Cơm sôi thì phải bớt lửa, có giận đến mấy bạn cũng chớ thốt ra những câu này kẻo có ân hận đến mấy cũng đã muộn

Đinh Hương,
Chia sẻ

Trong lúc cãi nhau nóng nảy, nhiều người đã không thể kiềm chế được cảm xúc của mình mà nói ra những câu nói đầy tổn thương và càng như châm dầu vào lửa, khiến cho cuộc chiến càng thêm căng thẳng. Đây là một hành động sẽ làm cho tình cảm vợ chồng rạn nứt lúc nào không hay.

Bất kỳ ai từng trải qua cơn nóng giận cũng đều hiểu rằng, những câu “bình tĩnh nào”, “thư giãn đi”... đều chẳng mang lại tác dụng như mong muốn. Thậm chí khi nói ra những câu này, bạn còn dễ dàng khiến đối phương cảm thấy giận dữ, bực bội và khó chịu hơn, đặc biệt là khi cảm xúc tiêu cực lúc này đã gần như xâm chiếm toàn bộ tâm trí của họ.

Cơm sôi thì phải bớt lửa, có giận đến mấy bạn cũng chớ thốt ra những câu này kẻo có ân hận đến mấy cũng đã muộn - Ảnh 1.

Cũng giống như các hành động và biểu cảm trong lúc cãi nhau như trợn mắt, gằn giọng, làm lơ, thì một số từ ngữ nếu được thốt ra sẽ càng làm cho tình huống tồi tệ hơn nữa, từ một cuộc khẩu chiến mang tính xây dựng có thể sẽ biến thành một trận đại chiến ảnh hưởng đến tình cảm và làm cho mối quan hệ của cặp đôi rạn nứt.

Theo nhiều nhà tâm lý, dưới đây chính là 4 câu tuyệt đối không nên nói ra giữa một cuộc tranh luận, dù là với người bạn đời hay với bất kỳ ai khác.

“Anh không bao giờ…”, “Anh lúc nào cũng…”

Những cụm từ mang tính áp đặt và đổ lỗi này rất thường xuyên được dùng trong những cuộc cãi nhau. Ví dụ như: “Anh không bao giờ chịu nghe em nói cả!”. Sau khi thốt ra câu này, đối phương sẽ tự nhiên rơi vào thế phòng thủ, kết quả là họ sẽ không cần biết những gì bạn đang cố gắng diễn đạt tiếp theo vì họ chỉ muốn tập trung vào việc chứng minh rằng bạn sai. Cuối cùng cuộc tranh luận này chỉ đi lòng vòng chẳng đến đâu, là hai bên cùng gân cổ lên để chỉ trích, đổ lỗi cho đối phương.

Cơm sôi thì phải bớt lửa, có giận đến mấy bạn cũng chớ thốt ra những câu này kẻo có ân hận đến mấy cũng đã muộn - Ảnh 2.

Thay vì như vậy, bạn nên đi thẳng vào vấn đề, nêu rõ những thứ khiến cho bạn phiền lòng. Ví dụ: “Em cảm thấy rất bực mình khi hôm qua đã nhắc anh mua đồ giúp cho em nhiều lần mà anh vẫn không lấy. Lần sau em mong anh có thể để tâm lời em nói một chút”.

“Em không còn gì để nói. Kết thúc đi”.

Mỗi câu mỗi chữ bạn đã nói ra sẽ không bao giờ có thể rút lại được và sẽ để lại những vết sẹo trong tình cảm mà bạn sẽ mãi mãi hối hận về sau. Việc sử dụng câu từ hù dọa ruồng bỏ đối phương là một trong những cách tồi tệ và gây nhiều tổn thương cho người bạn đời, nhất là khi bạn nói ra câu đó một cách quá dễ dàng. Có thể ý của bạn là muốn ngừng cãi vã để tìm lại sự bình tĩnh nhưng câu nói này cũng mang hàm ý là “Em không còn yêu anh nữa và em không muốn ở cạnh anh nữa”.

Cơm sôi thì phải bớt lửa, có giận đến mấy bạn cũng chớ thốt ra những câu này kẻo có ân hận đến mấy cũng đã muộn - Ảnh 3.

Thay vì phải hét lên những thứ khiến cho nhau đau lòng, bạn hãy thật sự giữ lại sự im lặng cho mình, hãy tìm đến một nơi yên tĩnh và thoải mái để có thể lấy lại cân bằng cho tâm trạng và đừng quên hẹn lại một lúc nào đó để nói tiếp vấn đề khi đầu óc đã thực sự thoải mái.

“Anh là một kẻ chết nhát/tồi tệ…”

Việc áp đặt hoặc sử dụng bất kỳ loại ngôn ngữ xúc phạm đối với đối phương sẽ không mang tính xây dựng hoặc dẫn đến bất kỳ sự giải quyết xung đột nào. Những lời nói lăng mạ này thường được sử dụng như một cách để thể hiện sự giận dữ, nó có thể khiến bạn thấy hả hê nhưng sẽ làm cho người khác cảm thấy rất tệ hại và khó chịu. Ngoài ra, những lời nói đả kích đến lòng tự trọng chỉ khiến cho cuộc tranh cãi tệ hơn khi nửa kia bắt đầu phản ứng lại, cơ hội rất lớn bạn cũng sẽ hủy hoại luôn tình cảm mà mình đã vun đắp bấy lâu.

Cơm sôi thì phải bớt lửa, có giận đến mấy bạn cũng chớ thốt ra những câu này kẻo có ân hận đến mấy cũng đã muộn - Ảnh 4.

Thay vì tấn công cá nhân, bạn hãy cố tập trung vào những vấn đề cụ thể hoặc những hành động của người ấy khiến bạn cảm thấy buồn lòng.

“Sao anh cứ làm quá mọi chuyện lên hoài vậy?”

Câu nói này ám chỉ rằng nửa kia là một người vô lý và quá đáng. Ngay lập tức, câu nói như châm thêm dầu vào lửa bởi khi đang nóng nảy, điều mà bất cứ ai cũng mong muốn đó chính là được người khác lắng nghe và chia sẻ, đồng cảm chứ không phải bị chụp mũ là vớ vẩn hay làm quá mọi chuyện. Thay vì vậy, bạn hãy hỏi người kia rằng: “Anh nói em biết được không, vì sao anh lại nổi giận đến như vậy?”

Trong mọi cuộc cãi nhau, hẳn là ai cũng muốn mình là người thắng cuộc, mình là người đúng và người kia là người phải nhận lỗi. Tuy vậy nếu như ai cũng mang tư tưởng thắng thua và tranh đấu này, chắc chắn mối quan hệ của họ sẽ không thể nào được bền lâu. Cãi nhau không phải là chuyện xấu, chỉ là chúng ta có biết cách cãi thế nào cho ra ngọn ngành và cãi để có thể hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn hay không. Tất cả những điều trên đều phụ thuộc vào thái độ và những câu nói khôn ngoan của bạn đấy! Đừng để giận quá mất khôn, bạn nhé!

Chia sẻ