Con không phải của-để-dành mà chính là bạn đồng hành của mẹ

Phạm Hường (Ghi),
Chia sẻ

Hành trình cùng con là chuỗi trải nghiệm việc làm mẹ, làm bạn đồng hành trong sự tỉnh thức. Làm mẹ, với mình đó là công việc thú vị nhất, vui sướng nhất từ trước đến nay.

Mẹ: Như Quỳnh, phóng viên, 32 tuổi.

Con: Minh Đăng, tên gọi ở nhà là Bap.

Mẹ chỉ là người-vận-chuyển

Khi con vừa chào đời, mình có lúc nhìn chàng trai nhỏ bé nằm kế bên và tự hỏi: "Con mình đây thật ư? Không giống lắm so với những gì mình tưởng tượng". Cảm giác làm quen và yêu một chàng trai mình đã thì thầm trò chuyện và mong ngóng suốt 9 tháng qua hóa ra lại vô cùng bối rối như vậy. Thế rồi khi nhìn thấy ông xã âu yếm chăm sóc con, ông bà nội ngoại ẵm con lên hít hà, họ hàng và bạn bè ai cũng muốn ẵm con lâu thêm chút nữa, mình mới chợt nhận ra rằng mình chính là "người vận chuyển". Mình là người đã đưa con đến cuộc đời này và ở nơi đây, con sẽ được vẫy vùng thỏa thích trong vùng trời của con, còn mình luôn là người bạn đồng hành của con trên những chặng đường quan trọng.

Con không phải của-để-dành mà chính là bạn đồng hành của mẹ - Ảnh 2.

Mình định hướng con nhưng cũng lắng nghe vì con không phải lúc nào cũng sẵn sàng.

Lúc con 5,5 tháng cũng là lúc mình phải quay trở lại với công việc. Mình quyết định không phiền đến ông bà nội ngoại mà đem gửi con ở một trường mầm non tư thục gần nhà. Yêu cầu của mình về trường rất đơn giản: Đủ an toàn cho con và các cô tình cảm. Mình cảm thấy hai mẹ con thật sự may mắn vì cô chăm trẻ rất có tâm, tận tình. Con có môi trường, có bạn cùng chơi từ rất sớm nên việc làm quen với ai đó với con cũng rất tự nhiên. Con mình có một đặc điểm là sẽ mất thời gian quen với những điều mới mẻ nên mình không hối thúc con. Con sẽ thoải mái hơn khi chủ động.

Bây giờ, mỗi sáng đi học, mình chỉ con chào bà trong xóm, chào chú bảo vệ. Có hôm con không thoải mái, con không chào thì mình chỉ nói: "Con chào là con thể hiện sự quan tâm, người khác cũng vui vẻ. Con không thoải mái thì thôi". Mình định hướng con nhưng cũng lắng nghe vì con không phải lúc nào cũng sẵn sàng.

Giờ con ở độ tuổi nhạy cảm, mình hay nhắc nhỏ với con: "Nếu khi nào mẹ sai, con nói nhỏ nhẹ với mẹ nha". Mình muốn con hiểu, mình là một bà mẹ không hoàn hảo, mình cũng có đầy lỗi sai, và con phải có nhiệm vụ "nhắc nhở" mình. Mỗi lần như thế, mình thấy con bắt đầu chú ý hơn đến lời nói và hành động của mẹ. Mình không đặt ra quá nhiều quy tắc khi ở bên con. Mình thường lồng ghép những bài học về ứng xử vào những câu chuyện hàng ngày: chuyện hai mẹ con gặp trên đường, trong công viên; chuyện trên lớp của lời kể của con… Khi con có phản ứng tốt và thể hiện lại những điều mình đã chỉ, đó là lúc mình biết con đã "thấm" bài học như thế nào.

Có lần, mình đọc sách cho con nghe, con không tập trung, thế là mình không đọc nữa. Con im lặng một lúc rồi nói: "Mẹ làm tổn thương con rồi đó". Lúc đó mình mới giải thích cho con lý do tại sao mình làm như vậy, để con hiểu và học cách tôn trọng những hành động quan tâm dù là nhỏ bé mà người khác dành cho mình.

Mình nghĩ, con nên trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Cảm xúc không phải lúc nào cũng là vui vẻ, ngọt ngào. Mình muốn con dần nhận ra rằng sẽ có lúc con không có được điều con muốn, vậy con phải làm gì? Khi con giận, lúc thì mình làm lơ, lúc thì mình chọc con cười và nói "Chuyện nhỏ, có gì đâu mà lo!", hoặc lúc thì mình dịu giọng ngồi xuống nói chuyện với con để con giải tỏa cảm xúc.

Nhà mình gần nhà sách, cuối tuần, vợ chồng mình rất hay dẫn con đi nhà sách. Có hôm đến mua đồ, có hôm chỉ đi loanh quanh, và thi thoảng mình lại dặn con: "Hôm nay con chỉ nhìn chứ không mua gì nha", thì bỗng nhiên một lần khác con lại nói với mình câu y chang làm mình phì cười. Muốn dạy con điều gì thì mình hãy làm gương trước, nếu không làm được thì đừng ép con.

Con không phải của-để-dành mà chính là bạn đồng hành của mẹ - Ảnh 3.

Mỗi sáng, hai vợ chồng cùng con đi học, chiều lại thu xếp công việc để cùng nhau đón con.

