"Con có chuyện buồn, nhưng con không nói với mẹ đâu!"

An Nhi,
Chia sẻ

Nếu một hôm, bạn đón con ở cổng trường giờ tan học, cô gái bé nhỏ băn khoăn nhìn mẹ rồi bảo: "Con có chuyện buồn, nhưng con không nói với mẹ đâu!", thì bạn có đủ bình tĩnh để không hét lên “Có chuyện gì? Nói ngay cho mẹ xem nào” với con?

Chuyện của Nhím, 6 tuổi

Từ ngày trở thành "sinh viên chữ to" lớp 1, Nhím bé bỏng của mẹ lớn bổng hẳn lên, không chỉ riêng khoản biết tự đọc sách, biết viết thư nhắn nhủ cho mẹ mà còn cả ở những "phát ngôn" nhiều lúc khiến mẹ giật mình thon thót.

Chiều hôm ấy mẹ đến đón Nhím, không vui vẻ, ríu rít như mọi khi, Nhím băn khoăn nhìn mẹ rồi bảo: "Con có chuyện buồn, nhưng con không nói với mẹ đâu! Vì nếu con nói, mẹ sẽ bảo: "Con làm vậy thì bị như thế là đúng rồi." Mẹ hơi khựng lại một chút, may quá, vì cú khựng lại đó mà mẹ không lao vào lục vấn Nhím "Thế con làm sao? Ở lớp có chuyện gì phải nói ngay với mẹ chứ? Nếu con không nói là mẹ bực đấy nhé!...", thay vào đó, mẹ giật mình nhìn lại bản thân, hẳn là mẹ đã từng nói điều gì đó với Nhím khiến Nhím "ấn tượng xấu" về mẹ, hoặc là thật sự Nhím sợ mẹ sẽ không đứng về phía Nhím, không bảo vệ Nhím khi có chuyện gì đó xảy ra với con vì những lần cáu kỉnh, quát mắng Nhím phải như thế này, như thế kia của mẹ.

Con có chuyện buồn, nhưng con không nói với mẹ đâu! - Ảnh 1.

Điều đầu tiên quan trọng nhất đối với trẻ khi chúng làm việc gì đó sai lầm, có chuyện không vui hoặc cư xử không đúng mực… là được bố mẹ lắng nghe và ghi nhận cảm xúc (Ảnh minh họa).

Thế là mẹ giữ bình tĩnh được, chỉ cầm tay Nhím nói: "Không sao, lúc nào Nhím muốn kể với mẹ thì Nhím cứ kể nhé!" và tự trấn an mình rằng chắc chỉ là chuyện bạn nọ bắt nạt bạn kia hoặc bị cô giáo phạt đứng ngoài cửa là cùng chứ không có gì nghiêm trọng đâu.

Những ngày sau đó, thay vì đi xe máy đến đón Nhím, mẹ gửi xe ở một chỗ xa xa, rồi đón nhau xong, hai mẹ con đi bộ buôn chuyện rôm rả với nhau, mẹ rủ Nhím đi cà phê với mẹ, còn "đãi" Nhím mấy món mà Nhím thích, cứ thế hai mẹ con nói đủ thứ chuyện trên đời. Đến ngày thứ 3, thứ 4 gì đó thì Nhím quyết định "kể chuyện buồn hôm nọ cho mẹ". Mẹ thở phào! Hóa ra Nhím bị thầy dùng thước vụt vào tay vì chơi cát ở sân cùng các bạn, Nhím bị vụt 2 cái vì các bạn nói là Nhím đầu têu. Nhím nói là không phải Nhím bày trò rủ các bạn chơi mà là bạn Hoa cơ. Mẹ hỏi Nhím sao không nói với thầy như thế để thầy biết thì Nhím bảo: "Thầy vụt vào tay con nhanh quá. Nếu con nói là bạn Hoa bày trò thì bạn ấy sẽ lại bị thầy đánh. Thôi đằng nào thầy cũng đánh con rồi!".

Cảm ơn Nhím vì đã kể cho mẹ nghe chuyện buồn của con, để mẹ biết là em bé của mẹ đã thực sự lớn lên rồi, và cũng để mẹ quý trọng hơn những phút bên con, mẹ biết mình phải làm gì rồi, để sau này, mỗi khi gặp chuyện gì đó không vui, Nhím sẽ nói với mẹ: "Con có chuyện buồn này muốn kể cho mẹ, mẹ ơi!".

(Mẹ của Nhím)

Từ câu chuyện của Nhím….

