình ước mơ của Thuý. Các em bệnh nhi tội nghiệp lắm. Em yêu tất cả mọi người…”. Mong muốn nhỏ nhoi nhưng đầy tình người của cô gái bé nhỏ trong giây phút cuối cùng của cuộc đời đã khiến không ít người phải rơi lệ. Hiện nay, chương trình "Ước mơ của Thúy" nhằm mục đích chăm sóc, hỗ trợ cho các bệnh nhi bị bệnh ung thư vẫn đang được thực hiện. Thúy đã mãi mãi đi xa nhưng ý chí và nghị lực sống của em sẽ vẫn “mãi mãi tuổi 20” nhờ hoạt động tiếp nối đầy năng nổ của những người ở lại.

Cũng giống như Lê Thanh Thúy, Thương Sobey (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Thương) cũng là một nhân vật khá nổi tiếng với vai trò “người thắp lửa” của các dự án cộng đồng ủng hộ bệnh nhân ung thư. 

Từ thời sinh viên, Thương đã là một nhân tố tích cực trong nhiều hoạt động từ thiện, tình nguyện, với việc dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật của trường Nguyễn Đình Chiểu, tham gia các nhóm từ thiện quyên góp vì học sinh nghèo, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân nhiễm HIV…. Giống như một sự éo le của số phận, khi Khánh Thương đang vô cùng hạnh phúc bên tình yêu tuyệt đẹp với chàng trai người Úc, cũng là khi cô đón nhận tin dữ về căn bệnh ung thư vú.

Sau những nỗ lực điều trị không thành công, Thương đã phải chấp nhận “chung sống” cùng căn bệnh ung thư vú cho đến hết quãng đời còn lại. Cũng chính từ những tháng ngày đau đớn trị liệu, Thương đã nhen nhóm khát khao cháy bỏng dùng chuyên môn, khả năng của bản thân cũng như phần thời gian còn lại, Khánh Thương muốn chia sẻ các thông tin tới những người cùng cảnh ngộ để giúp họ bớt đau đớn và cải thiện phần nào chất lượng sống của họ. Đây cũng chính là mục đích của Thương khi thành lập dự án Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - Breast Cancer Network Vietnam.

Vào tháng 10 hàng năm, Thương Sobey và em gái tổ chức sự kiện “Ngày chiếc nơ hồng” cho bệnh nhân ung thư vú, thu hút hàng nghìn người tham gia ủng hộ. Trong đó, hai chiến dịch lớn nhất thu hút nhiều người nổi tiếng tham gia như “Vượt qua nỗi sợ hãi” (2013) và “Mạnh hơn sợ hãi” (2014) với nhiều hoạt động ý nghĩa về cuộc sống riêng của bệnh nhân ung thư đã khiến cả xã hội quan tâm.

thương sobey
Thương Sobey là “người thắp lửa” của các dự án cộng đồng ủng hộ bệnh nhân ung thư. 

Tháng 8/2014, chị nhận được chẩn đoán: ung thư vú đã di căn vào gan. Hết vòng hóa chất, không đợi đến khi tóc rụng, chị đến tiệm cạo đầu rồi gửi tặng mái tóc của mình cho tổ chức từ thiện chuyên làm tóc cho trẻ em bị hói bẩm sinh. Cũng chính Thương Sobey là người đã gửi bức tâm thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi những thông tin về bảo hiểm y tế sẽ giảm chi trả cho một số loại thuốc điều trị ung thư đắt tiền khiến nhiều bệnh nhân ung thư rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng.

Vài tháng trước khi qua đời, Thương Sobey còn dũng cảm thực hiện một bộ ảnh ý nghĩa với thông điệp: Ung thư không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ, với chiếc đầu trọc và nụ cười tươi rạng rỡ, truyền thêm nhiều động lực sống và hi vọng tới mọi người. Sau gần 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thư cùng rất nhiều những hoạt động có ích trong hành trình đem đến hi vọng cho những bệnh nhân cùng cảnh ngộ như mình, Khánh Thương đã mãi mãi ra đi, để lại bao tiếc thương trong lòng những người từng biết đến chị.

Thương Sobey, Lê Thanh Thúy, Hoàng Thị Diệu Thuần – 3 cô gái trẻ có số phận khác nhau, tuổi đời khác nhau nhưng đều có một điểm chung đó là nghị lực kiên cường trong cuộc chiến dài chống lại căn bệnh ung thư quái ác. Họ - kẻ còn, người mất, nhưng tinh thần kiên cường và quả cảm thì vẫn luôn tồn tại và sáng mãi.
Chia sẻ