Mình yêu con vì tất cả những gì thuộc về con, ngoài bản năng một người mẹ còn là sự quan sát và theo sát con mỗi ngày. Thay vì bắt con phải hiểu mình, nghe lời mình thì mình học cách lắng nghe và thấu hiểu con trước. Ngày trước, có ai đó nhìn con và "chê" con ốm, mình sẽ không vui nhưng dần dần, mình chuyển mối quan tâm đến chất lượng cuộc sống của con trên ba phương diện thân-tâm-trí. Đó mới là điều cốt lõi giúp con vững bước trong chặng đường sau này, ngay cả khi không có mình bên cạnh. Mình hạnh phúc khi nhìn thấy con lớn lên từng ngày với tâm hồn được bồi đắp, với trí óc và mọi giác quan mở rộng.

Con trẻ luôn luôn tò mò, háo hức về thế giới bên ngoài. Thỉnh thoảng, mình nghe ai đó nói con họ hư lắm, quậy lắm, mình đặt trong đầu câu hỏi "Liệu bố mẹ đã thấu hiểu con hay chưa?". Thực sự, con không sai. Người lớn cứ vội vã kết luận rằng con hư, con quậy và không hiểu rằng con đang rất muốn khám phá thế giới xung quanh mình. Con không sai, chỉ có hành động của con lúc đó không phù hợp trong một hoàn cảnh, thời điểm cụ thể.

Mình nhớ, lúc chuẩn bị sinh con, mình đã dẹp hẳn cái giường trong phòng, chỉ lót tấm nệm để tạo không gian thoáng, gọn trong phòng, sẵn sàng cho con khám phá góc nhỏ thân thuộc đầu tiên. Ở tuổi con biết bò, biết trườn, mình cũng không quá nhọc công theo sát con. Con cần vận động để phát triển trí não, thể chất trong giai đoạn ấy. Ở giai đoạn ấy, con có quyển thử và sai trong ngưỡng cho phép. Nếu mình ngăn chặn quá nhiều sẽ vô tình tạo cho con tâm lý không dám thử điều gì nữa.

Hành trình thú vị cùng với con

Cùng con, với mình là một hành trình vô cùng thú vị, giúp mình luôn có lý do để tìm hiểu về cuộc sống và để ở bên con trọn vẹn hơn. Đặc biệt là khi mình luyện tập yoga và biết cách điều chỉnh cuộc sống một cách tỉnh thức hơn, mình nhận thức sâu sắc hơn về khoảnh khắc hiện tại quý báu. Vì thế mà mình không thúc giục hay đòi hỏi ở con bất cứ điều gì mà luôn có cảm giác vợ chồng mình đang dành trọn vẹn cho con trong chính thời gian này. Ngày qua ngày, những điều ấy vun đắp trong con kết nối bền vững với gia đình.

Mỗi sáng, hai vợ chồng cùng con đi học, chiều lại thu xếp công việc để cùng nhau đón con. Ngày nào bận quá thì chồng hoặc mình sẽ đưa-đón con một mình. Phần thưởng mà cả hai vợ chồng mình nhận được là những lúc con choàng vai thì thầm rằng: "Đây là hai cục cưng của con đó" hoặc có khi con nói: "Con yêu gia đình này lắm". Thỉnh thoảng, giữa nơi đông người, mình thường ghé tai con nói "Mẹ yêu con". Con rất thích điều này và đó cũng là cách mình muốn đưa vào tâm trí con niềm tin rằng mẹ luôn ở bên con, luôn yêu con dù con như thế nào.

Mình cho con cảm nhận cuộc sống bằng tất cả các giác quan đủ để con nhận biết đâu là nguy hiểm, đâu là an toàn. Cuối tuần, cả nhà thường ra công viên chơi. Lúc con khoảng 8-9 tháng, con ngồi vọc cát, cho cát vào miệng. Mình ngồi ngay cạnh, mình thấy nhưng cố gắng thử mình, thử con, cho con nếm thử vị của cát. Con nhăn mặt nhè ra, và chẳng dám nếm thử nữa. Rồi cát vào mắt, con khóc, mình phủi và giải thích vì sao con khó chịu, vì sao con đau. Hay ở nhà, nếu không muốn con đứng gần bếp lửa hay đụng vào bất cứ thứ gì quá nóng, mình sẽ cho con thử với nhiệt độ ấm con chịu đựng được và dạy con biết thế nào là nóng.

Con không phải của-để-dành mà chính là bạn đồng hành của mẹ - Ảnh 4.

Mình cho con bước vào thế giới cảm xúc riêng của mình để con trở nên nhạy bén và thấu hiểu mẹ hơn.

Một khi đã hiểu thì con sẽ biết mình phải làm thế nào. Con không nên, không được làm gì thì đi kèm theo đó luôn là giải thích của mẹ. Nên nếu mình có làm sai những gì mình đã nói với con, con hoàn toàn có thể chỉnh mình. Chưa bao giờ mình nghĩ hoặc nói ra rằng con hỗn vì con đã được học cách trò chuyện, thẳng thắn nói ra suy nghĩ từ lúc nhỏ.

Mình cũng không phải đặt áp lực nào lên bản thân rằng mình phải là người mẹ hoàn hảo trong mắt con. Mình không giấu con tất cả những cảm xúc tiêu cực của mình, những lúc mình buồn bã hay tức giận. Mình cho con bước vào thế giới cảm xúc riêng của mình để con trở nên nhạy bén và thấu hiểu mẹ hơn. Có lần con nói: "Con yêu mẹ bà chằn", và mình hiểu tình cảm của con dành cho mình vô cùng mộc mạc và ấm áp.

Hành trình cùng con là chuỗi trải nghiệm việc làm mẹ, làm bạn đồng hành trong sự tỉnh thức. Làm mẹ, với mình đó là công việc thú vị nhất, vui sướng nhất từ trước đến nay.

Mẹ Như Quỳnh chia sẻ

Chia sẻ