Cộng đồng mạng kêu gọi hãy quan tâm đến nhau sau cái chết của Sulli: Đâu mới là giới hạn của "quá muộn"?

Lynk,
Chia sẻ

Rồi sẽ còn bao nhiêu Sulli nữa đột ngột rời bỏ thế giới xinh đẹp này? Đừng bao giờ bỏ rơi một người nếu bạn biết rõ họ đang phải vật lộn với những điều u ám từ ngày này qua ngày khác.

"Sulli sinh năm 1994, bằng tuổi mình. Những vấn đề mà cô ấy gặp phải có lẽ hầu hết những người trẻ như mình đều cũng đã và đang phải trải qua. Chỉ là mức độ nặng/ nhẹ khác nhau và sức chịu đựng của từng người khác nhau.

Mình có một trăn trở như này: Phải chăng khi người ta càng được nhiều người biết đến, càng được nhiều con mắt nhìn vào, càng nhận được nhiều sự kì vọng... thì cũng sẽ càng cô đơn hơn, càng khó chấp nhận được những lỗi sai của bản thân hơn và nhất là càng dễ có xu hướng buông bỏ mọi thứ hơn không?

Cộng đồng mạng kêu gọi quan tâm đến những người xung quanh sau cái chết của Sulli: " - Ảnh 1.

Bạn mình nói với mình 1 câu như này: 'Không hiểu Sulli tha thiết được chết đến mức nào mà phải chọn cách đau đớn như thế?'. Mình không trả lời được. Và mình tin là chẳng ai trả lời được câu hỏi đó ngoài chính Sulli đâu. Mình được biết đây không phải lần đầu Sulli có ý định tự tử.

1 năm rưỡi trước, anh họ mình cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử. Và bây giờ khi sự đã rồi thì mọi phân tích về lí do, động cơ, đúng - sai... cũng trở nên vô nghĩa và chẳng còn quan trọng nữa.

Đã có những chuỗi ngày mình tuyệt vọng đến cùng cực. Mọi thứ dường như đều đối xử tệ với mình. Nhưng mình, khác với nhiều người khi cho rằng phải tự mình đứng dậy sau vấp ngã mới là mạnh mẽ, mình chọn cách vỡ òa ra, bù lu bù loa lên, để mọi người đỡ mình dậy và cứu vớt mình.

Cộng đồng mạng kêu gọi quan tâm đến những người xung quanh sau cái chết của Sulli: " - Ảnh 2.

Bức ảnh cuối cùng trên Instagram của Sulli.

Cuộc đời này chúng ta không thể kì vọng tất cả mọi người chúng ta quen biết đều sẽ hiểu được nỗi đau của chúng ta và thông cảm, đồng cảm được với nó. Ngay cả bản thân mình cũng lựa chọn để cho người bạn này biết được nỗi đau này của mình, người bạn kia biết được khó khăn khác của của mình. Và không có một ai thực sự hiểu hết 100% những thứ mình đã phải trải qua. Nhưng ít ra mình đã lựa chọn việc chia sẻ ra bên ngoài để cảm thấy khá hơn thay vì việc giữ im trong lòng và tự vật lộn trong vô vọng với chúng.

Mình trân trọng những người bạn đã ở bên cạnh mình trong những thời điểm đó vô cùng. Mà chắc cũng vì lí do đó mà mình cũng chưa bao giờ bỏ mặc người bạn nào của mình trong những thời điểm họ yếu đuối nhất. Trong "The Farewell" có 1 câu như này: 'Ai cũng thường nghĩ đời mình chỉ có chính mình, nhưng không, đời một người gắn với nhiều người: gia đình, xã hội'.

Trầm cảm nói riêng và các chứng bệnh tâm lí nói chung không phải là một đám mây xám lững lờ trôi trông lãng mạn đâu. Nó là một đám mây đen kịt tối tăm và đầy u uất mà ai trong số chúng ta cũng có thể có trên đầu. Và mình cảm thấy mình quá may mắn, vì đã có lúc mình tuyệt vọng kinh khủng nhưng mình đã gọi về nhà cho mẹ chỉ để nghe mẹ mắng. Để mình tự nhắc nhở rằng phải cố gắng, không được bỏ cuộc vì phía sau mình vẫn còn rất nhiều người cần mình, yêu thương mình và nếu mình mất đi họ cũng không thể sống nổi.

Cộng đồng mạng kêu gọi quan tâm đến những người xung quanh sau cái chết của Sulli: " - Ảnh 3.

