Cửa hàng thuê truyện cuối cùng ở Hải Phòng: Nơi lưu giữ gần 20 năm ký ức tuổi thơ và nửa thế kỷ dấu ấn một chuyện tình

Phan Thanh Nhàn / Ảnh: Quý Nguyễn,
Chia sẻ

Cửa hàng thuê truyện này không chỉ là điểm đến quen thuộc của thế hệ 8X, 9X một thời của đất Cảng mà còn là chứng nhân cho cuộc tình kéo dài gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng đã dành cả đời người gắn bó với những trang sách cũ.

Nép mình trong con ngõ nhỏ bình yên trên tuyến đường Lạch Tray vốn nổi tiếng ồn ào, cửa hàng của ông Phú - bà Tiêu thu hút người đi qua bằng tấm biển chào đơn giản: "Xin mời thuê truyện (Không phải đặt cọc).

Cửa hàng thuê truyện cuối cùng ở Hải Phòng: Nơi lưu giữ gần 20 năm ký ức tuổi thơ và nửa thế kỷ dấu ấn một chuyện tình - Ảnh 1.

Tấm biển chào be bé bình dị là thứ duy nhất để mọi người chú ý và nhận ra cửa hàng.

Ít ai biết rằng, căn nhà 40 mét vuông chẳng có gì ngoài những giá truyện đồ sộ đã in màu thời gian này chính là cửa hàng thuê truyện cuối cùng còn tồn tại ở thành phố Cảng. Và có lẽ cũng ít ai biết rằng, đây còn là nơi lưu giữ một câu chuyện tình.

Đón tiếp chúng tôi là một bà lão đã 83 tuổi, tóc điểm hoa râm, gương mặt phúc hậu lúc nào cũng thoáng nét cười. Ấy là bà Tiêu - chủ cửa hàng. Chồng bà - ông Phú đã mất cách đây 2 năm nên hiện tại chỉ có mình bà trông coi cửa hàng.

Cửa hàng thuê truyện cuối cùng ở Hải Phòng: Nơi lưu giữ gần 20 năm ký ức tuổi thơ và nửa thế kỷ dấu ấn một chuyện tình - Ảnh 2.

Bà Tiêu - 83 tuổi là chủ cửa hàng thuê truyện đã 19 năm nay.

Bà kể, cửa hàng thuê truyện này được mở từ năm 1999, sau khi vợ chồng bà về hưu. Về hưu, ông bà nghĩ buồn quá, muốn mở một cửa hàng kiếm niềm vui, kiếm thêm cả thu nhập. Ông là thương binh, đã từng sống đời lính vui với thơ, ca, sách, truyện nên quyết định mở cửa hàng cho thuê truyện này.

Thời đó, văn hóa đọc, đặc biệt là truyện tranh mới bắt đầu nổi lên ở Việt Nam, người người đọc truyện tranh, nhà nhà đọc truyện tranh. Nhưng thời đó cũng nghèo, người ta làm gì có điều kiện mua truyện đọc, thành thử ra ai cũng đi thuê truyện.

Truyện trong cửa hàng chất cao đồ sộ trên giá.

Những ngày đầu tiên, ông bà cũng tính, khách muốn thuê truyện phải đặt cọc. Sau ông nghĩ: "Người ta có tiền đặt cọc thì đi mua truyện cho rồi, cần gì phải thuê". Thế là ông bà không bắt đặt cọc tiền nữa. Mỗi khách đến thuê sẽ được ghi một mã số vào sổ, mỗi mã số tương ứng với địa chỉ nhà, số điện thoại, họ tên người thuê. "Thế là có thể vô tư thuê bao nhiêu cũng được" - bà Tiêu vừa nói vừa chỉ vào những cuốn sổ ghi lại danh tính khách hàng đã dày lên sau 19 năm trời.

Cửa hàng thuê truyện cuối cùng ở Hải Phòng: Nơi lưu giữ gần 20 năm ký ức tuổi thơ và nửa thế kỷ dấu ấn một chuyện tình - Ảnh 4.

Đây là những cuốn sổ ghi mã số khách hàng qua từng năm.

Có cửa hàng thuê truyện, hai ông bà lấy đó làm niềm vui to lớn tuổi xế chiều. Bà kể: "Ngày xưa đông khách lắm, xe của khách đến thuê gửi tràn ra cả hai bên đường. Có tháng ông bà cho thuê được 7, 8 triệu tiền truyện đấy". Nhẩm tính giá thuê ngày xưa 500 đồng/cuốn thì đủ hiểu cửa hàng tấp nập người thuê ra sao.

Thế rồi 2 năm trước, ông Phú mất vì biến chứng vết thương do mảnh đạn năm xưa. Cùng với sự đổi thay của thời đại, khách đến thuê truyện cũng vãn dần. Nhắc về ông, mắt bà lại sáng lên: "Ông tinh lắm! Ông tinh lắm" - bà nhắc đi nhắc lại như sợ người ta quên, và chữ "lắm" bà kéo dài ra không giấu nổi vẻ tự hào. Trò chuyện với chúng tôi mà bà như đang sống lại ký ức những ngày xưa cũ.