Trẻ có khả năng "bắt sóng" cảm xúc của bố mẹ vô cùng nhạy bén. Chỉ cần một cái nhíu mày, một nhịp im lặng, một hơi thở dài hơn bình thường, một ánh mắt thoáng trùng xuống là chúng có thể đọc ngay ra "thông điệp" của bố mẹ gửi cho mình.

Bởi vậy cha mẹ càng hiểu rõ cảm xúc của mình và nắm bắt được bản thân mình tốt bao nhiêu thì càng làm cha mẹ tốt bấy nhiêu, điều đó giúp cho bạn có đủ kiên nhẫn và tỉnh táo để cư xử đúng mực với con. Điều đầu tiên quan trọng nhất đối với trẻ khi chúng làm việc gì đó sai lầm, có chuyện không vui hoặc cư xử không đúng mực… là được bố mẹ lắng nghe và ghi nhận cảm xúc. Nếu bố mẹ phủ nhận cảm xúc tiêu cực của con, chúng không biến mất mà chỉ ẩn sâu xuống dưới, trở thành một vết thương trong lòng trẻ.

Con có chuyện buồn, nhưng con không nói với mẹ đâu! - Ảnh 2.

Cách duy nhất để bố mẹ thể hiện tình yêu và sự thấu hiểu với trẻ cũng như những cảm xúc của trẻ đó là dành thời gian cho trẻ nhiều hơn.

Sự đồng điệu cảm xúc của bố mẹ tạo ra cảm giác "an toàn cảm xúc" cho trẻ, bởi vì trẻ vô cùng thành thạo và nhạy cảm với ngôn ngữ cảm xúc, cũng như chúng có khả năng hấp thu mạnh mẽ một cách trực tiếp cảm xúc của cha mẹ. Khi nuôi dạy con, bố mẹ thường bỏ qua phần lắng nghe, ghi nhận, cảm thông và đi thẳng tới phần "dạy bảo" nên sự cảm thông của cha mẹ vô cùng quan trọng, nó giúp trẻ giải mã và quản lý cảm xúc của mình thay vì cảm thấy bản thân thật kém cỏi và bị tổn thương.

Bố mẹ hãy thể hiện sự lắng nghe, quan tâm và tôn trọng của mình đối với những cảm xúc, khó khăn mà con gặp phải bằng sự kiên nhẫn và bao dung và những lời động viên, chia sẻ rõ ràng, ngắn gọn mang tính chất tin tưởng và gợi ý trẻ hướng đến hành vi và suy nghĩ tích cực. Sự đồng cảm đó của bố mẹ thực sự sẽ làm nhẹ bớt và dịu đi những khó khăn, căng thẳng và phiền muộn mà trẻ đang phải trải qua.

Con có chuyện buồn, nhưng con không nói với mẹ đâu! - Ảnh 3.

Những câu chuyện mà con thủ thỉ với bạn sau mỗi ngày đi học không chỉ là chiếc chìa khóa thần kì giúp bạn mở cánh cửa trái tim, tâm hồn và cảm xúc của con; nó còn là sợi dây gắn kết bền chặt và đầy tin tưởng giữa cha mẹ và con cái, để sự lớn lên, trưởng thành của con không kéo dài khoảng cách giữa chúng và cha mẹ.

Những câu chuyện đó, sẽ không xuất hiện trong bất cứ cuốn sổ liên lạc nào mà nhà trường hay các thầy cô giáo gửi về cho bạn; mà chỉ có trong một cuốn sổ liên lạc duy nhất, đó là SỔ LIÊN LẠC TRÁI TIM của mỗi đứa trẻ. Đồng hành cùng con tuổi đến trường chưa bao giờ là một cuộc hành trình màu hồng với toàn niềm vui và những điều ngọt ngào; cùng với con, cha mẹ sẽ trải qua tất cả những cung bậc thăng trầm của cảm xúc, những thấp thỏm âu lo, những giận hờn buồn bã… Chỉ có tình yêu thương kiên nhẫn và thời gian ở bên nhau mới giúp bạn và con đi qua tất cả những điều đó với ít tổn thương và nhiều kỉ niệm nhất.

Đó cũng chính là lý do "Sổ liên lạc trái tim" ra đời, cùng các bố mẹ góp nhặt những câu chuyện mà các con líu lo, thủ thỉ, rúc rích chia sẻ với chúng ta sau mỗi giờ tan trường, bởi mỗi câu chuyện nhỏ sẽ lại là một bài học giúp chúng ta hiểu biết hơn, thông minh hơn, tinh tế hơn trong những cuộc trò chuyện với con và quan trọng nhất là hạnh phúc hơn trong hành trình lớn lên cùng con của mình.

Chúng tôi chờ câu chuyện của bạn tại địa chỉ email mevabe@afamily.vn

Chia sẻ