Con gái phải nuôi tóc dài, con trai phải để tóc ngắn: Chẳng phải chúng ta đang sống trong thế giới tự do hay sao?

Phong Linh, Design: Mộng Mộng,
Chia sẻ

Trong một xã hội mà tư tưởng "xấu đều hơn tốt lỏi" vẫn còn ngự trị, những người nghĩ khác, làm khác hay đơn giản là diện mạo khác đều rất dễ thành tâm điểm xì xào. Dường như, người ta quên rằng đại bàng và chim sẻ có bầu trời khác nhau.

Con gái phải nuôi tóc dài, con trai phải để tóc ngắn: Chẳng phải chúng ta đang sống trong thế giới tự do hay sao? - Ảnh 1.

Tôi có một cô con gái 5 tuổi - một cô bé khá lém lỉnh và hay thắc mắc. Gần như sáng nào trước khi con đến trường, chúng tôi cũng có những cuộc đối thoại nho nhỏ, kiểu như: "Mẹ, tại sao trẻ con cứ phải đi học, người lớn cứ phải đi làm kiếm tiền? Mình cứ ở nhà chơi với nhau, vui cười với nhau mãi mãi có được không?", "Mẹ, con thích có một mái tóc màu hồng và xoăn. Tại sao tóc mình cứ phải màu đen? Tại sao người lớn nhuộm nâu được, uốn xoăn được mà con thì không?...

Con gái phải nuôi tóc dài, con trai phải để tóc ngắn: Chẳng phải chúng ta đang sống trong thế giới tự do hay sao? - Ảnh 2.

Con tôi có hàng nghìn câu hỏi tương tự vậy, và điều bạn ấy đặc biệt quan tâm là tại sao chúng ta "phải" làm thế này và "không được phép" làm thế kia. Có những câu tôi trả lời qua loa cho xong chuyện, có những câu hỏi đã khiến tôi giật mình và suy nghĩ nghiêm túc về việc trò chuyện với con về cuộc đời, về cách một người sống và ứng xử với xã hội.

Tôi nhận ra, người lớn chúng ta dường như quen dọa trẻ hơn là giải thích cặn kẽ mọi điều, và phần nhiều những câu trả lời của chúng ta phản ánh một điều: Ta rất sợ mình "không giống ai".

Một phần trong bạn tự hào rằng bạn khác biệt, bạn tuyệt vời, bạn là duy nhất, nhưng phần lớn hơn, bạn vẫn sợ hãi sự khác biệt của mình. Dù chẳng ai quy định, nhưng hình dung trong chúng ta về các bé gái là mặc váy, nuôi tóc dài, chơi búp bê, chơi làm bếp, chuộng màu hồng. Và các bé trai phải mạnh mẽ, không được khóc nhè, để tóc ngắn (hoặc cạo trọc), chơi trò siêu nhân, mơ ước giải cứu thế giới… Chúng ta cũng từng được nghe (và vô thức nói lại với con chúng ta) rằng con mặc thế này thật "kỳ quặc", để kiểu tóc kia trông "chẳng giống ai", có không?

Con gái phải nuôi tóc dài, con trai phải để tóc ngắn: Chẳng phải chúng ta đang sống trong thế giới tự do hay sao? - Ảnh 3.

Mấy ngày trước, ông bố nổi tiếng Việt Max đã chia sẻ câu chuyện bức xúc vì chuyện người khác dòm ngó tóc của cậu con trai Pid. Chả là, cu cậu mê tóc dài và quyết định nuôi tóc. Ông bố hầu hết ngày nào cũng gặp vài ánh mắt, lời nói hay sự việc xảy ra với cái tóc của con kiểu "Ơ con trai hay con gái thế?", "Ơ sao con trai lại để tóc dài?", "Để con trai tóc dài không thấy nóng à?"... Cũng có lần, em bé Pid đi vệ sinh công cộng bên nam bị một người... cản lại không cho vào, hoặc bị người lạ xì xào rằng "Chắc ông này chắc mong có con gái"... Ông bố Việt Max đã phản ứng rất mạnh mẽ với những lời gièm pha, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng làm như vậy.

Chuyện tóc tai hay khóc nhè của bọn trẻ có thể là chuyện nhỏ thôi. Nhưng chúng ta cũng từng nghe rằng đến khi 18 tuổi nhất định phải đi học đại học mới có tương lai, ra trường rồi phải đi làm, lớn tuổi rồi phải kết hôn (rất nhiều người bị tọc mạch nếu tuổi băm rồi vẫn còn đơn chiếc), rồi sinh con, rồi sống cả đời với một ai đó ta chọn. Rồi thì phụ nữ kiểu gì cũng phải biết nấu ăn, chăm dọn nhà, đàn ông đừng rúc đầu vào bếp, đừng giặt quần áo, đặc biệt là đồ lót của vợ. Đàn ông phải làm trụ cột gia đình, căng thẳng mấy cũng phải cố mà chịu, đàn ông không có sự nghiệp, tiền đồ là hèn, là thất bại...

Con gái phải nuôi tóc dài, con trai phải để tóc ngắn: Chẳng phải chúng ta đang sống trong thế giới tự do hay sao? - Ảnh 4.