Cửa hàng thuê truyện cuối cùng ở Hải Phòng: Nơi lưu giữ gần 20 năm ký ức tuổi thơ và nửa thế kỷ dấu ấn một chuyện tình - Ảnh 5.

Ông Phú - chồng bà Tiêu đã mất 2 năm nay.

"Ngày ông còn sống, ông tự tay ghi chép sổ sách, ông nhớ từng quyển nào để ở đâu, khách nào thuê truyện gì, muộn bao nhiêu ngày", "Ông viết chữ đẹp lắm, quanh nhà toàn là chữ ông", "Ông khỏe lắm, chẳng ốm chẳng đau gì, đi bệnh viện mổ vết đạn thế rồi đùng một cái..." - Giọng bà đều đều nhắc về người chồng đã khuất như một thước phim quay thật chậm, thật đều.

Cửa hàng thuê truyện cuối cùng ở Hải Phòng: Nơi lưu giữ gần 20 năm ký ức tuổi thơ và nửa thế kỷ dấu ấn một chuyện tình - Ảnh 6.

Bà Tiêu sống cùng gia đình con cả, sức khỏe bà đã yếu và mắt trái gần như không còn thấy gì.

Trong cửa hàng, bút tích của ông Phú vẫn còn ở khắp mọi nơi thật. Từ cái bảng treo ngoài cửa "Trả truyện sớm thả vào thùng" kèm một cái thùng treo lủng lẳng nay đã gỡ mất vì vắng khách. Cho đến cái bảng khác "Gọi to lên, bà ở trong nhà bà sẽ ra ngay!", cho đến từng giá truyện, từng quyển truyện, đều là những lời nhắn bình dị vô cùng.

Bút tích của ông Phú tràn ngập khắp nơi trong của hàng.

Rồi bà kể mãi về "chiến tích" những lần ông xử lý những trường hợp éo le khi mở cửa hàng. Có lần, cả một lớp rủ nhau bùng truyện, ông đến tận trường, gặp ban giám hiệu, đòi gặp cả phụ huynh, ông đòi lại bằng hết. Lần khác, khách tới thuê đông quá, xe dựng ở ngoài không ai trông nên bị ăn cắp, hôm sau báo chí gán cho nhà bà cái tiếng cửa hàng trộm xe. Ông vừa giận vừa buồn, từ đó ông mua rất nhiều khóa về, khách nào tới là dặn tự khóa xe lại cẩn thận thì thôi.

Cửa hàng thuê truyện cuối cùng ở Hải Phòng: Nơi lưu giữ gần 20 năm ký ức tuổi thơ và nửa thế kỷ dấu ấn một chuyện tình - Ảnh 8.

Ông và bà đều rất cẩn thận, câu nói ông bà nhắc khách nhiều nhất khi tới thuê truyện là: "Nhớ khóa xe cẩn thận!".

Cả nửa ngày trời ngồi trò chuyện, chẳng thấy một bóng khách nào lui tới. Bà bảo: "Bây giờ còn ai thuê truyện nữa đâu, ngày nào đông lắm thì độ chục người, không thì vài ba người thôi". Nhìn bà cụ 83 tuổi run run ghi từng dòng chữ, tôi hỏi bà:

- Thế bà định duy trì cửa hàng tới bao giờ?

- Đến bao giờ bà chết thì tùy, chứ bà còn sống thì bà còn giữ, có người ra người vào bà còn vui, mà còn là kỷ niệm của bà với ông nữa - vẫn cái giọng đều đều, bà trả lời bình thản.

Cửa hàng thuê truyện cuối cùng ở Hải Phòng: Nơi lưu giữ gần 20 năm ký ức tuổi thơ và nửa thế kỷ dấu ấn một chuyện tình - Ảnh 10.

Bà Tiêu muốn giữ cửa hàng thuê truyện như giữ ký ức về người chồng đầu gối tay gấp hơn 40 năm trời.

Bất giác, một niềm xúc động lan tỏa khắp không gian 40 mét vuông của cửa hàng. Mắt bà Tiêu đã mờ vì bệnh tiểu đường, tay chân đã run vì tuổi già sức yếu, bà không còn tự xếp được truyện lên giá mà phải nhờ con gái, nhưng có lẽ trái tim bà vẫn vui và hạnh phúc.

Hạnh phúc vì được sống và trông nom cửa hàng thuê truyện - một ký ức sống động nhắc bà về người chồng đầu gối tay ấp gần nửa thế kỷ và những tháng năm rực rỡ của đời người.

Cửa hàng thuê truyện cuối cùng ở Hải Phòng: Nơi lưu giữ gần 20 năm ký ức tuổi thơ và nửa thế kỷ dấu ấn một chuyện tình - Ảnh 11.

Bà Tiêu và nơi chốn ý nghĩa nhất trong cuộc đời bà - cửa hàng thuê truyện.

Chia tay bà Tiêu và cửa hàng thuê truyện, chúng tôi ra về mà thầm ước gì một lần được bé lại, nhịn ăn sáng đi thuê mấy ngàn đồng truyện. Và bé lại để được nhìn tận mắt cái cảnh ông Phú ngồi bên bà Tiêu, ông ghi sổ cho khách thuê còn bà cầm cái quạt nan phe phẩy tình đến là tình!

Chia sẻ