Cứ cho con ăn theo kiểu này, con biếng ăn, suy dinh dưỡng đừng hỏi vì sao

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Nhiều trẻ biếng ăn kinh niên, khi đưa con đi khám dinh dưỡng bố mẹ mới té ngửa con biếng ăn là do lỗi sai của người lớn.

Cứ nhìn thấy thức ăn là sợ

Cứ nhìn thấy mẹ đưa ra tô cháo là bé Bin (13 tháng tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) lại quay mặt đi. Mỗi bữa bé Bin chỉ ăn được một vài thìa cháo khiến cho chị Thủy - mẹ bé Bin thấy rất mệt mỏi. Chị Thủy đã dùng rất nhiều cách thay đổi cách chế biến món ăn, màu sắc, hương vị… nhưng chứng biếng ăn của bé Bin không hề được cải thiện. Chị Thủy tâm sự với bác sĩ dinh dưỡng dù cho ăn nhiều đồ bổ, đồ ngon con vẫn chê không ăn… Gần đây, bé Bin còn thêm tình trạng bị rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, chị Thủy đã phải đưa con đi khám dinh dưỡng gấp.

Cứ cho con ăn theo kiểu này, con biếng ăn, suy dinh dưỡng đừng hỏi vì sao - Ảnh 1.

Những bữa ăn kéo dài quá lâu sẽ khiến thức ăn bị vữa (Ảnh minh họa).

Khi trò chuyện với chị Thủy, bác sĩ tư vấn dinh dưỡng nhận thấy các bữa ăn của bé Bin đa dạng nhưng mỗi bữa lại quá nhiều chất đạm và bé Bin ăn hỗn hợp theo kiểu truyền thống. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài của bé Bin là do thức ăn bị vữa bởi bữa ăn kéo dài.

TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện dinh dưỡng Quốc gia) cho hay: "Rất nhiều bố mẹ than phiền con cứ ăn là sợ phát kiếp. Dù trẻ không ăn nhưng vẫn vui chơi và nhanh nhẹn khiến bố mẹ không thể lý giải được vì sao. Chính cách ăn hỗn hợp theo kiểu truyền thống từ trước tới nay khiến trẻ sợ ăn. Ngoài ra, có một nguyên nhân khác khiến bé biếng ăn là cách chế biến đơn điệu của mẹ như chỉ cho con ăn cháo, khẩu phần ăn giống nhau từ bữa này sang bữa khác, không thay đổi cách chế biến hay mẹ đưa ra cả phần thức ăn lớn khiến trẻ sợ…".

Cứ cho con ăn theo kiểu này, con biếng ăn, suy dinh dưỡng đừng hỏi vì sao - Ảnh 2.

TS.BS Phan Bích Nga thăm khám cho bệnh nhân.

Để tránh tình trạng sợ ăn của trẻ nhỏ, chuyên gia dinh dưỡng khuyên hãy cho trẻ ăn riêng từng loại thức ăn, chia nhỏ bữa ăn cho trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu không muốn ăn thì phải dừng ngay không ép.

Trong những ngày thời tiết nắng nóng, trẻ sẽ biếng ăn hơn. Mẹ có thể chế biến thực phẩm ở dạng nước, dạng súp. Trẻ lớn hơn sợ ăn cháo thì có thể thay đổi bằng mỳ, bún, phở cắt vụn.

TS.BS Phan Bích Nga gợi ý bố mẹ hãy tạo không gian thoáng mát cho trẻ hàng ngày như cho trẻ chơi ở chỗ mát mẻ (trong phòng có điều hòa). Nếu gia đình không có điều hòa thì có thể tắm cho trẻ 2-3 lần/ngày sẽ giúp giảm bớt nhiệt giúp trẻ dễ chịu và ăn uống tốt hơn. Tăng cường cho con ăn rau củ quả, trái cây tươi.

Con được tẩm bổ nhưng vẫn suy dinh dưỡng

Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định tẩm bổ cho trẻ phải có sự cân bằng về chất và lượng. Cho trẻ ăn nhiều đạm có thể ảnh hưởng tới thận của trẻ. Bắt trẻ ăn quá nhiều đồ bổ có thể làm mất cân bằng về chất.

Một thực tế, trẻ dù được ăn bổ tới đâu nhưng không đầy đủ về chất vẫn biếng ăn, suy dinh dưỡng. ThS. BS. Trần Khánh Vân, Phó khoa vi chất (Viện Dinh dưỡng) cho biết: trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, thấp còi có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó trẻ không được bổ sung đủ vi chất, cụ thể do thiếu kẽm, dễ dẫn tới biếng ăn, suy dinh dưỡng và thấp còi.

Cứ cho con ăn theo kiểu này, con biếng ăn, suy dinh dưỡng đừng hỏi vì sao - Ảnh 3.

BS Trần Khánh Vân cho rằng thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng.

BS. Trần Khánh Vân cho biết ở Việt Nam tình trạng thiếu kẽm rất đáng báo động nhưng nhiều người vẫn chưa để ý đến nó: "Thiếu vi chất chất kẽm thường dẫn đến chậm phát triển thể lực, tâm thần; các bệnh về mắt, da, tóc và niêm mạc; suy giảm chức năng sinh dục; dễ bị nhiễm khuẩn, lâu lành vết thương; các bệnh lý dạ dày-ruột, suy dinh dưỡng, nhầm lẫn mùi vị, rối loạn tâm-thần kinh... Và thiếu kẽm có thể làm một số bệnh lý tim mạch phát triển. Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thiếu kẽm còn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần, khiến trẻ dễ nổi cáu", BS Trần Khánh Vân chia sẻ.

Kẽm trong thực phẩm rất nhiều, cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ bằng các chế phẩm dinh dưỡng hoặc các thực phẩm giàu kẽm như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..).

Chia sẻ