Hãy nghĩ về những gông cùm tư tưởng mà chính bạn đang bị áp đặt, để ngẫm sâu hơn về cách dạy dỗ những đứa trẻ của mình, cách yêu chúng. Chúng ta dạy con cơ thể của chúng là của chúng, không ai có quyền xâm phạm, nhưng chúng ta lại muốn đánh con nếu chúng không chịu ăn - vì không đói, không có nhu cầu ăn, chúng ta dễ dàng hóa điên nếu chúng muốn làm kiểu tóc mà chúng thích - nhưng ta chẳng ưa, hoặc nổi giận lôi đình nếu con mình đi xăm - chỉ vì ta muốn mình có một cơ thể "sạch sẽ" không dấu vết...

Bởi cuộc sống vốn đa dạng và khác biệt. Đánh giá, áp đặt tư tưởng, lối sống của mình cho người khác, mà gần nhất là con mình sẽ chỉ khiến bạn luẩn quẩn trong chính cái lồng mà mình (và xã hội) đã tạo ra. Nếu thật sự yêu con, hãy cho con tự do và dành cho chúng những gì tốt nhất theo sở thích của chúng, chứ không phải của bố mẹ.

Con gái phải nuôi tóc dài, con trai phải để tóc ngắn: Chẳng phải chúng ta đang sống trong thế giới tự do hay sao? - Ảnh 5.

Sự giống nhau, hòa lẫn, lẩn khuất với đám đông nó đem lại cho chúng ta sự an toàn, nhưng cũng là một thứ vòng kim cô ngăn chúng ta thành thật với chính mình, bạn cứ thử nhìn vào sâu trong mình mà nghĩ xem! Nếu ai cũng an toàn, ai cũng giống hệt ai, thì thế giới này lấy đâu ra khác biệt, chúng ta sẽ còn biết "wow" lên bởi cái gì nữa?

Có một sự thật là vòng tròn "an toàn" chúng ta tự vẽ cho mình và xã hội vẽ ra cho những người sống trong nó tạo nên sự bình ổn (có vẻ thế), và cũng khiến chúng ta khó chấp nhận được những khác biệt xung quanh. Nếu một bé trai để tóc dài, một bé gái mê chơi siêu nhân, một người đàn ông nấu bếp, một người phụ nữ không thích nội trợ mà giỏi sửa điện… phản ứng của phần đông là ta sẽ thấy họ "hay hay" một chút. Sau đó hàng trăm giả thuyết, suy diễn sẽ nảy trong đầu chúng ta để tìm cách lý giải sự việc "kỳ cục" này, và hiếm khi lý do: Vì họ thích thế, và có quyền làm thế xuất hiện.

Ô hay, chẳng phải chúng ta đang sống trong một thế giới (kêu gọi) tự do cho mọi người hay sao? Có tự do nào quan trọng hơn tự do được ứng xử với thân thể mình như thế nào từ những thứ thiết thân như đầu tóc, quần áo, cho đến việc làm gì để sống, ăn uống như thế nào, làm việc gì, có kết hôn, sinh con hay không… miễn tự do ấy không làm hại người khác, không vi phạm pháp luật, đạo đức của loài người chứ?

Con gái phải nuôi tóc dài, con trai phải để tóc ngắn: Chẳng phải chúng ta đang sống trong thế giới tự do hay sao? - Ảnh 6.

Nếu bạn không thể đồng tình với ai đó về những sự khác biệt, thậm chí "dị thường" của họ, bạn không thể đồng ý rằng họ thật thú vị. Nhưng chí ít, hãy làm một điều: chấp nhận sự đa dạng. Thế giới có người bình thường, có người khác biệt, có người đặc biệt. Bạn chọn là một người bình thường, an toàn, gần với đám đông, đó là quyền của bạn. Nhưng quan trọng là bạn chấp nhận có người khác biệt với mình, hiểu rằng mình không có quyền ép họ "bình thường" như mình, vậy là đủ.

Có phượng hoàng và diều hâu, có hoa và cỏ, có người bình thường và người khác biệt, đó mới chính là cuộc sống. Không hẳn là đối lập, nhưng đó là những điều khác biệt. Điều quan trọng chẳng phải là bên nào đúng hay sai.

So về sải cánh, chim sẻ sao có thể sánh với đại bàng? So về vĩ đại, một lạch khe sao bì được biển lớn? Nhưng một lúc khát cháy, đại dương mênh mông cũng bất lực trước một ngụm nước mưa ven đường. Một chú sâu nhỏ, một cánh chuồn xinh sẽ trở nên có ích nếu ta nhìn nó như chính nó là.

Con gái phải nuôi tóc dài, con trai phải để tóc ngắn: Chẳng phải chúng ta đang sống trong thế giới tự do hay sao? - Ảnh 7.

Bình thường hay khác biệt, an toàn hay phá cách đều ổn, nếu mỗi bên đều tìm ra cách để "wow" đúng với bản thể của mình và đừng ép người khác như mình. Dạy trẻ con giống cha mẹ hay giống ai khác liệu có quan trọng bằng việc hỗ trợ chúng tìm ra phiên bản tuyệt nhất của mình hay không, đó là điều bạn sẽ tự trả lời, nhé!

Chia sẻ