Đôi khi mọi điều chúng ta cần chỉ là 1 lí do để cuộc đời này trở nên có ý nghĩa và đáng sống. Nếu có một người bạn đang vật lộn với những điều u uất như vậy ngày qua ngày. Xin đừng bỏ rơi họ!".

Có thể từ hôm qua đến bây giờ, những thông tin về cái chết của nữ ca sĩ xinh đẹp Sulli tràn ngập khắp nơi khiến nhiều người cảm thấy quá tải, mệt mỏi, thậm chí chẳng muốn quan tâm bởi họ đều muốn tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực. Bài viết ngắn ở trên cũng chẳng phải ngoại lệ, bởi cái tên Sulli được nhắc ngay ở đầu khiến ai cũng đoán được nội dung phía sau đề cập đến chuyện gì. Là đồng cảm, là thương xót, là hoang mang, buồn phiền, tiếc nuối cho một thiếu nữ xinh đẹp tài năng, gần như ai cũng chung một lối cảm xúc giống nhau.

Nhưng xin lỗi, nếu đọc đến dòng cuối cùng, thì bạn hiểu thông điệp của bài viết trên là gì rồi đấy. Việt Dũng - chàng trai 25 tuổi từng vật lộn với quãng thời gian suy sụp tâm lý, đã cố gắng chia sẻ tâm sự và trải nghiệm thật của mình đến với tất cả mọi người sau kết thúc đau buồn của Sulli.

Khác với những status khóc thương, thậm chí "R.I.P theo trào lưu" của đám đông bạn trẻ trên MXH dù chẳng hề biết Sulli là ai, Việt Dũng đã nhắc đến một điều, tuy rất cũ nhưng chưa bao giờ thừa thãi: Xin đừng bỏ rơi những người cô đơn u uất giữa cuộc sống này.

Cộng đồng mạng kêu gọi hãy quan tâm đến nhau sau cái chết của Sulli: Đâu mới là giới hạn của "quá muộn"? - Ảnh 5.

Trước Sulli, đã từng có không ít nghệ sĩ Hàn tự tử, với nguyên nhân chủ yếu hầu như vì trầm cảm. Nó không chỉ đơn thuần là một căn bệnh tâm lý nặng nề, mà nó còn là vết nứt vỡ rơi lả tả xuống cuộc sống xô bồ đương đại, ban đầu chẳng mấy ai bận tâm vì những mảnh vụn ngang qua. Nhưng đến khi nó nứt toác ra, vỡ vụn hơn, ngẩng đầu lên chúng ta mới thấy đám vụn sắc lẻm ấy đã ghim vào những người xung quanh mình.

Họ đau đớn, họ bị thương, họ kêu lên nhờ chúng ta cứu giúp. Song, chúng ta làm gì? Ai cũng muốn lành lặn vui vẻ, nên ý nghĩ đầu tiên là TRÁNH khỏi nơi nguy hiểm phiền phức đó!

Cộng đồng mạng kêu gọi hãy quan tâm đến nhau sau cái chết của Sulli: Đâu mới là giới hạn của "quá muộn"? - Ảnh 6.

Tất nhiên, sẽ vẫn có nhiều người trong số chúng ta sẵn sàng ở lại chịu đau cùng bạn bè, gia đình mình, hoặc kể cả người xa lạ, rồi dìu họ chạy khỏi đám mưa thủy tinh rơi thẳng xuống đầu, cùng họ đến nơi an toàn hơn và chữa lành vết thương cho họ. Nhưng được mấy ai như thế? Hay chúng ta còn bận mải những mối lo của riêng mình, bởi "ai mà chẳng có nỗi khổ riêng"!

Biện minh như thế, sẽ bớt đi cảm giác tội lỗi hối hận. Sẽ bớt đi nỗi ám ảnh về chuyện "người thân/ người quen của mình vừa tự tử". Mình từng biết, từng nghe thấy. Nhưng mình đã cố ý lờ đi, coi đó là chuyện chẳng hề quan trọng. Vậy, chúng ta có thực sự là những người BIẾT LẮNG NGHE VÀ THÔNG CẢM hay chưa???

Cộng đồng mạng kêu gọi hãy quan tâm đến nhau sau cái chết của Sulli: Đâu mới là giới hạn của "quá muộn"? - Ảnh 7.

Đâu phải ai cũng may mắn có cuộc sống vẹn tròn như ý muốn. Người sở hữu ánh hào quang, chắc gì phía sau đã hạnh phúc. Người luôn cười hạnh phúc, biết đâu lại đang vật vã với căn bệnh nào đó không chữa nổi? Việt Dũng đã gửi lời nhắn nhủ sâu sắc khiến bao người phải giật mình suy nghĩ lại: "Trầm cảm nói riêng và các chứng bệnh tâm lí nói chung không phải là một đám mây xám lững lờ trôi trông lãng mạn đâu. Nó là một đám mây đen kịt, tối tăm và đầy u uất mà ai trong số chúng ta cũng có thể có trên đầu".

