Khủng hoảng vắc xin

"Cứ chờ bằng được vắc xin dịch vụ thì cơ hội phòng bệnh cho con sẽ trôi qua mất!"

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Các bà mẹ đang bị “nhiễu” thông tin và rất lo lắng, băn khoăn khi lựa chọn vắc xin dịch vụ hay vắc xin mở rộng cho con mình. Mặt khác, đã "lỡ theo" vắc xin dịch vụ, có thể chuyển sang tiêm các mũi tiếp theo bằng vắc xin mở rộng được không?

"Tỷ lệ tai biến sau tiêm vắc xin mở rộng là không cao"

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Vũ Huy, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương.

Trước tình trạng nhiều bà mẹ đang “chạy đua” đổ xô đi săn vắc xin dịch vụ 5 trong 1 (Pentaxim) mà thờ ơ với loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (Quinvaxem) như hiện nay, ông Huy cho rằng, nếu không có cách nhìn nhận một cách đúng đắn về vắc xin, thì nguy cơ để lại hậu quả bệnh tật hàng loạt cho cả thế hệ sau này rất lớn.

Ông khẳng định: “Nếu cứ chờ đợi bằng được khi có vắc xin dịch vụ mới tiêm cho con, thì các bà mẹ đã mất đi một cơ hội phòng bệnh cho con mình”.

Vắc xin
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương).

TS Huy thống kê lại: "Ở Việt Nam ta từ năm 1986 đã bắt đầu đưa chương trình tiêm phòng vào áp dụng cho người dân. Tổng kết lại chương trình này hoạt động rất hiệu quả, tai biến do tiêm gần như không đáng kể".

Vị PGS TS dẫn chứng: “Mỗi năm Việt Nam có từ 1,3-1,5 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm vắc xin. Theo thống kê có 9 trường hợp tử vong thì như vậy tỷ lệ tai biến không cao. Cần lưu ý thêm là trong số này, trường hợp tai biến khi tiêm chỉ xảy ra ở một số trẻ có tiền sử bệnh lý hoặc mẫn cảm với vắc xin…”.

vắc xin
Bộ Y tế sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất để tăng cường nhập thêm vắc xin dịch vụ

Nói về sự lựa chọn giữa vắc xin dịch vụ Pentaxim và vắc xin mở rộng Quinvaxem, BS Huy cho rằng, trẻ đến tuổi phải tiêm phòng thì cha mẹ phải đưa đến các trung tâm y tế để được hướng dẫn cụ thể. Không nên cứ chờ đợi có vắc xin dịch vụ cho bằng được vì khi đó cơ hội phòng bệnh cho con sẽ trôi đi mất.

Việc các bà mẹ chuyển hướng từ tiêm phòng mở rộng sang tiêm dịch vụ khiến nguồn cung không đáp ứng đủ, dẫn đến khan hiếm. Vì vậy, chưa thể đánh giá kỹ được hiệu quả cụ thể cũng như tai biến do tiêm ở loại vắc xin này, BS Huy nói.

Cũng theo BS Huy, do tình hình nhu cầu tiêm dịch vụ tăng đột biến như hiện nay, trong năm tới lượng Pentaxim vẫn chưa thể bù được nhu cầu.

Ông khuyên: “Các bà mẹ vẫn nên tiêm cho các cháu trong chương trình mở rộng, để đảm bảo đúng độ tuổi tiêm phòng. Như vậy các cháu được bảo vệ sức khỏe, các bà mẹ lại đỡ chi phí, công sức xếp hàng, chầu chực đợi chờ vắc xin". 

Không lo ngại về việc thay đổi vắc xin

Trong tâm trạng chờ đợi và “săn” vắc xin dịch vụ đã mệt mỏi, nhiều phụ huynh lại thêm lo ngại các bé đã tiêm vắc xin dịch vụ lần 1, nếu không có thuốc để tiêm lần 2, 3 thì phải xử lý như thế nào. BS Huy phân tích:

Về cơ chế thì vắc xin mở rộng có thể thay thế được vắc xin dịch vụ. Hai loại vắc xin này đều có tác dụng tương đương là phòng ngừa bach hầu, ho gà, uốn ván, viêm não do vi trùng HiB. Hai loại này chỉ có điểm khác là vắc xin mở rộng phòng viêm gan B, trong khi đó vắc xin dịch vụ phòng bại liệt… Như vậy các bà mẹ không cần lo lắng việc con mình sử dụng mũi tiêm vắc xin dịch vụ sau đó chuyển sang mũi tiêm trong chương trình mở rộng".

vắc xin
Các bà mẹ nên đưa con đi tiêm phòng khi đến tuổi phải tiêm (ảnh: Tuổi Trẻ)

Cũng trả lời về băn khoăn của người dân với câu hỏi trên, đại diện Bộ Y tế, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho hay, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất, công ty đăng ký để tăng cường nhập khẩu vắc xin về phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các gia đình không nên vì việc thiếu tạm thời các vắc xin này mà ảnh hưởng đến lịch tiêm chủng của trẻ.

Ông Đông nói: “Việc đưa trẻ đi tiêm đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giúp bảo vệ trẻ và cộng đồng trước các dịch bệnh như bạch hầu, ho gà. Các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng luôn được đáp ứng đầy đủ và đúng lịch”. 

Vị đại diện cho Bộ Y tế cũng khuyên người dân: “Trường hợp tiêm nhắc lại thì các gia đình có thể đưa cháu đi tiêm tương tự như trong chương trình tiêm chủng mở rộng chứ không nên có tâm lý chờ đợi, có thể gây ra bùng phát dịch trở lại ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu”.

Chia sẻ