Cử tri kiến nghị tử hình phạm nhân bằng lá ngón cho tiết kiệm

N. HUYỀN,
Chia sẻ

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay 4/5, cử tri Trần Ngọc Toán (Hoàn Kiếm) nêu vấn đề, tiêm thuốc tử hình phạm nhân như hiện nay gây tốn kém ngân sách. Do đó, ông Toán kiến nghị dùng lá ngón thay thế để tiết kiệm ngân sách.

Cử tri kiến nghị tử hình phạm nhân bằng lá ngón cho tiết kiệm - Ảnh 1.

Cử tri lý giải việc đưa ra kiến nghị này: Việc điều chỉnh, bổ sung, thay thế các điều luật là hết sức cần thiết nhằm phù hợp quá trình phát triển xã hội, quản lý nhà nước hiệu quả. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật đồng thời phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bởi lẽ xã hội luôn phát triển thì xã hội luôn nảy sinh những vấn đề mới mà các nhà làm luật chưa thể định hướng trước được.  Pháp luật cũ không còn phù hợp do đó, việc bổ sung, sửa đổi để điều chỉnh luật là điều đương nhiên.

Cử tri Toán cũng đề nghị Quốc hội cần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong Bộ luật hình sự. Theo ông Toán, hiện nay tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng cả về tính chất lẫn quy mô, gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý.

Nguyên nhân cơ bản là do mức độ xử phạt còn nhẹ, không đủ sức răn đe, đặc biệt đối với những hành vi như chống đối người thi hành công vụ, uống rượu bia lái xe, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, tiêu thụ thực phẩm bẩn nguy hại, xâm hại tình dục, đặc biệt tội phạm buôn bán ma túy ngày càng tăng với số lượng rất lớn… nhưng "chúng ta vẫn chưa có cơ chế để xử lý, không dám tịch thu phương tiện".

Do đó, ông Toán kiến nghị Luật hình sự quy định mỗi tội danh tương ứng với một khung hình phạt có thời hạn nhất định cụ thể, ví dụ 2, 3, 5 hay 10 năm hay tử hình chứ không nên quy định như hiện nay từ 5- 7 năm, 10- 20 năm có thể nảy sinh "lách" chạy án.

"Đáng nhẽ tội 5 năm nhưng quy định từ 2-5 năm thì sẽ chạy xuống 2 năm, dẫn đến hỏng cán bộ, rồi xuất hiện đội ngũ trung gian cò mồi chạy án", cử tri Toán cảnh báo.

Về xử lý phạm nhân án tử hình, cử tri Toán cho rằng tiêm thuốc như hiện nay gây tốn kém ngân sách  mà thời gian chờ đợi quá lâu, trong khi tồn đọng tử tù lớn gây nghi ngờ trong xã hội.

"Tại sao chúng ta không dùng phương pháp rất đơn giản và hiệu quả nhất là lá ngón, đỡ tốn kém. Dùng lá ngón, hình phạt tự tử tù phải ăn, chỉ cần 11 lá ngón là thi hành án xong rồi", cử tri Toán nêu ý kiến.

Trong khi đó, cử tri Trần Công Dân (Thành Công, Ba Đình) đánh giá, thời gian qua công tác xây dựng pháp luật, chất lượng xây dựng luật tốt hơn trước, một số luật đi vào cuộc sống, tuy nhiên vẫn có những văn bản có độ trễ quá dài, hiện tượng nợ đọng  văn bản vẫn còn, làm giảm hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan, thậm chí có những văn bản pháp luật vừa ra đã lạc hậu phải bổ sung, sửa đổi.

Cử tri Dân cũng bày tỏ sự băn khoăn về sự xuống cấp của đạo đức trong xã hội. "Việc tăng trưởng kinh tế tốt song việc xuống cấp đạo đức là vấn đề đáng báo động, đề nghị Quốc hội có quốc sách tối ưu, nghiên cứu thấu đáo toàn diện văn bản pháp luật làm sao phối hợp giữa gia đình- nhà trường - xã hội nhằm ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội giống như ngăn chặn tham nhũng hiện nay.

"Ngoài tuyên truyền giáo dục cần có xử lý nghiêm minh. Tai nạn giao thông do rượu tại sao không thu liền bằng lái 5 năm?", ông Dân bày tỏ.

Vấn đề giá điện khiến nhiều người dân bức xúc cũng được cử tri Kiều Quang Long (Quận Hoàn Kiếm) đề cập. Cử tri Long nêu vấn đề: Tại sao việc ban hành giá điện lại được Bộ Công thương đóng dấu mật?

Ông cho rằng "những gì liên quan đến giá cả không được mật, phải minh bạch. Giá điện đang thiếu minh bạch lại mật nữa thì quá nuông chiều cho ngành điện. Ngành điện đã, đang độc quyền, cần bắt buộc phải minh bạch giá. Bởi theo tôi biết ở một số nước, người dân doanh nghiệp  mua điện càng nhiều, giá càng rẻ, trong khi chúng ta thì ngược lại", ông Long nói.

Sau khi lắng nghe 10 ý kiến từ cử tri của hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, thay mặt tổ đại biểu phúc đáp một số kiến nghị của cử tri. Bà Mai hoan nghênh các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, đồng thời giải đáp nhiều băn khoăn cử tri nêu trong công tác xây dựng pháp luật.

Trong 16 Luật Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua, đoàn ĐBQH Hà Nội xin tiếp thu, đặc biệt về một số đề xuất liên quan đến Luật Kiến trúc, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương. Về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được nhiều cử tri quan tâm, ĐB Mai nhấn mạnh đây là dự án luật đặc biệt quan trọng nên Quốc hội cũng có sự quan tâm đặc biệt, đã xem xét qua 2 kỳ họp và chuẩn bị sang kỳ thứ ba.

Về ý kiến đề nghị Quốc hội có giải pháp phù họp để hạn chế việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt trong tình trạng xâm hại trẻ em, bà Mai thông tin năm 2018, Hà Nội đã khởi tố 47 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 44 vụ xâm hại tình dục. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa qua cũng tổ chức phiên điều trần riêng về nội dung này và dự kiến năm 2020 sẽ có cuộc giám sát tối cao về chuyên đề xâm hại trẻ em.

Đối với kiến nghị về giá điện, bà Mai cho biết Thủ tướng đã có chỉ đạo đối với Bộ Công thương cần phải thành lập đoàn kiểm tra cụ thể và có báo cáo lại với Thủ tướng về tất cả các vấn đề liên quan đến giá điện trong tháng 6 năm 2019 để làm sao đảm bảo minh bạch, công khai và thông tin chính thức cho người dân biết.

Chia sẻ