Con 6.3kg mẹ vẫn sinh thường mà không cần dùng thuốc giảm đau – cảnh báo hội chứng “bé bự” nguy hiểm

T.P,
Chia sẻ

Những ca sinh thường với trọng lượng thai lớn luôn khiến nhiều bà mẹ tỏ ra ngưỡng mộ, nhưng liệu thai to có tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ và bé hay không?

Mẹ sinh thường "bé bự" 6,3kg mà không dùng thuốc giảm đau

Bệnh viện tại một thị trấn Dagestanskiye Ogni thuộc Dagestan, phía Tây Nam nước Nga vừa đỡ đẻ thành công cho 1 sản phụ đặc biệt với trọng lượng em bé sơ sinh đạt hơn 6kg, gấp đôi so với trọng lượng của các bé sơ sinh bình thường. Sự kiện này khiến cả kíp trực của bệnh viện phải ngạc nhiên. Bà mẹ này còn được mệnh danh là bà mẹ “siêu nhân” bởi chị sinh thường với thai lớn mà không hề dùng bất kì loại thuốc giảm đau hay thuốc hỗ trợ kích đẻ nào.

Tuy nhiên, em bé với cân nặng “khủng” này được thông báo gặp các vấn đề về thính giác và có thể phát sinh thêm nhiều vấn đề sức khỏe khác trong tương lai. Nguyên nhân gây ra hiện tượng thai to, trong đó liệu có tiểu đường thai kì hay không vẫn chưa được xác định.

Con 6.3kg mẹ vẫn sinh thường mà không cần dùng thuốc giảm đau – cảnh báo hội chứng “bé bự” nguy hiểm - Ảnh 1.

Trên thế giới, các chuyên gia y tế cũng từng chứng kiến một số ca sinh con to hy hữu. Hồi năm ngoái, một người mẹ đến từ Brazil đã sinh con nặng 5.7kg và trở thành một trong những em bé sơ sinh nặng nhất tại khu vực Nam Mỹ. Sách kỷ lục thế giới Guinness cũng ghi nhận 1 em bé sơ sinh nặng nhất với trọng lượng đạt 10.2kg, sinh năm 1955 tại Aversa, Italy.

Còn tại Việt Nam cũng từng ghi nhận những ca sinh thai to, điển hình là trường hợp một em bé sơ sinh nặng kỉ lục 7,1kg tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc hồi tháng 10-2017. Ngoài ra còn có bé sơ sinh nặng 6,5kg ở Đà Nẵng; bé trai ở Quảng Nam với cân nặng 6,5kg chào đời năm 2014; bé gái ở Gia Lai với cân nặng lên tới 7kg chào đời năm 2008.

Con 6.3kg mẹ vẫn sinh thường mà không cần dùng thuốc giảm đau – cảnh báo hội chứng “bé bự” nguy hiểm - Ảnh 2.

Bé "bự" 7,1kg sinh tại Vĩnh Phúc tháng 10/2017.

Sinh con to: Những rủi ro và nguy cơ có thể xảy ra ở cả mẹ và bé

Thai lớn khiến người mẹ gặp khó khăn trong quá trình chuyển dạ sinh con, trong đó có đẻ khó do kẹt vai (shoulder dystocia). Đây là tình trạng sổ thai bị ngưng trệ do vai trước của thai nhi bị nêm chặt dưới xương mu của người mẹ khiến cho thai không thể di chuyển xuống cửa sinh để ra ngoài.

Điều này có thể dẫn đến nguy cơ trẻ sơ sinh bị gãy xương quai xanh hoặc gãy tay trong quá trình sinh. Trong trường hợp nặng hơn, các dây thần kinh ở cánh tay của bé có thể bị tổn thương tại nơi vai bị mắc kẹt, để lại di chứng về sau ở trẻ.

Với sản phụ, rủi ro đầu tiên và dễ nhận thấy với các trường hợp sinh khi thai lớn đó là khả năng rách âm đạo, tầng sinh môn của người mẹ trong quá trình sinh khiến cho người mẹ đau đớn. Ngoài ra, rủi ro biến dạng hoặc gãy xương cụt của mẹ, hiện tượng băng huyết cũng có thể gặp phải. Do đó, phụ nữ khi được chẩn đoán thai lớn thường được khuyến cáo nên chọn phương pháp sinh mổ để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho mẹ và con.

Con 6.3kg mẹ vẫn sinh thường mà không cần dùng thuốc giảm đau – cảnh báo hội chứng “bé bự” nguy hiểm - Ảnh 3.

Sinh mổ là phương pháp thường được khuyến cáo dành cho mẹ mang thai to để đảm bảo an toàn.

Cảnh báo hội chứng “bé bự” (Macrosomia)

Macrosomia là một thuật ngữ y học chỉ những em bé khổng lồ khi sinh ra có cân nặng vượt ngưỡng quy định, thường là từ 3.6kg trở lên, trong khi trọng lượng trung bình của trẻ sơ sinh thông thường chỉ khoảng 3.2kg. Những bé bự có thể gặp phải các biến chứng trong và sau khi sinh. Các nguy cơ này càng tăng lên đáng kể nếu thai nhi nặng từ 4kg trở lên.

Nguyên nhân có thể do di truyền, người mẹ mang thai với trọng lượng thai tăng dần sau mỗi lần sinh nở. Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây ra hội chứng bé bự bao gồm người mẹ bị béo phì, tiểu đường thai kì, tăng nhiều cân trong thời gian mang thai. Hội chứng này xảy ra ở khoảng 25 - 45% phụ nữ tăng đường huyết trong thai kỳ do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường.

Hội chứng bé bự khiến người mẹ gặp khó khăn trong quá trình sinh thường, có nguy cơ rách âm đạo, băng huyết, tổn thương xương cụt. Các bé bự trong quá trình sinh có thể bị kẹt lại trong đường sinh, khiến xương cổ, cánh tay bị gãy, tổn thương các dây thần kinh.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