The First Client (Thân chủ đầu tiên) của điện ảnh Hàn vừa mới ra rạp giữa năm 2019 là một bộ phim không hẳn quá xuất sắc, nhưng thông điệp đằng sau đủ khiến tất cả những ai từng xem hết 114 phút thời lượng cảm thấy ấn tượng vô cùng. 2 đứa trẻ trong phim đã tìm đến luật sư trẻ Yung Yeob, phát tín hiệu cầu cứu liên tục sau khi bị mẹ kế bạo hành. Cô bé Dabin 10 tuổi và em trai 7 tuổi đã tin vào lời hứa của "chú luật sư", tin rằng chúng sẽ được giải thoát. Nhưng Yung Yeob đã phớt lờ 2 đứa trẻ, để chạy theo tham vọng riêng.

Kết quả, em trai Dabin bị bạo hành đến chết, Dabin bị mẹ kế ép nhận tội ngộ sát, và cô bé bị Trầm cảm nặng nề. Chàng luật sư trẻ hay tin đã vô cùng hối hận, vứt bỏ hết tất cả để quay về đòi lại công bằng cho 2 đứa bé tội nghiệp. Bà mẹ kế phải trả giá, nhưng em trai Dabin không thể sống lại được nữa. Lũ trẻ đã cố gắng cầu cứu tất cả những người xung quanh, nhưng khi chúng gào thét vì bị hành hạ, hàng xóm chỉ nhắm mắt làm ngơ, cô giáo thì nói bận, người duy nhất chúng bấu víu là "chú luật sư" thì lén bỏ đi! Chúng không chết vì bị mẹ kế đánh, chúng chết vì sự thờ ơ của những người chúng từng tin yêu.

Thế nào là giới hạn cho 2 từ "quá muộn" đây?

Cộng đồng mạng kêu gọi hãy quan tâm đến nhau sau cái chết của Sulli: Đâu mới là giới hạn của "quá muộn"? - Ảnh 8.

Trầm cảm chẳng có ngoại lệ, chẳng có thuốc tiên để chữa. Nếu đã rơi vào trạng thái tâm lý bế tắc, lúc nào cũng suy nghĩ tiêu cực, thì tin tôi đi, chẳng có thuốc nào chữa được, chỉ có vượt qua chính mình mà thôi. Tuy nhiên, các bạn ạ, vượt qua chính mình không có nghĩa là loay hoay MỘT MÌNH, đã trầm cảm lại còn chìm trong sự cô độc thì kết quả sẽ chỉ là cái chết để giải thoát bản thân!

Hậu quả của trầm cảm nó còn khủng khiếp hơn cả một đại dịch, bởi bạn thấy đấy, một người ra đi trong sự đau khổ, họ có thể để lại di chứng đau buồn vô hạn cho vô số người khác xung quanh, bao gồm cả day dứt ân hận. Sulli hay em trai Dabin. Đó chỉ là 2 trong số vô vàn nạn nhân bị đẩy đến tận cùng của sự vô tâm.

Cộng đồng mạng kêu gọi hãy quan tâm đến nhau sau cái chết của Sulli: Đâu mới là giới hạn của "quá muộn"? - Ảnh 9.

Nếu thấy ai đó cạnh mình có dấu hiệu trầm cảm, hãy dành thời gian quan tâm đến họ nhiều hơn một chút. Dù là một lời hỏi thăm "Bạn có ổn không?", hoặc một cử chỉ thân thiện bao dung, cũng có thể giúp họ cảm thấy phấn chấn hơn, thêm hi vọng và niềm vui vào cuộc sống. Một bàn tay đưa ra đúng lúc, biết đâu lại là cứu sinh cho một tâm hồn đã kiệt quệ. Thật may, cộng đồng mạng đã nhận ra điều tích cực này và đang cố gắng chia sẻ cho nhau, kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn dành cho người thân, bạn bè của mình. Sulli ra đi là một tiếng chuông thức tỉnh mạnh mẽ hơn đến hàng triệu người.

Đôi khi mọi điều chúng ta cần chỉ là 1 lí do để cuộc đời này trở nên có ý nghĩa và đáng sống. Nếu có một người bạn đang vật lộn với những điều u uất như vậy ngày qua ngày. Xin đừng bỏ rơi họ!

Chia sẻ